Sau một thời gian dài là châu lục ít chịu ảnh hưởng nhất của Covid-19, châu Phi đang có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới với sự xuất hiện của biến chủng Omicron nguy hiểm ở Nam Phi và đang lan sang các nước lân cận.
Tình hình tại ổ dịch lớn nhất khu vực châu Phi từ đầu dịch là Nam Phi đang trở lên trầm trọng hơn. Trong ngày 1/12 số ca nhiễm mới trong ngày tại nước này là hơn 8.500, cao gấp đôi so với một ngày trước.
Sang ngày 2/12 số ca nhiễm mới tiếp tục tăng lên xấp xỉ 10.000 và giới chức nước này đang chuẩn bị cho kịch bản một đợt gia tăng ca nhiễm theo cấp số nhân sau khi phát hiện biến chủng Omicron.
Chuyên gia về virus của WHO là Nicksy Gumede-Moeletsi cảnh báo, có khả năng thế giới sẽ chứng kiến số ca nhiễm tăng gấp hai hoăc gấp ba hiện nay do biến chủng Omicron gây ra. Trên quy mô toàn cầu đây mới chỉ là phỏng đoán, nhưng những gì xảy ra tại nơi đầu tiên phát hiện biến chủng này là Nam Phi lại đang trở thành thực tế.
Đáng chú ý là số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Nam Phi vào đầu tháng 11 vừa qua chỉ khoảng 200. Nhưng sang đầu tháng 12 thì số ca đã tăng cao gấp vài chục lần. Hiện, biến chủng Omicron đã được ghi nhận tại hầu hết các tỉnh của Nam Phi và chiếm đến 74% kết quả giải trình tự gene của những người nhiễm Covid-19 trong tháng 11.
Như vậy, biến thể mới Omicron đã hoàn toàn thay thế Delta để trở thành chủng trội nhất trong các ca nhiễm tại Nam Phi. Các phòng thí nghiệm tại Nam Phi và nước láng giềng Botswana đang chạy đua để giải trình tự gene, nhằm xác định liệu Omicron có khả năng lây truyền mạnh hơn Delta hay né tránh được các vắc-xin hiện có hay không.
Trước khi kết quả chính xác về khả năng tấn công sức khỏe con người của Omicron được xác định, thì việc lây lan của biến chủng này tại châu Phi đã có đầy đủ dấu hiệu đáng lo ngại. Quốc gia khu vực Tây Phi là Nigeria hôm 1/12 cho biết, họ đã phát hiện Omicron trong mẫu bệnh phẩm của khách nhập cảnh từ tháng 10.
Hai trường hợp nhiễm biến thể Omicron mới nhất của Nigeria là các trường hợp đến từ Nam Phi hồi tuần trước. Những diễn biến này cho thấy nguy cơ bùng phát biến chủng Omicron tại Nigeria là rất cao vì khả năng biến chủng này đã có thời gian ủ bệnh từ rất lâu và có nguy cơ lây lan ra khắp khu vực Tây Phi.
Hiện, tất cả các quốc gia trên thế giới đã đồng loạt “dựng thành lũy” để chống sự thâm nhập của Omicron từ Nam Phi, trong đó điểm chung là cấm các chuyến bay và hành khách nhập cảnh đến từ Nam Phi và các quốc gia lân cận khác. Nhưng ít nhất các nước đều có một vũ khí hiệu quả nhất cho đến lúc này là độ phủ vắc-xin cao.
Trong khi đó, địa bàn xuất hiện của Omicron là châu Phi lại là khu vực có độ phủ vắc-xin thấp nhất toàn cầu. Sự bất bình đẳng trong phân phối vắc-xin đã khiến châu Phi đang trở thành nơi có nguy cơ dễ bị tổn thương nhất thế giới, nếu Omicron được chứng minh là nguy hiểm hơn mọi biến chủng từng được biết đến của Covid-19.
Việc các biến chủng mới liên tục xuất hiện là bản chất của virus khi tồn tại lâu ở một khu vực. Chúng luôn tự tiến hóa để tìm cách lây nhiễm nhanh và nguy hiểm hơn. Delta chưa thể khiến châu Phi trở thành ổ dịch nhưng Omicron có thể khác. Đây chính là điều khiến giới chuyên gia lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh độ phủ vắc-xin thấp và hệ thống y tế châu Phi thuộc hàng lạc hậu nhất thế giới hiện nay.