Cực nhọc nghề mò trai

Cực nhọc nghề mò trai

(GD&TĐ) - Từ hơn một thập kỷ trở lại đây, thắng cảnh Hồ Tây của thủ đô Hà Nội luôn là “điểm hẹn” của một bộ phận những người nông dân đến từ một số tỉnh thành phía Bắc. Họ tụ hội về đây để mưu sinh bằng công việc mò trai, bắt ốc. Dẫu công việc vất vả là vậy, nhưng bù lại, số tiền họ kiếm được qua mỗi ngày lặn lội cực nhọc, trừ chi phí thuê trọ, tiền ăn rồi cũng còn để ra được một khoản nho nhỏ để gửi về quê…

Cực nhọc nghề mò...

Tiếp xúc khá nhiều lần với những người phụ nữ làm nghề mò trai ở Hồ Tây nên tôi rất tường tận công việc vô cùng vất vả cực nhọc của họ. Hàng ngày, khi mặt trời còn chưa kịp ló rạng khỏi những vòm cây phía Trời Đông là họ đã lục đục trở giấc để rời phòng trọ ngoài bãi An Dương (Quận Ba Đình) để đi bộ ra hồ. Trước khi xuống nước bắt đầu cho một ngày mưu sinh thì những chị phụ nữ làm nghề mò trai thường mất khoảng 30 phút đứng trên bờ để chuẩn bị. Họ nai nịt áo quần, đội nón rộng vành và bịt khăn kín mít để tránh ánh nắng phản chiếu xuống mặt nước làm đen da.

Ngoài ra họ còn phải khoác và buộc thêm một chiếc áo mưa giấy ở phía bên ngoài quần áo cho đỡ lạnh, vì ngâm mình lâu dưới nước thân nhiệt sẽ giảm, và chính chiếc áo mưa giấy cũng ít nhiều giúp họ bớt lạnh. Đồ nghề không thể thiếu được của họ là chiếc bao tải dứa, bởi khi chân dẫm chạm vào những con trai, họ dùng mu bàn chân lấy con trai đó lên và bỏ vào bao tải dứa mang bên mình đó. Công việc dẫm lận trai cứ tuần tự và đều đặn như thế ở khắp những chỗ nước họ cảm thấy đứng được chạm tới đáy của Hồ Tây. Những chỗ nước sâu họ không thể mò trai được, mà những chỗ này chỉ có những người nam giới, có sức khỏe mới lặn ngụp được để bắt.

Chị Nguyễn Thị Nga, 46 tuổi, quê Nam Định, người đã có thâm niên tới 9 năm với công việc mò trai ở đây kể: “Nghề này phải gọi là quá vất vả khi trung bình phải ngâm mình từ 5 - 7 tiếng dưới nước. Nếu là mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông lạnh giá thì dẫu có nai nịt bao quần áo, áo đi mưa rồi mà vẫn tím da tím thịt vì rét. Nhiều hôm rét quá, trước khi xuống nước cả nhóm chúng tôi còn phải uống nước mắm để chống lạnh…”.

Chị Nga còn cho hay, kể cả thời tiết mùa hè, khi ngâm dưới nước lâu quá khi lên bờ da thịt cũng nhợt nhạt nhìn như người chết đuối. Rồi thì, nước hồ ô nhiễm quá, kết hợp với nắng gió nên da ai cũng đen nhẻm cháy rám, mặc dù đã bịt kín hết chỉ hở hai con mắt. Chẳng vậy mà có lần về quê chơi, mấy đứa con chị Nga cứ hay đùa trêu chị là mới đi biển tắm về nên da mới đen cháy như vậy… Khi bắt trai, sự nguy hiểm là có thật khi hầu như ai vào nghề này cũng khó tránh khỏi, đó là bị các con trai sắc nhọn cứa vào chân tay làm chảy máu. Chẳng vậy mà hầu như chị nào cũng bị rất nhiều vết thương, nhất là ở bàn chân, mà vết cũ chưa lành, vết mới đã xuất hiện…

Cặm cụi mưu sinh dưới mặt nước Hồ Tây
Cặm cụi mưu sinh dưới mặt nước Hồ Tây

Sống được bằng nghề

Những năm gần đây, ốc, trai không còn nhiều như cách đây hơn chục năm do lượng người bắt nhiều, sự sinh sôi luôn không theo kịp lượng bắt đi, nhưng những người làm công việc này vẫn sống khỏe. Chị Lê Thị Tâm, người cùng nhóm đi mò trai và cùng quê Nam Định với chị Nga kể rằng: “Mỗi buổi đi mò của cách đây 7-8 năm, khi chỉ khoảng 3 tiếng là bọn chúng tôi mỗi người bắt được 30-40kg trai trai. Thời bây giờ, trai ít dần đi nên phải mất 7-8 tiếng mà số lượng mò được cũng không thể bằng…”.

Qua trò chuyện cùng chị tôi được biết hiện giờ mỗi ngày chị bắt được khoảng 20-25 kg trai, nếu hôm nào gặp bãi nhiều trai thì số lượng có thể hơn một chút. Với giá trai bán buôn ở thị trường là 12-14.000 đồng/kg, thì vị chi thu nhập của chị cũng được trung bình trên, dưới 250.000 đồng/buổi. Hầu như ngày nào các chị trong nhóm cũng đi mò nên thu nhập là rất đều đặn, chỉ họa hoằn lắm khi trái nắng trở trời các chị mới nghỉ. Chính vì vậy mà trừ chi phí tất tật rồi, mỗi chị hàng tháng cũng để ra được 3 - 4 triệu đồng.

Chị Trần Thu Hương, 36 tuổi, một người trong nhóm mò trai quê Hưng Yên, thuê trọ ở gần mạn Xuân La cho hay, do muốn tận dụng đồng tiền kiếm được nên sau các buổi lặn lội dưới hồ, các chị mang trai chia nhau tới các chợ trong khu vực để bán lẻ mong lấy giá đắt hơn, chứ không bán buôn. Chỉ với việc tận dụng như vậy mà mỗi hôm mỗi người cũng “thêm” được mấy chục ngàn đồng, thậm chí cả trăm ngàn từ số sản phẩm mò được, vì trai bán buôn chỉ 12-14.000 đồng, trong khi bán lẻ luôn là 16-18.000 đồng/kg.

Nếu như những chị phụ nữ mò trai chỉ quanh quẩn trong các vùng nước nông có thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày lao động, thì với những người đàn ông họ có thu nhập cao hơn khi mà số lượng trai họ bắt được thường nhiều hơn, đó còn chưa nói tới phần giá thành trai họ bắt được bán cũng được giá hơn do những con trai trai sống sở nơi nước sâu thường to, béo hơn…

Chính vì bám trụ và sống được từ công việc bắt trai nên hầu như thời khắc nào trong năm cũng không vắng bóng người đi mò. Mùa đông số lượng người còn ít hơn đôi chút, chứ mùa hè nóng ấm, nhu cầu ăn món canh trai khoái khẩu của nhiều người dân đô thị, khiến trai tiêu thụ mạnh và giá tăng cao thì lượng người đổ về Hồ Tây mò trai lại “đông như trẩy hội”…

Nguyễn Hà Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ