Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, đề án, chỉ thị và các văn bản chỉ đạo điều hành khác nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội và bạo lực học đường; Đồng thời đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên;
Mặt khác, Bộ chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục bảo đảm các giá trị cốt lõi;
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý giáo dục học sinh, trong đó gia đình có vai trò hết sức quan trọng; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo; việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; kịp thời nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương và tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng, tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt. Đặc biệt, cử tri và nhân dân ghi nhận việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 bảo đảm khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Báo cáo cũng nêu, cử tri, nhân dân lo lắng, bức xúc trước một số vụ việc do bất cẩn, thiếu trách nhiệm của giáo viên, người quản lý, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục dẫn đến tai nạn, rủi ro cho học sinh, như: Vụ việc xảy ra ở Trường Gateway, Hà Nội khiến 1 học sinh tử vong; vụ việc Trường Mầm non Đồ Rê Mí, Bắc Ninh làm 1 học sinh bị hôn mê….
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT và các địa phương rà soát, bổ sung các quy định về quản lý, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục; triển khai các giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh, an toàn trường học; quan tâm chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.