Nhưng dấu hiệu hồi sinh này lại đang đứng trước nguy cơ phá sản khi phải hứng “cú đấm thứ hai” do các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa phương Tây và Nga gây ra.
Trong Thông điệp Liên bang đầu tiên ngày 2/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đóng cửa không phận Mỹ với tất cả các chuyến bay của Nga, nhằm đáp trả lại chiến dịch quân sự của Nga đang tiến hành tại Ukraine. Một loạt các quốc gia đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada cũng tham gia vào lệnh trừng phạt, ban hành lệnh cấm tương tự đối với các máy bay Nga.
Hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu còn tuyên bố sẽ đình chỉ các hoạt động bảo trì linh kiện và hỗ trợ kỹ thuật cho các hãng hàng không Nga. Quyết định của hai tập đoàn này nhằm cùng với chính phủ phương Tây gây thêm khó khăn cho hàng không cho Nga trong việc vận hành đội bay Boeing và Airbus của mình.
Đáp trả phương Tây, Nga lập tức cũng ra tuyên bố đóng cửa toàn bộ không phận rộng lớn trải dài hai châu lục của mình đối với các hãng hàng không của 36 quốc gia, trong đó có 27 nước thành viên của EU cùng Mỹ, Anh, Canada. Quyết định này lập tức tác động đến hoạt động khai thác bay của phần lớn các hãng hàng không trên thế giới hiện nay.
Theo ông Shukor Yusof, nhà sáng lập Công ty Tư vấn hàng không Endau Analytics, các lệnh trừng phạt và cấm không phận giữa Nga và phương Tây sẽ chỉ làm trầm trọng thêm thiệt hại mà Covid-19 đã gây ra cho ngành hàng không thế giới. Sau hai năm tăng trưởng u ám, cuộc khủng hoảng tại Ukraine có khả năng sẽ giáng một đòn lớn khác lên ngành hàng không thế giới giữa lúc còn nhiều khó khăn.
Các động thái trên xảy ra ngay khi các nước mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế của mình do Covid-19, mở đường cho ngành hàng không hồi sinh. Trong bối cảnh đó, các nhà tài chính, nhà cho thuê và các nhà sản xuất máy bay đang phải vật lộn để giảm thiểu tổn thất nhất có thể, nhằm giữ được bảng cân đối kế toán luôn ổn định giữa khó khăn bủa vây.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang khiến những chiến lược trong ngành hàng không có nguy cơ bị phá sản. Mọi sự phục hồi nhỏ mà các hãng hàng không vừa đạt được có thể bị đẩy lùi không phải vài tháng mà là nhiều năm.
Với vị thế cường quốc, Nga không không giống với các quốc gia từng bị trừng phạt khác nên các biện pháp trả đũa qua lại giữa Nga với phương Tây sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu, trước mắt là cho ngành hàng không.
Việc Nga cấm máy bay nhiều nước phương Tây trên không phận của mình sẽ gây ra các vấn đề hậu cần khổng lồ cho nhiều hãng hàng không lớn. Nguyên nhân do không phận của Nga trải dài và thường được sử dụng như một điểm trung chuyển nhằm kết nối châu Âu với châu Á.
Trong bối cảnh đó, một quốc gia khổng lồ khác là Trung Quốc cũng đang tiếp tục duy trì chiến lược “zero Covid” nghiêm ngặt, càng khiến ngành hàng không toàn cầu thêm khó khăn.
Ngoài ra, tình hình chiến sự tại Ukraine những ngày qua cũng đã biến không phận nước này và các nước láng giềng “sạch bóng” máy bay thương mại do lo ngại bị bắn nhầm.
Các hãng hàng không quốc tế do đó đang phải định tuyến lại đường bay để tránh xung đột, trong khi lại vướng các lệnh cấm bay trên không gian khổng lồ của Nga và phương Tây. Điều này càng khiến ngành hàng không chưa bao giờ gặp khó khăn chồng chất như hiện nay.