Ngày 29/5, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an bắt đầu khảo sát sự hài lòng của người dân, đơn vị, tổ chức đối với sự phục vụ của cán bộ, chiến sĩ trong lĩnh vực đăng ký xe, cấp đổi biển số, quản lý phương tiện.
Tại sảnh tầng một của Cục CSGT trên phố Lê Duẩn (Hà Nội), hai nữ cán bộ thuộc Phòng Tham mưu phát phiếu khảo sát gần 10 trang. Sau khi hoàn thành thủ tục hành chính, đăng ký xe, người dân sẽ điền vào phiếu.
Anh Vũ Văn Bẩy, lái xe cho Đại sứ quán Libya tại Hà Nội, cho biết mất gần một tuần để đổi biển số xe cho cơ quan. "Thời gian này đã được rút ngắn khá nhiều so với trước đây. Cán bộ làm việc trực tiếp hướng dẫn rất đầy đủ, chu đáo, theo đúng lịch", tài xế Bẩy nói.
Đánh giá việc Cục CSGT lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân, tài xế Bẩy cho rằng "việc này là cần thiết để các cơ quan cải thiện phong cách, thái độ phục vụ ngày càng tốt hơn, thủ tục nhanh chóng hơn nữa".
Một số tài xế thuộc các cơ quan đơn vị nhà nước hài lòng với kết quả giải quyết thủ tục hành chính nên đã cho điểm tuyệt đối trong phiếu đánh giá. Ảnh: Bá Đô |
Trong sáng 30/5 có bốn người đến làm thủ tục đăng ký xe, ngày đầu tiên có 10 trường hợp. Những phiếu đánh giá sẽ được tổng hợp, phân tích sau khi kết thúc đợt khảo sát vào ngày 30/6. Sau đó Cục CSGT sẽ gửi báo cáo về Bộ Công an để tổng hợp và đánh giá.
Cuối tháng 4, Bộ Công an ban hành kế hoạch đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan có chức năng giải quyết thủ tục hành chính trong công an nhân dân năm 2019. Người dân, tổ chức có thể đánh giá mức độ hài lòng theo điều tra xã hội học hoặc qua khảo sát trực tuyến tại địa chỉ đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Trong bảng khảo sát trực tuyến, hơn 20 câu hỏi được đặt ra như: cơ quan, đơn vị công an trả kết quả cho ông/bà có đúng hẹn không; ông/bà đi lại bao nhiêu lần trong quá trình giải quyết công việc (kể từ lần đầu tiên đến cơ quan, đơn vị công an cho đến lần nhận kết quả)?
Bảng niêm yết các loại thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Cục CSGT giải quyết. Ảnh: Bá Đô |
Đặc biệt, người dân sẽ cho cơ quan khảo sát biết các cán bộ, chiến sĩ có gây phiền hà, sách nhiễu hay gợi ý nộp thêm tiền ngoài phí, lệ phí trong quá trình giải quyết công việc hay không?
Thông qua kết quả thu được, Bộ Công an nắm bắt được nhu cầu, mong muốn chính đáng của người dân, tổ chức, từ đó nghiên cứu, đưa ra biện pháp khắc phục tồn tại, cải thiện chất lượng phục vụ.