Dáng người thấp nhỏ, nhanh nhẹn trong bộ blue trắng thoắt ẩn thoắt hiện trong khuôn viên bệnh viện gồm ba dãy nhà kết nối với nhau thành hình chữ U, có cảm giác người bác sĩ này có phép phân thân, bởi ông luôn có mặt kịp thời trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt trong các đại dịch, bệnh viện như có lửa…
Đó là Thầy thuốc nhân dân, TS-BS Nguyễn Đình Dũng. Ông là Giám đốc Bệnh viện Dệt May, với trách nhiệm chăm lo sức khỏe và chữa bệnh nghề nghiệp cho gần 3 triệu người lao động trong ngành dệt may của nước ta.
Điều khác biệt ở bị TS-BS tuổi ngoại lục tuần này là ông có trực giác nhạy bén, luôn linh cảm được trước vấn đề, để thường trực nhiều phương án giải quyết.
Trong nhiều lần dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội, nhất là năm 2017 với dịch sốt xuất huyết, TS-BS Nguyễn Đình Dũng đã cùng các cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Dệt May kịp thời ứng cứu và chữa trị thành công hàng trăm ca mắc bệnh.
Dự đoán và ứng phó sớm với dịch Covid-19
Trong mùa đại dịch Covid-19, TS-BS Dũng đã sớm có thông tin từ trước tết âm lịch qua các nguồn tin quốc tế. Với kinh nghiệm chuyên môn, ông dự cảm đây là một thứ virus nguy hiểm, lây lan khó lường, ông đã hoạch định kế hoạch ứng phó.
Ngay trong ngày 28-29/1/2020, khi cả nước còn trong thời kỳ nghỉ Tết, TS-BS Dũng đã âm thầm chuẩn bị kế hoạch ứng phó với virus corona.
Ngày 30/1, ngày đầu tiên đi làm, ông "biến" buổi chúc Tết cán bộ nhân viên thành buổi họp triển khai phòng chống dịch. Kế hoạch hành động đã được phát ra và đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế bệnh viện Dệt May, dưới sự chỉ huy của “người thuyền trưởng” Nguyễn Đình Dũng, đã trở thành những chiến sĩ trong mặt trận chống Covid-19.
Tại bệnh viện Dệt May, công tác thường trực chữa bệnh, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và giải quyết kịp thời nếu có bệnh nhân nhiễm Covid-19 đến nhập viện đã được triển khai chu đáo.
Là một bệnh viện thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Bệnh viện Dệt May đã gửi văn bản tới tất cả các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn và hàng trăm doanh nghiệp dệt may khu vực phía Bắc, là thành viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, khuyến cáo về Covid-19 và cách phòng tránh, cách xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ nhiễm bệnh…
Sáng 31/1/2020, Bệnh viện cũng đã gửi tặng Văn phòng Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam 300 khẩu trang y tế. Ngay sau đó, dưới sự chỉ đạo của TS-BS Dũng, bệnh viện đã yêu cầu mọi người đến khám bệnh đều cần sử dụng khẩu trang. Nếu người đến khám chưa có khẩu trang, bệnh viện hỗ trợ phát khẩu trang cho họ, đảm bảo 100% bệnh nhân dùng khẩu trang hợp chuẩn.
Bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều được nhắc nhở nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống bệnh, kiểm tra nghiệp vụ, được cấp phát nước ngâm tay, xà phòng diệt khuẩn, chất sát khuẩn cloramin.
Hàng ngày, từ 13h-14h, đội ngũ bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều họp mặt, học phương pháp phòng chống Covid-19, các bác sĩ thay nhau đứng lớp, phổ biến thông tin cập nhật, những kinh nghiệm riêng của mình trong công tác phòng dịch để anh chị em được đào sâu, hiểu kỹ, có phản ứng tốt và tiếp tục phát hiện, đề ra sáng kiến trong phòng bệnh dịch nguy hiểm này.
Không một phút chủ quan, lơ là với dịch Covid-19
Với quy định nghiêm ngặt, bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều thay khẩu trang hàng ngày. Phun chất sát khuẩn, lau chùi các phương tiện sử dụng hàng ngày với cloramin. Thay quần áo trước khi về nhà. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị hai phòng bệnh cách ly theo quy định của Bộ Y Tế.
Bệnh viện cũng thực hiện giao ban ngày hai lần để báo cáo trường hợp nghi ngờ có bệnh nhân nhiễm Covid-19. Tập huấn nghiệp vụ cho mọi nhân viên từ hộ lý, bảo vệ tới bác sĩ, chuẩn bị đủ khẩu trang, thuốc khử trùng sử dụng trong ít nhất 10 ngày.
Bệnh viện Dệt May cũng chủ động đề nghị hỗ trợ y tế tại các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cập nhật tình hình diễn biến dịch và các ca nghi ngờ nhiễm bệnh, tham mưu công tác phòng chữa bệnh cho các Lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo cơ sở y tế địa phương…
“Trong công tác chuyên môn hàng ngày, Bệnh viện Dệt May đã đặt máy đo nhiệt độ điện tử để phân luồng bệnh nhân ngay từ vòng ngoài, chẩn đoán sớm để nhanh chóng hội chẩn sớm tìm ra nguyên nhân sốt cao của bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên Bệnh viện cũng được tập huấn lại, trang bị kiến thức xử lý đối với bệnh nhân nhiễm virus corona”, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng - Giám đốc Bệnh viện Dệt May cho biết.
Tính đến ngày 20/2/2020, tại Bệnh viện Dệt May chưa phát hiện bệnh nhân nào nhiễm Covid-19. Một số bệnh nhân nhập viện trong những ngày qua có biểu hiện sốt, nhưng qua kiểm tra thì nguyên nhân do viêm phổi và virus khác, không phải bị nhiễm virus corona.
Tuy vậy, hàng ngày, công tác diễn tập tình huống có bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhập viện vẫn được thực hiện. Bác sĩ Dũng cho rằng “Giả mà như thật, thật mà như giả”, đội ngũ bệnh viện cần tập dượt nhuần nhuyễn để trong trường hợp “cô Vy” có đến thì mọi người đều đã rất sẵn sàng.
“Để phòng bệnh, chúng ta nên uống nhiều nước ấm, ăn nhiều rau quả, hoặc uống bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường và khi tiếp xúc nơi công cộng. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn. Tranh thủ khi trời có nắng ấm, hãy mở cửa sổ và cửa chính để ánh nắng tràn vào nhà, hạn chế virus sinh sôi…” – Bác sĩ Dũng khuyên.
Những ngày vừa qua, khi dấu hiệu ca mắc bệnh mới ở Trung Quốc đã giảm, ở Việt Nam cũng đã có 16 người được xuất viện nhưng TS-BS Dũng cho rằng, tuy tình hình đã được kiểm soát, nhưng tại bệnh viện Dệt May, công tác phòng dịch lại càng nghiêm ngặt hơn nữa.
Ông cũng cho rằng, trong thời tiết tháng 2, 3 năm nay sẽ có thể còn phát sinh loại virus cúm mới. Mọi người cần hết sức cẩn trọng, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể của mình bằng chế độ ăn cân đối, bổ sung thêm rau, trái cây tươi, tập thể dục thường xuyên, tránh thức khuya, ngủ đủ giấc. Lưu ý đeo khẩu trang, đeo găng tay và tránh bắt tay, tránh tiếp xúc đông người trong giai đoạn này…
Trong những ngày chống dịch Covid-19, TS-BS Dũng dường như là người có phép phân thân. Sáng sớm hàng ngày, ông vẫn họp giao ban, kiểm soát tình hình tại Bệnh viện Dệt May tại Hà Nội, chỉ đạo công việc trong ngày.
Mỗi cuối ngày, cũng vẫn ông đi một vòng quanh bệnh viện, xem xét, hỏi han ân cần một số bệnh nhân, nắm mọi thông tin trong bệnh viện.
Nhưng trong ngày đó, một mình một xe, người thầy thuốc nhân dân này đi đến các nhà máy dệt may thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam khu vực các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Nam Định, Bắc Giang, Hải Phòng, Ninh Bình… để kiểm tra tình hình chống dịch Covid-19 tại các cơ sở tập trung đông công nhân.
Ông gọi vui những chuyến đi trong ngày của mình tới các xí nghiệp dệt may là chuyến “vi hành tìm virus”. Không báo trước với lãnh đạo doanh nghiệp, ông tới tận cổng xí nghiệp, hỏi bảo vệ xin vào, lặng lẽ đi quanh xí nghiệp, xem xét công tác thực tế phòng dịch ở mỗi nơi.
Điều khiến ông lo lắng, không phải là chuyện thiếu một cái khẩu trang, hay chưa có đủ nước sát khuẩn, xà phòng dành cho công nhân, mà chính là ý thức bảo vệ sức khỏe của từng người công nhân.
“Treo một cái bảng thông báo ở cửa xưởng may, loa phát thanh đọc bản tin khuyến cáo người lao động phòng dịch, thậm chí quy định phạt nặng nếu vi phạm công tác phòng dịch tại các xí nghiệp, vẫn là chưa đủ. Công tác tuyên truyền cần sự sáng tạo, đi vào lòng người, để thay đổi ý thức người công nhân trong việc bảo vệ sức khỏe của chính mình và cộng đồng.
Virus corona mang lại cho chúng ta một bài học lớn về tinh thần cộng đồng. Bảo vệ sức khỏe của mình chưa đủ, còn cần có ý thức bảo vệ người xung quanh nữa. Đó là thông điệp quý mà “cô Vy” đưa ra” – Bác sĩ Dũng nhấn mạnh.