Châu Phi bên rìa Covid-19

GD&TĐ - Các nước châu Phi đứng bên ngoài vòng xoáy của đại dịch dù châu lục nghèo nhất hành tinh này từng bị cảnh báo sẽ dễ dàng bị Covid-19 nhấn chìm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Châu Âu, châu Á và châu Mỹ liên tục trở thành tâm dịch Covid-19 bất chấp nỗ lực tiêm chủng vắc-xin và hệ thống y tế phát triển. Trong khi đó, các nước châu Phi lại đứng bên ngoài vòng xoáy của đại dịch dù châu lục nghèo nhất hành tinh này từng bị cảnh báo sẽ dễ dàng bị Covid-19 nhấn chìm.

Ngay từ đầu năm ngoái sau khi Covid-19 lan từ Vũ Hán ra khắp thế giới, các chuyên gia y tế đã đặc biệt lo ngại châu Phi sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Cơ sở cho nhận định này là việc châu Phi vốn thường trực dịch bệnh lan tràn, trong khi hệ thống y tế kém phát triển.

Tuy nhiên, sau gần 2 năm Covid-19 tàn phá khắp thế giới, đặc biệt tại những nước có hệ thống y tế tốt ở châu Âu, châu Mỹ và châu Á, thì châu Phi dường như vẫn “bình an” trước đại dịch chưa từng có trong lịch sử loài người này. WHO liên tục ghi nhận châu Phi là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất của Covid-19 trong nhiều tháng qua.

Trong số liệu công bố ngày 16/11, châu Phi có hơn một tỷ người chỉ ghi nhận tổng cộng 13.674 ca mắc mới Covid-19 trong 7 ngày gần nhất, giảm 33% so với trước đó. Đây là con số quá nhỏ so với châu Âu, châu Á và châu Mỹ và chỉ chiếm chưa đầy 1% số ca nhiễm trên toàn cầu.

Số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Phi trong vòng 7 ngày trước thời điểm thống kê 16/11 cũng chỉ là 548 người, thấp hơn rất nhiều so với chỉ một ngày tại các quốc gia phát triển tại châu Âu hay châu Á. Tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại châu Phi tính từ đầu dịch đến nay cũng chỉ chiếm chưa đầy 3% toàn cầu.

Những con số này cho thấy, Covid-19 dường như không hề là mối đe dọa đáng kể đối với châu Phi so với các dịch bệnh khác trong suốt 2 năm qua. Sau khi những dự đoán ban đầu về diễn biến dịch hoàn toàn sai lệch, các chuyên gia giờ đây lại đang đi tìm nguyên nhân khiến châu Phi thoát khỏi Covid-19.

Nguyên nhân quan trọng đầu tiên giúp châu Phi ít chịu ảnh hưởng của Covid-19 mà nhiều chuyên gia đồng ý là tỷ lệ dân số trẻ tại châu lục này. Độ tuổi trung bình tại khu vực cận Sahara của châu Phi chỉ là 18, trong khi các khu vực khác có cao hơn một chút nhưng vẫn thấp hơn độ tuổi trung bình 32 - 42 ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Số người trên 65 tuổi, độ tuổi dễ bị tổn thương nhất bởi Covid-19, tại châu Phi hiện nay cũng thấp hơn nhiều so với các châu lục khác. Trong khi đó, số người cao tuổi tại châu Phi vốn đã ít lại sinh sống rải rác ở các vùng nông thôn thưa thớt. Do đó, đối tượng dễ bị tổn thương này lại càng ít nguy cơ bị Covid-19 tấn công hơn so với châu Âu hay châu Á.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế châu Phi từng bị đánh giá thấp lại tỏ ra rất hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19. Hệ thống y tế cộng đồng tại các nước châu Phi vốn quen với việc đối phó với các đại dịch trước đây như Ebola nên rất nhanh thích ứng đối phó với Covid-19, như khả năng đi sâu vào từng gia đình và thực hiện cách ly dập dịch hiệu quả. Điều đặc biệt là quốc gia chịu ảnh hưởng Covid-19 nặng nhất châu Phi chính là Nam Phi, quốc gia giàu có nhất châu lục này.

Tuy nhiên, trên đây cũng mới chỉ là những nguyên nhân phỏng đoán cho hiện tượng châu Phi. Còn trên thực tế, sự hiểu biết của con người về Covid-19 vẫn còn hạn chế nên trường hợp châu Phi hầu như không bị đại dịch tấn công đến nay vẫn còn là điều bí ẩn đối với khoa học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.