Thông tin từ Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, về vụ việc cháu bé N.T.V.A (8 tuổi) sống tại chung cư cao cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh bị hành hung đến tử vong, người bị tình nghi là vợ sắp cưới của bố em, sắp thành "mẹ kế" của em là một sự việc quá đau lòng và cần nghiêm trị.
Cục trẻ em nhận định, đây lại là một vụ việc xâm hại trẻ em bằng hành vi bạo lực rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong. Xã hội xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị người gây tội ác. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những chuyện quá đau lòng như này không lặp lại và chấm dứt các trường hợp trẻ em bị hành hạ dã man bởi chính cha/mẹ và những người có trách nhiệm pháp lý và đạo lý là phải yêu thương, che chở, bảo vệ đứa con của họ.
Thông tin trên báo chí, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), ông càng thấy xót xa hơn khi vụ việc lại xảy ra ở một khu chung cư thuộc hạng cao cấp, sang trọng tại một thành phố đông đúc, đầy đủ các thiết chế, tổ chức, dịch vụ bảo vệ trẻ em, ở mức nhất cả nước mà hành vi không bị tố giác để ngăn chặn kịp thời.
Việc bé N.T.V.A ở phường 22, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh nghi bị chính người sống trong gia đình, là bạn tình của bố đẻ hành hạ, đánh đập đến tử vong làm tôi liên tưởng một vụ án khác.
Đó là vụ Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, ở Hà Nội) - đối tượng đã bị phạt tử hình cuối năm 2020 do vừa sử dụng ma túy, vừa bạo hành con gái riêng 3 tuổi của vợ đến mức cháu bé tử vong. Mẹ của nạn nhân, Nguyễn Thị Lan Anh (30 tuổi) phải nhận án chung thân sau khi cơ quan bảo vệ pháp luật xác định người này cùng chồng mới "dạy dỗ con" từ 8 giờ ngày 29/3/2020 đến 2 giờ sáng hôm sau.
Những mức hình phạt nghiêm khắc nhất đã và rồi sẽ được tuyên và sẽ phải thực thi nhưng vẫn còn đó những vấn đề về sự hiểu biết, tuân thủ và biết sợ pháp luật trước khi xuống tay bạo hành, chà đạp những đứa trẻ non nớt của những người lớn tự cho mình "có quyền" bắt những đứa trẻ phải tuân thủ bằng mọi cách, trút cơn giận dữ, sự thù hận vô cớ lên thân thể và tinh thần những cháu bé không có khả năng tự vệ.
Ông Đặng Hoa Nam cũng cho biết: Tôi cảm thấy day dứt vì những bản án chung thân, tử hình vừa mới được tuyên năm trước không được dư luận, xã hội biết tới hay những kết cục đó vẫn không làm run sợ những người như “mẹ kế” V.N.Q.T và cả người là cha đẻ bé N.T.V.A?".
Do đó, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, trước hết mọi trẻ em đều được bảo vệ bằng pháp luật, mọi hành vi gây tổn hại cho trẻ em đều bị các cơ quan thực thi pháp luật xử lý, can thiệp bất luận là chuyện dạy con hay dạy học trò. Trong một xã hội văn minh, tiến bộ và pháp quyền mà chúng ta đang chung tay xây dựng, không thể tồn tại truyền thống hay phương pháp giáo dục, dạy dỗ trẻ em bằng roi vọt, bạo hành, xúc phạm.
Mọi hành vi xâm hại trẻ em cho dù là nguy cơ hay hiện hữu thì không thể là "chuyện riêng" của bất kỳ bậc cha mẹ, gia đình nào. Trách nhiệm cung cấp, xử lý, thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi của mọi cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân đến cơ quan có thẩm quyền đã được Luật Trẻ em 2016 quy định.
Cơ quan Lao động - Thương binh và xã hội, cơ quan Công an các cấp và UBND cấp xã/phường là những nơi có trách nhiệm và thẩm quyền tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp để xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em.
Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) đã được thiết lập, thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em. Quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin, thông báo, tố giác mọi hành vi xâm hại trẻ em đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, để cứu sức khỏe và sinh mạng của trẻ em khỏi những vụ việc xâm hại, bạo hành, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo nhanh nhất, sớm nhất đến các cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là Tổng đài 111.