Một số đơn vị ở TPHCM hạ mức rủi ro thiết bị y tế để dễ trúng thầu

GD&TĐ - Một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế ở TPHCM lợi dụng cơ chế tự công bố hạ thấp mức độ rủi ro của thiết bị y tế để công bố, dễ trúng thầu.

Một số thiết bị y tế. (Ảnh minh họa: ITN)
Một số thiết bị y tế. (Ảnh minh họa: ITN)

Ngày 10/7, Sở Y tế TPHCM cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra 1.285 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc (nhà thuốc); cơ sở kinh doanh thiết bị y tế; sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mỹ phẩm, các cơ sở khám, chữa bệnh.

Động thái này thực hiện tháng cao điểm đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sở tiến hành kiểm tra 226 cơ sở, bao gồm: 6 cơ sở mỹ phẩm, 80 cơ sở dược, 121 cơ sở sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, 19 cơ sở khám, chữa bệnh.

Kết quả, 41 cơ sở mắc vi phạm và bị xử lý với tổng số tiền phạt hơn 2,27 tỷ đồng; Buộc nộp lại trị giá tang vật vi phạm (mỹ phẩm) hơn 39,7 triệu đồng.

Số cơ sở vi phạm do Tổ công tác đặc biệt kiểm tra và xử lý: 3 cơ sở (2 cơ sở có hành vi vi phạm về quảng cáo, 1 cơ sở có hành vi về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ) với tổng số tiền xử phạt hơn 572 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kiểm tra 1059 cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn quản lý; xử lý 14 cơ sở, với tổng số tiền phạt 169,5 triệu đồng.

Đối với lĩnh vực thiết bị y tế, Sở Y tế TPHCM ban hành 17 quyết định thu hồi với 364 số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với các sản phẩm được phân loại thiết bị y tế loại A và B. Trong đó, nhiều sản phẩm bị công bố sai như: gel rửa tay, máy đo đường huyết, máy massage, dung dịch rửa phụ khoa, dụng cụ chăm sóc tai mũi họng…

Qua rà soát tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở chưa phát hiện có thiết bị y tế giả, kém chất lượng trong các bệnh viện, trung tâm y tế.

Tuy nhiên, có tình trạng một số cơ sở sản xuất, nhập khẩu thiết bị y tế lợi dụng cơ chế tự công bố để hạ thấp mức độ rủi ro, phân loại thiết bị y tế có mức độ rủi ro thấp (A và B), trong khi đây là đối tượng thuộc nhóm C và D để được công bố dễ dàng hơn hoặc dễ tham dự và trúng thầu.

Sở Y tế ghi nhận các lỗi thường gặp của các doanh nghiệp như: Sản phẩm không phù hợp với định nghĩa là thiết bị y tế; phân loại thiết bị y tế không đúng quy định, phân loại sai hoặc tự hạ thấp mức độ rủi ro của thiết bị y tế; thành phần hồ sơ tự công bố chưa đúng quy định, thông tin hồ sơ không chính xác…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ