Gặp soạn giả Nguyễn Văn Mão tại nhà riêng trên phố Phạm Hồng Thái vào buổi sáng chớm đông, như đoán được sự tò mò trong đầu tôi, soạn giả đã hỏi ngay: "Chắc cháu cũng giống như nhiều người đã từng hỏi tôi, chữ Quốc ngữ đang phát triển và đi vào ngõ ngách của cuộc sống như thế, sao tôi lại sáng tác ra chữ Thảo để làm gì đúng không?".
Tôi gật đầu và câu chuyện của tôi với soạn giả Nguyễn Văn Mão quẩn quanh bên cuốn từ điển Nôm Việt Thảo – cuốn từ điển mà phải mất 8 năm ròng soạn giả mới cho ra mắt bạn đọc được.
Ông Mão có niềm say mê với thư pháp chữ Thảo ngay từ ngày còn trẻ, niềm say mê đó vắt qua cả thế kỷ vẫn không có gì thay đổi trong ông.
Ông kể, thời thơ bé, mỗi độ xuân sang, hình ảnh những ông già choàng trên người chiếc áo the thâm, chiếc quần trúc bâu trắng, đầu chít chiếc khăn đen, chòm râu thưa dài, ngồi mài mực viết chữ trên phố đã in đậm trong tâm trí ông.
Khi đó, ông cũng chẳng hiểu các cụ viết chữ gì, có nghĩa như thế nào nhưng hình ảnh đẹp cùng những con chữ bay bướm đã mê hoặc ông, có lúc, mải ngắm các cụ viết mà tan trường rất lâu ông mới về tới nhà.
Không dám nhận mình là con nhà nòi nhưng cậu của soạn giả Nguyễn Văn Mão cũng là một nhà nho nổi tiếng thường được mời viết hoành phi câu đối cho nhiều người.
Ngày nhỏ, mỗi lần được bố dẫn tới nhà cậu chơi, cậu bé Mão thường sà ngay tới xin mài mực cho cậu viết chữ, rồi lại được cậu tặng tranh thư pháp mang về nhà treo.
Được tắm mình trong không gian văn hóa đó nên ngay từ bé, cậu bé Mão đã cảm nhận được những nét đẹp lung linh của chữ Thảo.
“Trên những tờ giấy bốn góc còn quăn queo sơ các sợi dó, chữ của cậu cứ nối tiếp nhau, đan xen, uốn lượn tạo nên những khoảng trống lặng, đậm nhạt, sáng tối, lung linh huyền ảo, tôi lúc đó có cảm giác thư thái lạ lùng” - Soạn giả Nguyễn Văn Mão hồi tưởng.
Từ điển Nôm Việt Thảo |
Cuối cùng may mắn có một công ty trẻ đã đứng ra nhận làm cho ông. Ông lại ngồi nắn nót từng chữ một, viết cẩn thận ra giấy các chữ Nôm – Việt – Thảo để bên công ty đó chụp lại.
Lựa đi lựa lại, kiểm tra từng li từng tí một bởi theo ông Mão “từ điển mà sai chính tả thì còn nói chuyện gì” rồi ông mới gửi NXB Lao Động xin cấp phép và in ấn đúng dịp Hà Nội chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Thư pháp bằng chữ Thảo mà soạn giả Nguyễn Văn Mão viết được trưng bày trong Triển lãm Nam Cao và các tác phẩm qua Nghệ thuật tạo hình tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2006. |
Cố PGS.TS Đỗ Thị Hảo (Viện nghiên cứu Hán Nôm) từng nhận xét: Cuốn từ điển Nôm Việt Thảo của soạn giả Nguyễn Văn Mão là một đóng góp mới giúp ích nhiều cho những người quan tâm đến chữ Nôm của dân tộc. Điều đáng nói nữa là chữ Nôm viết theo lối Thảo đã góp phần không nhỏ nâng ca trình độ thẩm mỹ trong nghệ thuật thư pháp của Việt Nam.
Còn PGT.TS Trần Thị Băng Thanh nhận xét: Với sự tìm tòi của soạn giả Nguyễn Văn Mão, chữ Nôm Thảo có thể đạt tới sự phóng khoáng, biến ảo, giàu cá tính đáp ứng mọi cần thiết giúp thỏa mãn tối đa cho việc thể hiện thư họa trước ngôn ngữ tiếng Việt.Hỏi soạn giả, ở tuổi thất thập cổ lai hy, lại đã thỏa mong ước lưu lại cho con cháu con chữ mới, ông yên tâm hưởng tuổi già an nhàn? Soạn giả lắc đầu bảo: "Tôi lại đang tiếp tục tìm tòi và đã đi được nửa chặng đường để cố gắng cho ra đời cuốn từ điển Nôm Việt Triện.
Nhưng mà cứ túc tắc thôi, có thể sẽ hoàn thành mà cũng có thể bỏ giữa chừng vì sức khỏe. Nếu thế, sau này có ai yêu mến chữ Triện thì có thể làm tiếp".
Soạn giả tâm sự rằng, với người già, rất nhiều thú vui để hưởng thụ như chơi cờ tướng, chơi chim, cây cảnh... nhưng ông lại thích "chơi"chữ. Âu cũng chỉ mong để lại chút gì đó cho con cháu.
Ông rất vui vì các con của ông đều yêu nghệ thuật giống bố. Con trai cả đi học vũ ba lê tại Nga từ năm 10 tuổi, tốt nghiệp Viện Hàn lâm nghệ thuật Liên xô cũ, hiện nay sinh sống và làm việc tại Ba lan.
Con gái thứ ba hiện đã theo chồng sống tại Đà Nẵng nhưng luôn nhớ về ngôi nhà xưa, nhớ về Hà Nội với ắp đầy kỉ niệm tuổi thơ và những giá trị truyền thống. Cháu gái mới lên 3 tuổi nhưng đã thuộc làu làu Kinh Thư bởi hằng ngày được ngồi xem ông viết sách, nghe ông kể chuyện.
"Các con tôi đều yêu nghệ thuật, tôi rất mừng vì ít nhất, sau một ngày làm việc mệt mỏi với cơm áo gạo tiền, trở về nhà với không gian hoài cổ đầm ấm, mọi lo toan cuộc sống sẻ bị vứt bỏ từ ngoài cửa" - Soạn giả nói.
Soạn giả Nguyễn Văn Mão bảo, ông đã rất trân trọng tình cảm mà người vợ sớm hôm chăm sóc cho ông từng bữa ăn giấc ngủ, không một lời càu nhàu khi ông chỉ chăm chăm "yêu" con chữ.
Bà đã luôn bên cạnh ông cùng chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn để rồi các con thành đạt. "Có được thành công như ngày hôm nay, con cái thành đạt tôi phải cảm ơn vợ mình đầu tiên. Chính vì tình cảm trân trọng đó, nó càng thúc đẩy tôi tìm tòi sáng tạo để con cháu sau này có thể tự hào và sống có ý nghĩa hơn".