Từ trước đến nay, lĩnh vực lập trình và thiết kế game thường được coi là “sân chơi riêng” của giới trẻ - những người luôn tích cực tìm tòi cái mới, cập nhật công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, định kiến này đã bị “đánh bay” bởi cụ bà Masako Wakmiya – một lập trình viên nghiệp dư, đồng thời là tác giả của trò chơi điện tử có tên “Hinadan”.
Bà Masako Wakmiya bắt đầu với “hai bàn tay trắng” vì chưa từng có kiến thức gì về lập trình. Sau 6 tháng tự mày mò và thường xuyên liên lạc để hỏi han cô giáo, bà Masako đã cho ra đời trò chơi điện tử của riêng mình, xuất phát từ truyền thống chơi búp bê của trẻ em gái Nhật Bản trong lễ hội Hina Matsuri.
Lễ hội búp bê Nhật Bản là ngày dành cho bé gái, tổ chức hằng năm vào ngày 3/3. “Hina” trong tiếng Nhật nghĩa là một loại búp bê, còn “dan” có nghĩa là “tầng, cấp”.
Búp bê Hina là những vật trang trọng, được truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Một bộ búp bê Hina đầy đủ có ít nhất 15 búp bê trong trang phục truyền thống làm bằng vải tơ tằm và được trang trí trên một kệ bảy tầng trải bằng thảm đỏ, dưới có sọc cầu vòng và để ở nơi trang trọng trong nhà. Mỗi tầng trưng bày một loại búp bê tương ứng.
Lấy cảm hứng từ cách bày búp bê trong ngày Hina Matsuri, trò chơi “Hinadan” của bà Masako thiết kế sao cho người chơi có thể vận dụng toàn bộ nền tảng kiến thức lễ hội của mình vào việc sắp xếp các loại búp bê theo đúng thứ tự.
Người chơi có thể xin hướng dẫn trong quá trình chơi nếu không biết đặt búp bê vào vị trí nào cho chuẩn. Khi chiến thắng, người chơi sẽ nhận được tin nhắn chúc mừng.
Dù được đánh giá là một trò chơi khá đơn giản, không quá phức tạp trong cách lập trình nhưng “Hinadan” vẫn đánh dấu sự xuất hiện mang tính đột phá của thế hệ lập trình viên mới là những nhà thiết kế game cao tuổi. Trò chơi hiện có thể được tải miễn phí từ kho ứng dụng Apple.