Quan trọng là hàm lượng sử dụng
Được biết sử dụng axit benzoic, axit sorbic có trong tương ớt Chin- su bị thu hồi do sử dụng chất phụ gia thường không được sử dụng ở Nhật Bản.
Tuy nhiên khi đi phân tích về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: Về axit benzoic đây là chất bảo quản kháng vi sinh vật có dạng lỏng được phép dùng trong thực phẩm. Chỉ cần cho 0,1% chất này là có thể kháng được vi khuẩn, do đó với nồng độ thấp như vậy sẽ không ảnh hưởng đến người dùng.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích: Axit benzoic được nhiều quốc gia trên thế giới cho phép sử dụng, trong đó có Việt Nam nhưng Nhật Bản không cho phép. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia nào thì phải tuân thủ quy định luật pháp của nước sở tại.
Ông Thịnh cho rằng, chất chứa trong tương ớt Chin-su bị thu hồi không phải là axit benzoic vì là chất lỏng khó hoà tan mà là có thể axit benzoate, một dạng muối dễ hoà tan. Chỉ cần nồng độ sử dụng thấp đã có thể kháng khuẩn nên thực phẩm không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng.
“Hơn nữa tương ớt là một loại gia vị nên cũng không ai ăn nhiều cả. Nếu ăn nhiều thì có lẽ người ăn sẽ bị ngộ độc vì ớt trước khi ngộ độc vì benzoic”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.
Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá độ an toàn khi sử dụng axit benzoic mà không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe (ngay cả khi người sử dụng tiếp tục ăn suốt đời mỗi ngày) tối đa 0,5g/kg cân nặng/ngày.
Tức là một người có trọng lượng 50kg có thể ăn tới 0,56kg axit benzoic nhưng vẫn không bị ảnh hưởng tới sức khoẻ và có thể ăn hằng ngày. Trong khi đó, tại Việt Nam, quy định của Bộ Y tế cho phép sử dụng phụ gia này trong thực phẩm với nồng độ tối đa là 1g/kg.
Tùy thuộc vào quy định từng nước
Trước thông tin về vấn đề liên quan đến lô sản phẩm tương ớt Chinsu bị Nhật Bản thu hồi trong những ngày gần đây, ngày 8/4, Cục An toàn thực phẩm có ý kiến: Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex) hướng dẫn chung cho các thành viên Codex (gồm 189 nước) trong đó có Việt Nam thì axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) được phép sử dụng trong thực phẩm trong đó có tương ớt.
Theo Bộ Y tế Việt Nam quy định tại Thông tư số 27/2012/TT - BYT ngày 30/11/2012 về việc hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm và Thông tư số 08/2015/TT-BYT sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 27/2012/TT-BYT ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm được phép sử dụng axit benzoic (INS 210) và axit sorbic (INS 200) với hàm lượng tối đa 1000mg/kg sản phẩm tương ớt.
Cục An toàn thực phẩm cũng nhấn mạnh: Tùy yêu cầu của công tác quản lý thực phẩm của mỗi Quốc gia khác nhau thì quy định khác nhau; Tùy theo thói quen sử dụng thực phẩm của người dân trong nước, lượng tiêu thụ thực phẩm khác nhau ở mỗi nước, nên có thể cùng là thành viên của Codex nhưng có nước cho sử dụng, có nước không cho sử dụng;
Có nước cho sử dụng ở hàm lượng này, có nước cho sử dụng ở hàm lượng khác nhưng nhìn chung không quá quy định của Codex. Nhật Bản không cho dùng axit benzoic trong tương ớt nhưng cho dùng axit benzoic trong các sản phẩm khác ví dụ nước tương, bơ thực vật, đồ uống không cồn...
Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1000mg/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo khi sử dụng phụ gia thực phẩm trong sản xuất chế biến thực phẩm phải tuân thủ các nguyên tắc sau: sử dụng đúng loại phụ gia thực phẩm trong danh mục, đúng đối tượng, đúng hàm lượng theo quy định của Bộ Y tế. Các phụ gia thực phẩm phải đảm báo có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn thời hạn sử dụng và phải đáp ứng yếu cầu về an toàn theo quy định tại các Quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn Việt Nam tương ứng.