Cúc Phương ơi

GD&TĐ - Chúng tôi tới Vườn quốc gia Cúc Phương vào đầu một ngày nắng đẹp.

Hình ảnh trong rừng quốc gia Cúc Phương.
Hình ảnh trong rừng quốc gia Cúc Phương.

Ánh nắng đang rọi ngàn ngàn tia sáng xuyên qua những tán lá rậm rịt đủ làm những ai khô khan nhất cũng phải xiêu lòng.

Câu hát “Ơi, Cúc Phương ơi, chiều nay tôi đến thăm em” được cất lên từ chính cái giọng khe nồng mùi thuốc lào của anh bạn làm nhiệm vụ dẫn đường, một nhạc sĩ tên Hóa, từng nhiều năm làm lính Quân đoàn 1 (Quân đoàn đóng tại Ninh Bình nên anh bạn nhạc sĩ này với rừng Cúc Phương như là chỗ thân thiết).

Nhạc sĩ Hóa hát hết câu nhưng chưa chịu chuyển sang hát câu tiếp theo mà cố tình kéo dài chữ “em” khiến tôi phải suy nghĩ, xuất phát từ cảm xúc nào hay can cớ gì mà nhạc sĩ Trần Chung lại “liều lĩnh” gọi cả khu rừng già đã có tới 12.000 năm tuổi có tên là Cúc Phương ấy là “em”.

Phải chăng vì ngay cái tên gọi? Phải chăng vì vẻ lãng mạn của phong cảnh núi rừng? Phải chăng vì sức cuốn hút của những điều kỳ bí tận trong rừng sâu núi thẳm? Phải chăng vì những câu chuyện hư hư thực thực?

Và phải chăng vì như thế mà bài hát “Nhớ về Cúc Phương” cứ ngân nga câu gọi “em” da diết. Bài hát tôi từng nhiều lần được nghe nghệ sĩ nhân dân Trung Đức thể hiện qua giọng ca mượt mà và có phần… đi đĩ nữa. Nghe hát về rừng mà cứ ngỡ đang nghe một ca khúc nói về… một người con gái thật.

“Cúc Phương – Người đẹp ngủ trong rừng”. Vẫn là nhạc sĩ tên Hóa lên tiếng. Anh đang đi trước chợt đột ngột dừng lại, nét mặt đăm chiêu và sau chục giây im lặng mới lên tiếng. Lần này thì giọng nói không ông ổng nữa mà nó như trùng xuống rất ví von.

Lối ám chỉ ví von lại mượn cổ tích châu Âu xem ra anh bạn nhạc sĩ này hơi lãng mạn. Có lẽ những câu chuyện cổ tích đông tây đã làm bộ óc nghệ sĩ của anh đã giàu lại thêm giàu tưởng tượng. Các nhạc sĩ đúng là hay. Gì cũng gọi là “em”. Gì cũng gọi là “công chúa”.

Vườn quốc gia Cúc Phương (từ nay sẽ gọi tắt là rừng Cúc Phương) là một khu bảo tồn thiên nhiên, khu rừng đặc dụng nằm trên địa phận ranh giới của ba khu vực là: Tây  Bắc, châu thổ sông Hồng và Bắc Trung Bộ, thuộc ba tỉnh là: Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Chỉ với sơ qua về mặt địa lý thôi đã thấy rừng Cúc Phương rất đáng nể về nhiều mặt. Theo đó, rừng Cúc Phương không chỉ đa dạng về mặt sinh học, mà còn là một địa điểm khảo cổ học. Các di vật tìm được trong rừng cho thấy chúng có niên đại tới 12 nghìn năm, chứng tỏ con người đã từng sinh sống ở đây từ 7 nghìn đến 12 nghìn năm trước.

Chúng tôi bất ngờ thực sự với lối ví von ấy nhưng chưa thể hỏi lại điều lý giải. Quả tình càng đi sâu vào trong rừng chúng tôi càng thu thập được nhiều lý thú.

Rừng Cúc Phương nếu cứ căn cứ vào những đánh giá khoa học thì đúng là một địa chỉ vào loại “hiếm có khó tìm” vậy mà nhiều người cũng chỉ biết đến Cúc Phương qua lời bài hát hoặc khá hơn chút đỉnh thì cũng rất đơn giản là: Rừng Cúc Phương nơi có cây chò chỉ to cao phải những hơn mười người đan tay ôm mà vân không trọn vòng.

Một cảnh quan tự nhiên đang được tỉnh Ninh Bình đề nghị UNESCO xem xét công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Chấm hết. Một địa điểm du lịch chỉ cách Thủ đô Hà Nội chừng 120 km cũng chỉ là một địa danh nơi có khu rừng nguyên sinh. Chấm hết.

Như thế rừng Cúc Phương cho đến nay khác nào một “Người đẹp ngủ trong rừng”? Vẫn giữ vẻ mặt cao đạo như mình đã tìm ra chân lý, nhạc sĩ tên Hóa đi trầm ngâm và nói câu nói đó cũng rất trầm ngâm. Dường như sức hút của rừng Cúc Phương còn nhiều hạn chế.

Dường như sức gọi mời của rừng Cúc Phương còn thưa thớt. Cảm giác xa xa, cảm giác kho khó, cảm giác không mấy nhiều, cảm giác nhanh quên đã và đang làm mọi chúng ta trở nên thờ ơ với rừng Cúc Phương. Trở nên xa lạ với rừng Cúc Phương. Người đẹp sẽ cũng có thể ở giá trọn đời một khi không có ai cầu hỏi?

Nguồn cảm hứng thi ca và tình yêu

Cũng phải nói thêm cho rõ rằng, chuyến đi điền giã vào rừng Cúc Phương của chúng tôi là có mục đích. Nhóm có mấy người bạn gồm toàn đàn ông, làm thơ có, chụp ảnh có và dĩ nhiên nhạc sĩ cũng có.

Có lẽ vậy chăng mà nhạc sĩ tên Hóa mới không ngần ngại ví von. Đàn ông mà. Ai mà chả mê gái đẹp. Có ví von như thế mới kích thích các ông sáng tác chứ. Nhạc sĩ tên Hóa cười chống chế.

Bước chân vào rừng Cúc Phương như lạc tới chốn bồng lai vời vợi. Chẳng thế mà Cúc Phương là nguồn cảm hứng cho nhiếp ảnh, hội họa và cho thi ca một khi được một lần ghé thăm. Bài hát “Nhớ về Cúc Phương” của nhạc sĩ Trần Chung cứ da diết ngân trong thương nhớ và gửi gắm.

Đêm ấy chúng tôi ngủ lại trong rừng Cúc Phương. Về đêm không khí xuống thấp. Cái lạnh khiến mọi người xích lại gần nhau một cách tự nguyện. Trong ánh lửa bập bùng dường như mọi lời nói đều thành những câu thơ tuôn chảy.

Và nghe đâu như chính trong một đêm trăng bữa nào giữa bao đêm lửa  trại trong rừng Cúc Phương, cái đêm mà ánh trăng lẫn vào ánh lửa đã được thi sĩ Đỗ Thịnh đã viết lên những dòng thơ luyến láy. Lời thơ đã được nhạc sĩ Vân Đông phổ thành ca khúc “Đêm trăng Cúc Phương”.

Bài hát cứ vang lên rủ rê, vang lên mời gọi bởi giọng hát đằm thắm của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Hoa, chị đã hát “Đêm trăng Cúc Phương đêm trăng như huyền thoại/ Trăng dát vàng trên lá dát trên hoa/ Cây chò chỉ trăng nằm đu cành bổng/ Cây chò xanh trăng ngủ trĩu cành la/ Đêm trăng Cúc Phương đêm trăng như cổ tích/ Trăng không tròn khi vào hang trăng khuyết…”

Tôi chợt nhớ câu chuyện về một cặp vợ chồng “không biên giới”. Câu chuyện này Đài Truyền hình Việt Nam đã phát. Một câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích. Người chồng có tên là Tilo Nadler, ông là chuyên gia động vật người Đức, tình nguyện đến Việt Nam từ năm 1991, ông là thành viên của Hội Động vật hơn một trăm năm tuổi có tên Frankfurt (Frankfurt Zoological Society – FZS.

Năm 1993, Tilo gặp Hiền khi cô đang là sinh viên thực tập bán hàng mỹ nghệ. Ấn tượng về một nhà khoa học lớn tuổi người nước ngoài đầy ắp kiến thức, yêu thiên nhiên hoang dã đến cuồng nhiệt, cao lớn, giọng trầm ấm nhưng tính cách không kém phần sôi nổi, quyết liệt đủ để lôi tuột cô gái trẻ sinh viên Hà Nội ra khỏi vòng cấm đoán của gia đình cũng như những dị nghị, đàm tiếu đến cay nghiệt của không ít người thân quen.

Hai vợ chồng đã chọn rừng Cúc Phương để “xây tổ ấm”. Họ đến với rừng Cúc Phượng và dành trọn tâm huyết cho công tác nghiên cứu và bảo hộ các loài động vật. Cảm hứng tình yêu với rừng đã thắt chặt họ với nhau và tạo nên cảm hứng yêu tha thiết cuộc sống. 

Nơi tạo nguồn khám phá

Như vậy rừng Cúc Phương đâu chỉ là gợi ý cho những cảm hứng nghệ thuật. Rừng Cúc Phương còn gợi ý cho cảm hứng yêu đương. Mà đây lại là chuyện yêu đương… khoa học. Hình như ước vọng khám phá mới chính là tác nhân của nguồn cảm hứng. Chuyện về cặp vợ ta chồng tây đã giúp tôi nhận ra điều đó.

Từ Hà Nội, bạn có thể đến với rừng quốc gia Cúc Phương theo nhiều lối khác nhau. Lối cơ bản và thông thường nhất vẫn là theo đường Quốc lộ số 1, tới ngã ba Gián Khẩu rồi rẽ phải theo Quốc lộ 12a lên thị trấn Nho Quan.

Qua Nho Quan 2km là tới Vườn quốc gia Cúc Phương. (Không hiểu do trung tâm của rừng là xã Cúc Phương của huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình hay không tên xã Cúc Phương được đặt cho tên của rừng?).

Nhưng với tôi, thì tôi lại thích vào rừng Cúc Phương theo lối mới. Từ Hà Nội theo Đại lộ Thăng Long (đường Láng – Hòa Lạc) gặp nơi giao với đường Sơn Tây – Xuân Mai thì chạy thẳng. Cứ theo đường Hồ Chí Minh mới mở, nhìn đến lịm cả mắt mà chạy.

Đường Hồ Chí Minh đoạn ngang rừng Cúc Phương chỉ vỏn vẹn có 7,5 km nhưng cũng chạy qua 2 tỉnh (Hòa Bình và Thanh Hóa). Lối vào rừng này là “lối tập hậu” vì nó ở mạn cực phía Tây Bắc của rừng Cúc Phương.

Từ đây theo con đường bộ bạn có thể đi xuyên qua rừng để tới cửa rừng ở mạn cực phía Đông Nam. Theo lối này ta dễ dàng “khám phá bên trong” của “người đẹp” còn say sưa trong giấc ngủ đại ngàn.

Trong rừng, thật vô vàn kỳ thú, đôi lúc bạn có thể giật thót mình bởi bỗng đâu hiện ra một “rừng bươm bướm”. Bầy bươm bướm đông đặc chen chúc nhau mà vẫy vẫy đôi cánh hoa đủ màu sặc sỡ. Nhưng rồi bạn sẽ mau chóng quên đi bầy bươm bướm mê hoặc mà sững sờ trước vẻ hào phóng của thiên nhiên khi leo tới Đỉnh Mây bạc.

Từ trên độ cao 648 mét, lại ở giữa rừng già, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng toàn bộ khu rừng, mà còn được nhìn ngắm những cánh đồng lúa chín vàng rực của các làng xã bao quanh rừng.

Bạn có thể bước vào Động Phò Mã sau khi đã thăm thú hồ Yên Quang, một hồ nước ngọt giữa rừng sâu có chiều dài hơn 2 km. Động Phò Mã đang chờ đợi bạn. Câu chuyện đang chờ bạn khám phá và kể thêm dài cho chuyện.

Chặng đường chưa kịp mỏi chân đi bộ 16 km xuyên rừng thì đã níu bạn dừng lại nơi Bản người Mường. Giữa rừng sâu thẳm, bản Khanh toàn người Mường thuộc xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cứ phập phồng hơi thở nóng hổi như đang tỏa ra từ những bếp lửa nhà sàn.

Một củ khoai, một bắp ngô hay đơn giản chỉ là được ngửi mùi khói củi đang chảy sèo sèo rất êm tai. Cuộc sống trần trụi trong rừng sâu hẳn là một câu chuyện mới mà bạn đang ngóng nghe.

Người đẹp chưa bị chinh phục

Thật không vô lý chút nào khi bạn đã thực hiện xong cuộc hành trình đi bộ xuyên rừng Cúc Phương. Bạn sẽ thấy tự hào về bản thân mình nhưng lại âm thầm dấy lên nỗi tiếc nuối bởi dường như (bạn cảm thấy) rừng Cúc Phương vẫn là “một người đẹp ngủ trong rừng vẫn chưa bị ai chinh phục”.

Có quá ít những câu chuyện để buộc bạn phải nhớ, có quá ít những câu chuyện buộc bạn phải thương và phải nghĩ suy về rừng Cúc Phương. Rừng Cúc Phương khác nào vẫn còn như “cô gái đang chờ có chàng Hoàng tử đến đánh thức vậy”.

Chuyến đi xuyên rừng từ Tây sang Đông, hay ngược lại từ Đông sang Tây đã cho bạn nhiều điều mắt thấy. Cảm giác “thiếu tai nghe” làm bạn cứ như vừa “bị mất thứ gì”. Cảm giác “mắt đã thấy mà tai chưa nghe” cứ làm bạn băn khoăn, làm bạn áy náy.

Những Động Phò Mã. Những Bản người Mường. Những Đỉnh Mây bạc. Những Động Người xưa. Những Hang Con Moong. Những Hồ Yên Quang. Những cây chò chỉ ngàn năm tuổi. Những và những địa danh cùng bao điển tích còn ẩn mình trong rừng sâu đại ngàn.

Cho tới nay, nếu không nhầm thì những hiểu biết về rừng Cúc Phương vẫn chỉ là những “phác họa đầu tiên”, bức tranh toàn cảnh và lời chú thích vẫn ẩn khuất đâu đó.

Và tôi lại tự trách mình. Sao với cái “những” như đã nêu lại ít có những “câu chuyện song hành” nhỉ? Sao với những cái “những” như đã nêu còn chưa được ai kể lên thành một câu chuyện xưa mà nghe thật.

Sao với bao cái “những” như đã nêu mà vẫn thấy thiếu tính liên kết để tạo nên chuỗi những “câu chuyện đường rừng”. Chuỗi những câu chuyện đường rừng không chỉ giúp ta xua đi xa xôi, khó khăn mà cao hơn là nó cho ta một cảm tình về nơi mà mình từng lưu dấu chân.

Nàng (rừng Cúc Phương) không tự nói được thì chính chúng ta phải “cất lên tiếng nói”. Và như vậy du khách mới tìm đến với Cúc Phương và ra về rồi lòng còn ngẩn ngơ tiếc nuối mong lần trở lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ