(GD&TĐ)-Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2012 của cả Hà Nội và Tp.HCM đều nhích nhẹ so với tháng trước.
Nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, giá giảm khiến giảm đà tăng của CPI tháng 5 ở hai thành phố lớn (ảnh MH) |
Cụ thể, CPI của Hà Nội đã tăng 0,16% so với tháng liền trước và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. “Nhẹ nhàng” hơn, hai mức tăng này của Tp.HCM lần lượt là 0,06% và 7,2%. Tính từ đầu năm đến nay, CPI của Hà Nội tăng 2,75% còn Tp.HCM tăng 2,49%.
Có thể thấy, CPI tháng này đã chịu ảnh hưởng đáng kể từ việc tăng giá xăng dầu và việc tăng lương cơ bản. Sau một lần điều chỉnh tăng mạnh vào cuối tháng 4 và sau đó giảm nhẹ vào đầu tháng 5, tính chung, giá xăng thời gian qua đã tăng 900 đồng/lít và dầu các loại tăng 400 - 600 đồng/lít. Theo đó, giá mặt hàng này đã khiến CPI của nhóm giao thông vận tải và bưu chính – viễn thông tăng 1,32% tại Hà Nội và 1,22% tại Tp.HCM.
Với việc từ ngày 1/5, lương tối thiểu đã tăng 22% khiến CPI của nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng đến 2,73%, mức tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính.
Nguyên nhân giá cả hàng hóa tăng lên do tác động tâm lý từ việc tăng lương. Mặc dù sức tác động của việc tăng lương lần này, theo nhận định của một số chuyên gia, là không đến mức gay gắt như nhiều lần tăng lương trước.
Mức tăng ở các nhóm hàng đồ uống và thuốc lá, văn hóa giải trí và du lịch tại hai thành phố lớn lần lượt ở mức 0,59% và 0,85% do đợt nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Thêm vào đó, Hà Nội bước vào mùa hẹ nóng bức cũng khiến người dân có nhu cầu sử dụng nhóm hàng này tăng cao.
Có 2 nhóm hàng giảm giá là giá gas giảm hơn 7% đã giúp CPI của nhóm nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng giảm 1,03% và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5 đã giảm 0,24% so với tháng liền trước do nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, ổn định.
Mặc dù chỉ có 2/11 nhóm hàng giảm là giá gas và lương thực, thực phẩm song đây là hai nhóm hàng chiếm quyền số lớn nên đã góp phần quan trọng giảm đà tăng của CPI trong tháng 5 này.
Hải Minh