Cú hích cho ngành sư phạm

GD&TĐ - Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí với sinh viên sư phạm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, sinh viên sư phạm ngoài được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, mà trước mắt là thực hiện thành công Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Song song với việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại, công tác đào tạo giáo sinh ở các trường/khoa sư phạm là nhiệm vụ quan trọng. Để thu hút người giỏi, chính sách không thu học phí sinh viên sư phạm quy định theo Luật Giáo dục 2005 và được thực hiện hơn 20 năm qua. Quy định này đã góp phần tích cực trong việc thu hút thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm, tuy nhiên lại xuất hiện thực tế bất cập là nhiều sinh viên ra trường không làm đúng ngành, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, kinh phí cấp chi thường xuyên cho cơ sở đào tạo sư phạm còn hạn chế, trong khi các trường không được thu học phí, dẫn đến thiếu nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm.  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Để khắc phục tình trạng này, Luật Giáo dục 2019 đã thay đổi phương thức hỗ trợ tiền cho sinh viên sư phạm để đóng học phí, đồng thời quy định thêm chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt. Nghị định của Chính phủ vừa ban hành đã hiện thực hóa quy định của Luật Giáo dục 2019, thực sự mang đến niềm vui lớn cho những ai quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Bởi với học sinh có nguyện vọng hướng nghiệp ngành sư phạm, mức hỗ trợ này sẽ giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn; giảm gánh nặng tài chính. Bên cạnh đó, nói như  PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm I Hà Nội, ở khía cạnh tâm lý xã hội, chính sách này có thể khiến những người học sư phạm cảm thấy nghề nghiệp mình lựa chọn được xã hội coi trọng. Đặc biệt, việc xây dựng cơ chế đào tạo gắn với việc sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp, tránh tình trạng làm trái ngành và thừa thiếu cục bộ, là những điều kiện cần để ngành Giáo dục thu hút thêm nhiều người giỏi chọn nghiệp bảng đen phấn trắng.

Không chỉ mang lại lợi ích cho người học, tăng sức hút cho ngành sư phạm, chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm theo Nghị định mới vừa ban hành còn góp phần làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách, gắn nhu cầu đào tạo với sử dụng, bảo đảm được nguồn kinh phí thực hiện chính sách đồng thời sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ đúng mục đích, hiệu quả. Tới đây, các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ phải cạnh tranh để có thể có được hợp đồng đặt hàng, giao nhiệm vụ từ các địa phương, cơ quan Nhà nước có nhu cầu; chủ động xác định giá dịch vụ đào tạo, tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo hợp lý, thay vì phụ thuộc vào ngân sách cấp bù của Nhà nước ở mức rất hạn chế. Cơ sở đào tạo giáo viên nhờ đó sẽ từng bước gỡ khó, có điều kiện  tốt hơn để thực hiện tự chủ trong giáo dục, có nguồn lực tài chính để bứt phá, nâng cao chất lượng, tiếp cận chuẩn mực quốc tế, xứng đáng là cỗ máy cái trong đào tạo nhân lực cho đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.