Cử nhân Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam khởi nghiệp từ vốn 1 triệu đồng

GD&TĐ - Ngay từ khi còn đi học, chị Lê Thị Lệ Giang đã vừa tham gia công tác Đoàn tại phường, vừa tự kinh doanh khởi nghiệp với số vốn ít ỏi.

Chị Lê Thị Lệ Giang được tuyên gương thanh niên sống đẹp. Ảnh NVCC.
Chị Lê Thị Lệ Giang được tuyên gương thanh niên sống đẹp. Ảnh NVCC.

Có trải nghiệm mới đem lại kinh nghiệm

Với mục tiêu tự chủ tài chính từ sớm và niềm yêu thích công việc kinh doanh, năm 2011 khi vẫn đang theo học THPT, Lê Thị Lệ Giang - hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn dệt may An Thành đã ấp ủ kế hoạch xây dựng một thương hiệu cho riêng mình.

Khi ấy, cầm trong tay số vốn vỏn vẹn hơn 1 triệu đồng tự tiết kiệm được từ những công việc trước đó, Giang quyết định tất tay đầu tư lần lượt vào buôn bán đồ gia dụng, điện tử, hoa quả với hy vọng có công việc mơ ước từ sớm để phục vụ ước mơ vào đại học.

“Đó là thử thách đầu tiên của tôi khi phải cân bằng giữa thời gian đi học và phát triển cửa hàng nhỏ, vì thế mà không ít khó khăn đã xảy ra”, Giang chia sẻ và cho biết thêm, giai đoạn đầu khởi nghiệp là thời điểm xuất hiện nhiều trở ngại nhất, vì thiếu kinh nghiệm, lại trẻ tuổi mà những năm đó chị đã bị lừa mất tiền bởi đối tác không uy tín, vừa bị khách “bom” hàng gây nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, đó là những trải nghiệm quý giá mà nếu không dấn thân trải nghiệm, thoát ra khỏi “vòng an toàn”, có lẽ chị đã không có được bài học để xây dựng công ty riêng sau này.

Năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, Lệ Giang đã có gần 6 năm kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực kinh doanh. Với vốn hiểu biết và trưởng thành hơn đã tích luỹ được, Giang tìm thấy được niềm đam mê thực sự với ngành thời trang và nhanh chóng mở một cửa hàng nhỏ khoảng 9m² tại phố Đội Cấn,

Bằng nỗ lực không ngừng, ước mơ của Giang cũng lớn dần lên, ban đầu chỉ là mục tiêu kiếm 200 nghìn đồng mỗi ngày để trang trải cuộc sống gia đình, dần dần công việc thuận lợi hơn, chị đặt ra mục tiêu lớn là kiếm 50 triệu đồng mỗi tháng.

Năm 2019 đánh dấu bước khởi sắc của cửa hàng nhỏ trên phố Đội Cấn. Sau 2 năm buôn bán, những đối tác mới không còn đáp ứng được chất lượng sản phẩm, trước tình hình nhu cầu gia tăng của khách hàng, Lệ Giang quyết định mở xưởng may đầu tiên với 7 công nhân dù bản thân chưa có kinh nghiệm nào về quản lý nhân sự.

Giang chia sẻ từng thiệt hại tới hàng trăm triệu đồng trong thời gian này vì nhân viên không làm đúng yêu cầu khách hàng: “Mình đã phải dành nhiều đêm suy nghĩ xem mô hình còn khúc mắc ở đâu, phải thay đổi ra sao để cải thiện tình hình và phát triển doanh nghiệp hơn nữa”.

Với tinh thần không chịu thất bại, Giang tiếp tục ra thị trường tìm kiếm những sản phẩm giống của doanh nghiệp mình về xưởng để cùng công nhân mổ xẻ phân tích, học hỏi, từ đó đưa ra những giải pháp mà hiện tại đã trở thành phương châm cho doanh nghiệp của chị, đó là: nhanh, uy tín, đồng thời cũng chú trọng vào chất lượng để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Hiện tại, quy mô công ty đã mở rộng với 1 trụ sở chính, 1 nhà máy và 2 xưởng sản xuất, 1 xưởng dệt, 1 xưởng in… tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 100 nhân viên và công nhân.

giang-2.jpg
Chị Lệ Giang (bên trái) đang hướng dẫn công nhân.

Kinh doanh gắn với trách nhiệm xã hội

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Lệ Giang cũng năng nổ tham gia công tác Đoàn tại địa phương, từng là Phó Bí thư Đoàn phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội nên có quan điểm rõ ràng về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Trong đợt dịch COVID-19 diễn ra phức tạp vài năm trước, công tác cách ly xã hội ở các thành phố trên cả nước diễn ra nghiêm ngặt, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc cung cấp lương thực cho nhân dân.

Lệ Giang cho biết: “Lúc ấy, nhà tôi có giấy tờ vận chuyển hàng hóa nên đã tìm mọi cách thu mua lương thực, rau quả chuyển cho bà con ở những vùng khó khăn, với tinh thần mình có gì thì giúp nấy”.

Suốt thời gian dịch COVID diễn ra, Giang đã ủng hộ được 4.500 khẩu trang cùng các vật phẩm phòng chống dịch khác cho nhân dân, đồng thời tặng 2,4 tấn rau cho bà con sinh sống ở khu K3 Tân Triều và các phường Kim Mã, Ngọc Khánh, Nhân Chính, Thanh Liệt thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

Ngoài ra, Giang cũng chia sẻ về mong muốn ấp ủ đã thực hiện được mang tên Dự án "Ước mơ em", mỗi năm trao tặng 30 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Trò chuyện với Lệ Giang, chị tâm sự rằng thành công trong việc khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi đã tạo động lực mạnh mẽ khiến chị không chỉ tiếp tục phát triển doanh nghiệp mà còn dành thời gian và nguồn lực để hỗ trợ các bạn trẻ khác.

Trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, với vai trò Ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam quận Ba Đình, Giang đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên quận Ba Đình lên kế hoạch và quyết tâm thực hiện mục tiêu hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên, giúp họ có hướng kinh doanh đúng đắn cho sự nghiệp.

“Chúng tôi dự kiến sẽ hỗ trợ 50 - 60 bạn đoàn viên thanh niên mỗi năm, đồng thời truyền cảm hứng khởi nghiệp cho ít nhất 500 bạn trẻ thông qua các chương trình truyền thông và đào tạo tại cơ sở kinh doanh của tôi”, Lệ giang chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.