Cụ Hoa Quý Khâm và đường Dãy Sòi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cũng như nhiều U70 của Cổ Nhuế hôm nay, khi có việc ra nội thành 50 - 60 năm trước, nhất định chúng tôi phải đi trên con đường này.

Đường đi xưa chỉ còn rất ít dù được bê tông hóa. Ảnh: Huy Bằng.
Đường đi xưa chỉ còn rất ít dù được bê tông hóa. Ảnh: Huy Bằng.

Cũng như nhiều U70 của Cổ Nhuế hôm nay, khi có việc ra nội thành 50 - 60 năm trước, nhất định chúng tôi phải đi trên con đường này. Con đường không có biển tên, không có trên bản đồ và được gọi nôm na là “Đường Dãy Sòi”.

Đường đất Dãy Sòi dài khoảng hai km xuất phát gần cầu Điều (thôn Hoàng cũ), chéo qua cánh đồng phía Xuân Đỉnh, Nghĩa Đô, kết thúc ở ngõ Lên gần Bưởi. Trong bài “Nhớ ông Tô Hoài” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh có đoạn: “Tôi nhớ như in con đường từ làng tôi ra Bưởi. Từ xóm Đống qua xóm Hoàng đến cầu Điều khoảng một kilômét. Từ cầu Điều đi qua cánh đồng ngăn cách hai làng, đi theo một con đường hai bên trồng sòi ta đến ngõ Lên”.

Nhiều người đã đi hoặc còn nhớ về con đường này nhưng có thể không biết về lịch sử của nó gắn với tên tuổi một danh nhân của xã Cổ Nhuế xưa.

Tìm lại “con đường xưa tôi đi”

Hoa Từ đường vẫn luôn 'đèn sáng, hương thơm'. Ảnh: Huy Bằng.

Hoa Từ đường vẫn luôn 'đèn sáng, hương thơm'. Ảnh: Huy Bằng.

Trong cuốn Lịch sử cách mạng xã Cổ Nhuế (xuất bản 2009) có viết: “Tuyến đường từ chợ Bưởi về đến làng Hoàng do cụ Hoa Quý Khâm bỏ tiền ra làm cho dân đi lại thuận tiện”. Cuốn Phả Hoa (Văn) gốc Cổ Nhuế lại có đoạn: “Dân làng Cổ Nhuế đến nay vẫn còn truyền tụng công đức của cụ Quý Khâm. Nhân dịp về vinh quy bái tổ, cụ Khâm đã cho đắp một con đường đất từ Bưởi về Cổ Nhuế để bà con đi lại Kinh kỳ gần hơn”.

Cùng với sự phát triển của Hà Nội những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, khu vực Cổ Nhuế, Nghĩa Đô, Xuân Đỉnh đã đổi khác, lên phố lên phường với hệ thống giao thông mới hiện đại. Đường Dãy Sòi cũng bị xa khuất, không dễ dò tìm lại…

Xuất phát từ đầu ngõ đối diện cổng sau của Bệnh viện E, nơi xưa có cây găng đầu đường Dãy Sòi, tôi đi sâu vào gặp khu dân cư, các cơ quan nhà cửa san sát, gặp cả cái chợ cóc đông đúc… và nhận ra rằng con đường Dãy Sòi đã hoàn toàn biến mất không còn chút dấu vết nào nữa. Vẫn biết chả có gì tồn tại mãi mà vẫn cảm hoài về con đường xưa, bèn viết lại vài dòng…

Cổ Nhuế là vùng đất cổ ven Thăng Long sớm phát triển phong phú về kinh tế, văn hóa. Với thế đất Ngô Công (hình con rết) mà trục chính là con đường dài gần 3km theo hướng Bắc - Nam kết nối 4 thôn (Hoàng, Đống, Trù, Viên), Cổ Nhuế có điều kiện giao lưu cả bốn hướng từ xưa.

Đi về phía Bắc thì qua đò/phà Chèm (lúc chưa có cầu Thăng Long) để sang Vĩnh Phúc, Việt Trì... Đi về phía Tây thì qua cầu Noi (hướng đi Học viện Cảnh sát bây giờ) để đi Sơn Tây, Hòa Bình... Hướng Đông, Nam (về Kinh kỳ) là hướng đi nhiều nhất, để dân Kẻ Noi - Cổ Nhuế mang sản vật đi bán, đi mua đồ cần dùng, đi học, đi thi, đi chơi… và một số (thôn Hoàng) đi thu gom phân tươi ở nội thành về bón ruộng.

Tôi quê ở Cổ Nhuế nhưng thuở nhỏ sống ở phố Nguyễn Văn Tố (Hoàn Kiếm). Thỉnh thoảng, bố tôi đèo xe đạp về quê thăm ông bà nội thì hay đi theo con đường cái mới (nay là đường Hoàng Quốc Việt, đoạn từ Bưởi về đến đầu Trần Cung) trước khi rẽ vào đường “Ngô Công”.

Khi chiến tranh sơ tán về ở Cổ Nhuế, bọn trẻ con chúng tôi mỗi dịp 2/9, Tết Nguyên đán (là thời điểm Mỹ tạm ngừng ném bom, không có báo động) thường ra phố chơi. Khi đó, chúng tôi phải đi bộ ra bến tàu ở Bưởi, lên tàu điện leng keng đi dọc Thụy Khuê ra phía Bờ Hồ.

Đường Dãy Sòi cắt chéo cánh đồng là cạnh huyền của góc vuông nên rút ngắn được đoạn đi bộ khá nhiều. Tôi còn nhớ con đường đất nhỏ mềm mại, rộng khoảng 2m, cao vượt lên mặt ruộng hai bên khoảng 30cm, xanh mát lúa hoặc hoa màu, ven đường là những cây sòi.

Lúc đó chả để ý tại sao lại trồng sòi ven đường, chỉ biết rằng hai hàng sòi với con đường nổi bật giữa đồng đẹp và thân thiết. Lúc có ý định viết bài này, tôi vào Google thì thật ngạc nhiên khi biết cây sòi là một loại cây quý, có thể làm dược liệu sát trùng, tiêu thũng, thông tiện… dùng điều trị các bệnh viêm da, táo bón, viêm gan và một số bệnh khác. Tôi tin rằng xưa các cụ giỏi chữ Nho thường là cũng biết về y lý, địa lý thì việc trồng cây sòi không thể nào là tùy tiện được.

Nhà tôi ở giữa làng, đi bộ từ nhà đến cầu Điều cũng hơn 1km nên đến được đầu đường Dãy Sòi là đã như thấy được tàu điện, phố rồi, đôi chân như nhảy nhót hơn.

Còn khi về đến đầu đường Dãy Sòi (phía Bưởi) thì cũng cảm thấy gần đến nhà, sắp được kể cho mọi người nghe về phố của ngày lễ, Tết, về món kem 5 xu mới được ăn và bao điều thú vị khác, sau một ngày tung tẩy “ngoài phố”.

Lúc đó, chúng tôi thường đi dép cao su với cái rút dép bằng tre sẵn sàng trong túi để nhỡ đuổi bắt cào cào, châu chấu bị tuột quai thì rút lại được luôn. Một năm chỉ đôi lần được ra phố nên lúc nào cũng chỉ mong được đi trên con đường Dãy Sòi này.

Không biết có phải nhận thức được vị trí quan trọng của con đường này không mà quân Pháp cho xây cái lô cốt rất kiên cố ngay đầu ngõ Lên (cái lô cốt với mấy lỗ châu mai đen ngòm nhìn ra bốn phía giờ vẫn còn ngay cổng Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên).

Tôi được nghe mẹ kể rằng, đầu năm 1954, mẹ sinh chị Hảo. Lúc này khu vực làng tôi còn là vùng tạm chiếm. Có lần, mẹ bế chị Hảo từ Bưởi về đến đầu đường Dãy Sòi (phía Bưởi), nơi sừng sững cái lô cốt luôn có mấy lính Tây đen đứng canh thì bọn Tây đen bắt mẹ cho kiểm tra.

Khi thấy đứa bé bé tý ngọ ngoạy trong bọc tã còn đòi bắt tay rồi mới cho qua. Mẹ tôi người gốc Cổ Nhuế (cũng họ Hoa cùng tổ cụ Hoa Quý Khâm), sinh ra ở Cổ Nhuế nhưng ra ở phố từ trẻ và rất gắn bó với quê hương. Giờ mẹ hơn 90 tuổi, quên và lẫn nhiều rồi nhưng chắc chắn con đường Dãy Sòi đã một thời gắn bó với mẹ.

Hoa Từ đường ở Ngõ Giữa, thôn Trù (cũ) thuộc phường Cổ Nhuế (Hà Nội). Ảnh: Huy Bằng.

Hoa Từ đường ở Ngõ Giữa, thôn Trù (cũ) thuộc phường Cổ Nhuế (Hà Nội). Ảnh: Huy Bằng.

Tấm gương “sống ở làng, sang ở nước”

Đó là cụ Hoa Quý Khâm, Tam giáp đồng Tiến sĩ đời Lê Hiển Tông thứ 24. Cổ Nhuế có nhiều dòng họ cư trú lâu đời, trong đó họ Hoa là một dòng họ lớn, danh tiếng vang vọng trong làng. Để chỉ thứ bậc trong đỗ đạt, làm quan, dân làng truyền tụng câu ca: “Thứ nhất họ Hoa, thứ nhì họ Nguyễn, thứ ba họ Hoàng”.

Hơn chục năm trước, con cháu các cụ xưa quan tâm tìm hiểu, sưu tầm (với sự tham gia trực tiếp của Đại tướng Văn Tiến Dũng) đã đi đến một số kết luận quan trọng: Thủy tổ dòng họ Hoa (Văn) gốc Cổ Nhuế là cụ tổ Hoa Duy Đàm, người trang Linh Động, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng); Hoa và Văn là một dòng họ.

Vì lý do an ninh gia đình và cá nhân, một số đông người họ Hoa đã đổi thành họ Văn, một số ít người đổi thành họ Chu, Vũ…

Họ Hoa (Văn) có nhiều người có công lớn với đất nước mà tiêu biểu xưa là cụ Hoa Duy Thành, tướng tâm phúc của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn trực tiếp lập công lớn ở trận Bạch Đằng. Thời cách mạng có Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủy tổ dòng họ Hoa (Văn) gốc Cổ Nhuế là cụ Hoa Phúc Chính về định cư tại Cổ Nhuế cuối thế kỷ 15. Đời thứ ba phân làm 3 chi, cụ Hoa Quý Khâm thuộc chi Bính. Thân sinh cụ Khâm là cụ Hoa Thế Phương. Cụ Phương đỗ tam trường, do có công dạy con cái học hành đỗ đạt nên được phong là tướng sĩ lang vệ quan, chức Yết Dụ.

Cụ là người đức hạnh hơn đời, họ hàng làng xóm ai cũng kính trọng. Nhà có 2 con gái, 4 con trai đều theo nghiệp học, lúc nghèo đói vẫn không bỏ cuộc. Cụ Khâm là con thứ tư, thuộc đời thứ 8.

Sau khi đậu Tam giáp đồng tiến sĩ, cụ được bổ làm Hiến sát sứ Nghệ An. Cụ nổi tiếng tài ba, nhân hậu, liêm khiết. Cụ có người con trai là Hoa Quý Cẩm đậu tứ trường năm 1787 (triều đại Lê Chiêu Thống).

Xưa hay nói “một người làm quan cả họ được nhờ”. Lại có câu “sống ở làng, sang ở nước”. Trong phả dòng họ không nói rõ “cả họ được nhờ” gì nhưng cả làng được nhờ cụ Khâm ở con đường Dãy Sòi thì thật rõ.

Nếu tận những năm đầu thập kỷ 60 thế kỷ 20, đoạn đường đầu Hoàng Quốc Việt bây giờ vẫn gọi là “đường cái mới” thì chắc chắn ở thế kỷ 18 (khi cụ Khâm đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan) chưa có con đường này. Hơn hai thế kỷ tồn tại, bao người đã gánh gồng mưa nắng qua đây?

Lịch sử nói, xưa Đông Chinh vương đi đánh giặc qua Kẻ Noi, khi đó xóm làng còn xen lẫn sông ngòi, gò đống, vì vậy chắc Ngài phải chọn chỗ cao mà đi. Quân đi đến đâu cần đường thì đắp đường, cần cầu thì bắc cầu chứ chắc không có sẵn đường lớn.

Chắc phải đến thời cụ Khâm, cụ thấy rõ từ Kinh kỳ về Cổ Nhuế mà có đường tốt thì thuận lợi nên cụ đã cho đắp đường. Đường tốt lại còn phải là con đường ngắn nhất vì xưa chủ yếu đi bộ, gồng gánh sẽ đỡ thời gian, công sức rất nhiều. Vậy nên, khi được học hành, và đỗ đạt thì cụ nghĩ đến làng nước, đến một việc thiết thực là làm giao thông.

Cổ Nhuế đã lên phường với đường Phạm Văn Đồng hiện đại chạy qua. Ảnh: Huy Bằng.

Cổ Nhuế đã lên phường với đường Phạm Văn Đồng hiện đại chạy qua. Ảnh: Huy Bằng.

Cổ Nhuế giờ đã thành phường, thành phố. Giao thông ở Cổ Nhuế nay đã khác hẳn và còn khác nữa. “Con đường xưa” nay không còn nhưng tấm gương học hành cũng như tấm lòng với quê hương, tư duy về giao thông đi lại của cụ Hoa Quý Khâm là tài sản tinh thần thật quý không chỉ đối với dòng họ Hoa (Văn) cần được lan tỏa, học tập, noi theo.

Cổ Nhuế nghìn năm lịch sử với những địa danh, sự tích, con người… thật đáng tự hào trong đó tấm gương “sống ở làng, sang ở nước” của cụ Hoa Quý Khâm là một trong những tấm gương sáng nhất.

Tôi nghe nói, dòng họ Hoa (Văn) gần đây đã lập nên “Quỹ Khuyến học Hoa Quý Khâm” để hỗ trợ, động viên con cháu vươn lên trên con đường học tập. Hoa Từ đường ở Ngõ Giữa, thôn Trù (cũ) vẫn luôn “đèn sáng, hương thơm”, được hậu duệ các cụ xưa cùng nhau khơi thêm cho tỏ.

Mừng lắm thay.

Theo cuốn Phả Hoa (Văn) gốc Cổ Nhuế thì cụ Hoa Quý Khâm sinh năm Bính Ngọ (1726), đậu Tam giáp đồng tiến sĩ khoa năm Quý Mùi đời Lê Hiển Tông thứ 24 (1763) niên hiệu Cảnh Hưng. Trong bia tiến sĩ đặt tại Quốc Tử Giám Hà Nội, tên cụ ở hàng thứ 3 trong số 5 Tiến sĩ đồng giáp. Như vậy, có thể nói, con đường từ Bưởi về Cổ Nhuế được hình thành cách đây khoảng 260 năm và đã có hơn hai thế kỷ gắn với cuộc sống kinh tế, văn hóa của Cổ Nhuế xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.