Cú bứt phá của những tấm gương vượt khó Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia

GD&TĐ - Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số nhưng đã nỗ lực, quyết tâm giành cơ hội vào đội tuyển và đoạt giải cao...

Lê Thị Thảo (trái), học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Ảnh: Hà Thuận
Lê Thị Thảo (trái), học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử. Ảnh: Hà Thuận

Kỳ thi chọn học sinh giỏi (HSG) quốc gia THPT năm học 2023 - 2024, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số nhưng đã nỗ lực, quyết tâm giành cơ hội vào đội tuyển và đoạt giải cao. Đó là thành tích, niềm tự hào của cá nhân nhưng cũng là quả ngọt của nhà trường, địa phương…

Giải Nhất đầu tiên của tỉnh vùng cao Tây Bắc

Lê Thị Thảo - học sinh lớp 12 cận chuyên là cái tên được nhắc nhiều những ngày vừa qua tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói riêng và ngành Giáo dục tỉnh Lai Châu nói chung. Em là học sinh đầu tiên của trường giành giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử với 16,750 điểm. Đây cũng là giải Nhất học sinh giỏi quốc gia đầu tiên sau 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Lai Châu.

Không giấu nổi vui mừng, xúc động, Thảo chia sẻ: “Em hạnh phúc khi nhận tin giành giải Nhất. Có được thành tích quý giá này, xin gửi lời cảm ơn tới nhà trường, các thầy cô giáo bồi dưỡng, bố mẹ và bạn học đã quan tâm, ủng hộ”.

Điều kiện gia đình khó khăn nên từ nhỏ Thảo đã tự lập. Nói đến “duyên” với bộ môn Lịch sử, Thảo cho biết, câu nói của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta” chính là động lực để em học môn Lịch sử. Vì thế, từ học sinh giỏi Toán cấp THCS, Thảo đã có “bước ngoặt” khi thi vào chuyên Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.

Ba năm học, Thảo đề ra phương châm “học, học không ngừng nghỉ” và tự đặt cho mình những mục tiêu phấn đấu, nhất là phải tìm phương pháp học hiệu quả.

“Em kết hợp ôn kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa với tài liệu bên ngoài. Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân. Lịch sử có nhiều dữ liệu, sự kiện, nhưng em chọn học theo hệ thống kiến thức, từng giai đoạn. Sau đó, nhớ lại bằng cách học theo sơ đồ tư duy hoặc học ý chính”, Thảo chia sẻ. Nữ sinh cũng cho biết đã tham gia nhiều kỳ thi khác nhau để rèn kỹ năng, tâm lý làm bài thi.

Cô Dương Thị Thu Hằng - giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tự hào về học trò: “Thảo là học sinh có tố chất thông minh, luôn cố gắng, nỗ lực trong học tập. Để đoạt giải hôm nay là cả quá trình tích lũy kiến thức. Thảo được bồi dưỡng từ năm lớp 10 và từng đoạt giải Khuyến khích kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm lớp 11. Với kinh nghiệm đã có, năm nay, em đã cố gắng vượt giới hạn bản thân và bứt phá giành giải Nhất”.

Về phía nhà trường cũng tạo mọi điều kiện để giáo viên, học sinh chuyên tâm bồi dưỡng. Thầy Đặng Trần Hiệu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã thông qua ý kiến phụ huynh, giáo viên để thống nhất chế độ ưu tiên cho 48 học sinh trong đội tuyển. Các em được ưu tiên xét học bổng, bố trí thời gian để tập trung toàn tâm toàn ý học tập, ôn thi”.

Theo ông Đinh Trung Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, kết quả kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm nay của tỉnh tăng vượt bậc cả về số và chất lượng. Đây là năm đầu tiên tỉnh Lai Châu có thí sinh đoạt giải Nhất sau 20 năm chia tách. Cùng đó có 2 giải Nhì (môn Hoá học và Lịch sử); 2 giải Ba (môn Ngữ văn) và 8 giải Khuyến khích.

Em Lường Thị Kim Duyên (đứng thứ 8 từ trái sang) - học sinh lớp 12C3, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: NTCC

Em Lường Thị Kim Duyên (đứng thứ 8 từ trái sang) - học sinh lớp 12C3, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên). Ảnh: NTCC

Nỗ lực vượt giới hạn bản thân

Em Lường Thị Kim Duyên - học sinh lớp 12C3, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên (Điện Biên) sinh ra trong gia đình thuần nông, tại bản nghèo thuộc xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông. Kinh tế gia đình vất vả, nhưng bố mẹ luôn dành điều tốt nhất cho em học tập. Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, Duyên trúng tuyển vào Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên - cái nôi để em tiếp tục phấn đấu, đạt thành tích cao hơn trong học tập.

“Sau Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2022 - 2023, em nhận thông báo có tên trong danh sách đội dự tuyển học sinh giỏi quốc gia. Đây là niềm vui bất ngờ đối với em, vì để lọt vào đội dự tuyển không phải là điều dễ dàng, nhất là với học sinh không chuyên”, Duyên nhớ lại.

Quá trình từ khi “lọt 1 chân” vào đội dự tuyển đến chính thức vào đội tuyển thi HSG quốc gia môn Ngữ văn càng nhiều thử thách. Lần thi đầu tiên, Kim Duyên “rớt” khỏi đội tuyển, nhưng cô bé dân tộc Thái không từ bỏ, vẫn kiên trì theo đuổi.

Chưa đầy một tháng diễn ra kỳ thi, em được gọi bổ sung vào đội tuyển. Thời gian còn lại tuy ngắn ngủi, nhưng thầy trò đều quyết tâm, ôn tập miệt mài. Không bỏ lỡ cơ hội khó khăn mới nắm bắt được, Lường Thị Kim Duyên đã giành kết quả vượt mong đợi là giải Ba với 13,5 điểm.

Thầy Vũ Trung Hoàn - Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên cho biết: “Em Lường Thị Kim Duyên là thí sinh đạt điểm cao thứ 2 trong đội tuyển môn Ngữ văn của tỉnh Điện Biên. Đó không chỉ là thành tích cá nhân, mà còn viết tiếp vào truyền thống dạy học nhà trường”.

Đội tuyển HSG quốc gia môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) năm nay cũng giành quả ngọt với 4 giải Nhì, 3 giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Em Nguyễn Thủy – chủ nhân của 1 trong 4 giải Nhì là nhân tố “truyền cảm hứng” về sự vượt khó, quyết tâm đạt ước mơ. Em sinh ra ở vùng ven biển huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

Bố mẹ làm nghề tự do nuôi 3 con tuổi ăn, học. Hoàn cảnh vất vả Thủy càng chăm chỉ. Em góp tiền thuê chung phòng trọ với bạn cùng lớp để nghỉ trưa, hằng ngày đi về giữa Nghi Lộc và thành phố Vinh để phụ giúp việc gia đình cho bố mẹ.

“Thủy là trường hợp đặc biệt trong đội tuyển. Nói về năng lực, 10 em đều có tố chất, đam mê và quyết tâm theo đuổi môn Văn, nhưng Thủy chăm chỉ, chuyên cần ý thức tự học cao. Từ năm lớp 10, những buổi học ở trường hay đội tuyển ở nhà cô giáo học đến 11 – 12 giờ đêm, không bao giờ em vắng mặt. Vì vậy, giải Nhì là thành quả xứng đáng và vượt mục tiêu “khiêm tốn” mà em đặt ra cho bản thân”, cô Lê Lương Tâm – giáo viên chủ nhiệm đội tuyển Ngữ văn, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu chia sẻ.

Đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: NTCC

Đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh: NTCC

Đột phá về số lượng và chất lượng

Năm nay, tỉnh Kon Tum có 35/70 thí sinh dự thi HSG quốc gia đoạt giải (đều là học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành), với 5 giải Nhì, 12 giải Ba và 18 giải Khuyến khích. So với những năm học trước, số lượng giải của Kon Tum tăng mạnh, trong đó tăng 19 giải so với năm học 2022 - 2023 và 27 giải so với năm học 2021 - 2022.

Thầy Lê Châu Vân - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Kon Tum) chia sẻ, nhằm nâng cao chất lượng, thành tích kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thời gian qua nhà trường đẩy mạnh công tác ôn tập, bồi dưỡng và phát triển chương trình chuyên.

Đồng thời, sau mỗi đợt kiểm tra các đội tuyển, 9 tổ chuyên môn sẽ rà soát, khắc phục những kiến thức hạn chế của học sinh. Trong 4 tuần cận kề kỳ thi, ngoài học trên lớp, thầy, cô giáo hướng dẫn học sinh tự học vào buổi tối tại trường. Nhà trường đặc biệt quan tâm, trao học bổng và bồi dưỡng thêm cho đội tuyển trước khi kỳ thi diễn ra.

Tại Gia Lai, sau những nỗ lực, cố gắng, kỳ thi năm nay tỉnh có 38 thí sinh đạt giải, gồm: 1 giải Nhất, 6 giải Nhì, 17 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Các em đoạt giải không chỉ riêng Trường THPT chuyên Hùng Vương mà còn có sự góp mặt của học sinh Trường Châu Á Thái Bình Dương Gia Lai, Trường THPT Chi Lăng và đặc biệt là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai - ngôi trường đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn khu vực III huyện Đăk Đoa.

Ông Lê Duy Định - Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai nhận định, kết quả học sinh giỏi quốc gia THPT năm nay của tỉnh có sự đột phá về số lượng và chất lượng. So với năm học 2022 - 2023 địa phương tăng 15 giải. Sở GD&ĐT bố trí thời lượng bồi dưỡng trực tiếp 40 buổi/môn và tăng cường học trực tuyến vào buổi tối cho học sinh. Với thành tích trên, Gia Lai đứng thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên (sau Đắk Lắk) và xếp vị trí thứ 5 trong 10 tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Theo cô Tâm, đội tuyển HSG quốc gia môn Ngữ văn có 1 bạn khác là Nguyễn Thị Huyền Thanh hoàn cảnh cũng vất vả, mẹ làm giáo viên tiểu học, bố sức khỏe không tốt. Để học sinh yên tâm theo đuổi đội tuyển, nhà trường và thầy cô giáo thường xuyên quan tâm, động viên. Ngoài bồi dưỡng, ôn thi, còn nắm rõ hoàn cảnh gia đình mỗi em để chia sẻ. Những học sinh hoàn cảnh vất vả hơn như Thủy, hay Huyền Thanh được nhà trường ưu tiên dành học bổng để khích lệ và tạo động lực để các em phấn đấu theo đuổi đam mê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.