Cục An toàn thông tin đề nghị Tiktok Việt Nam xử lý kênh Thơ Nguyễn

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin vừa đề nghị TikTok Việt Nam khẩn trương có biện pháp xử lý video, chủ tài khoản kênh TikTok Thơ Nguyễn liên quan các clip có nội dung phản cảm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức của trẻ em.

Ảnh cắt từ clip Thơ Nguyễn "xin vía" học giỏi từ búp bê Kuman Thong.
Ảnh cắt từ clip Thơ Nguyễn "xin vía" học giỏi từ búp bê Kuman Thong.

Mới đây, kênh Tiktok Thơ Nguyễn đã đăng tải một clip 60 giây trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của cô về việc xin "vía" học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê "bùa ngải" Kumanthong ở Thái Lan).

Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn đeo kính, thể hiện vẻ mặt nghiêm trọng có phần hăm dọa, ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con", dỗ dành búp bê để xin "vía" học giỏi cho các em học sinh.

Ngay sau đó, dư luận phản đối việc TikToker, Youtuber Thơ Nguyễn dùng búp bê ""cầu vía học giỏi” cho trẻ em. Mặc dù, Thơ Nguyễn đã lên tiếng giải thích "đây chỉ là búp bê thường, không phải Kumanthong, muốn học giỏi thì chỉ có cách siêng học" tuy nhiên, nhiều phụ huynh không chấp nhận giải thích này và cho rằng, dù động cơ là gì, clip vẫn gây ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ con vốn chưa có khả năng phân biệt những mặt tốt, xấu.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 14/3, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT thông tin), vừa gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam khẩn trương có biện pháp xử lý video, chủ tài khoản kênh Thơ Nguyễn.

Cục An toàn thông tin nhận định, thời gian vừa qua, một số kênh truyền thông đã đưa tin về video dùng búp bê “xin vía học giỏi” của kênh TikTok Thơ Nguyễn, trong đó có chứa nội dung phản cảm, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Sự việc này đã gây ra tâm lý tiêu cực tới sự phát triển và nhận thức của trẻ em, khiến nhiều phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc.

Cùng với yêu cầu Công ty TikTok Việt Nam nghiêm túc thực hiện yêu cầu trên, Cục An toàn thông tin cũng đề nghị doanh nghiệp này cử đầu mối liên lạc và báo cáo kết quả xử lý về Cục trước ngày 19/3/2021.

Bên cạnh đó, trong văn bản gửi TikTok Việt Nam, Cục An toàn thông tin yêu cầu TikTok tăng cường giải pháp để ngăn chặn hiệu quả hơn nội dung đưa trên mạng, không để lọt những nội dung độc hại với trẻ em, vi phạm thuần phong mỹ tục.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, trong năm 2020, Bộ TT&TT đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025”. Cục An toàn thông tin là cơ quan được Bộ TT&TT giao trực tiếp phối hợp với các đơn vị liên quan soạn thảo Đề án.

Hiện dự thảo Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025” đã được Bộ TT&TT trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Đề án này đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như tạo lập một đầu mối duy nhất trên không gian mạng nhằm tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm, chủ động chọn lọc và gỡ bỏ nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng; đồng thời trang bị bộ kỹ năng số cơ bản cho trẻ em, bao gồm giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để trẻ em có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.

Trước đó, ngày 25/2 và 27/2, nhiều người phản ảnh Tiktoker Thơ Nguyễn đã đăng tải 2 clip có nội dung được cho là liên quan đến búp bê Khumanthong. Bên cạnh đó, Thơ Nguyễn cũng cho biết do nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ nên quay video dùng búp bê để "xin vía" học giỏi.

Sau sự việc, dư luận đã có nhiều ý kiến phản ánh rằng Tik Tok chưa kiểm soát tốt những nội dung không phù hợp với văn hoá phẩm Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.