'Cột mốc sống' nơi biên thùy

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đồng bào ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) nguyện một lòng tham gia trông coi, bảo vệ cột mốc biên giới.

Các lực lượng phối hợp tuần tra, bảo vệ cột mốc.
Các lực lượng phối hợp tuần tra, bảo vệ cột mốc.

Không mưu cầu lợi ích cho riêng mình, đồng bào ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát (Thanh Hóa) nguyện một lòng tham gia trông coi, bảo vệ cột mốc biên giới. Họ luôn thể hiện tình yêu đất nước bằng cách góp một phần công sức nhỏ bé vào việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trách nhiệm không của riêng ai

Theo chân Thiếu tá Mai Chí Thức - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi đến thăm nhà cụ Hà Văn Lanh (SN 1947), ở bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).

Ngôi nhà sàn nhỏ của cụ Lanh nằm sát bên bờ suối. Thấy có khách đến thăm, cụ mời chúng tôi lên uống nước. Chén trà “án ma” nóng - một loại chè tự chế biến của người Thái, khiến ai nấy đều cảm thấy ấm bụng khi ngoài trời đang trở rét.

Ngồi trò chuyện với cụ Lanh, chúng tôi mới biết, ngày trước cụ từng làm Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Khi về hưu, cụ Lanh tiếp tục tham gia công tác xã hội ở bản, rồi sau đó chuyển nhà lên bản Na Mèo sinh sống.

“Vợ chồng tôi sinh được 5 người con (3 gái, 2 trai). Giờ đây, các con cũng đã yên bề gia thất cả rồi. Chỉ còn hai ông bà già ở với nhau, có thời gian nhàn rỗi, nên tôi xung phong đi chăm nom cột mốc biên giới”, cụ Lanh chia sẻ.

Theo cụ Lanh, trước kia có một người ở bản Na Mèo nhận trông coi, chăm sóc, bảo vệ cột mốc 326. Sau khi người ấy qua đời, lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo tham vấn bà con trong bản, người dân giới thiệu cụ Lanh là người thay thế. Vì vậy, cụ Lanh đã tình nguyện tham gia trông coi, chăm sóc và bảo vệ cột mốc 326 từ năm 2009 đến nay.

“Tôi xung phong tình nguyện tham gia trông coi, chăm sóc, bảo vệ cột mốc không phải vì tư lợi gì cho bản thân, mà mình tự cảm nhận rằng, đó là trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Mình đã về hưu, không vướng bận nhiều công việc xã hội, sức khỏe đang tốt, thì nên tham gia công việc này. Bởi vì, cột mốc, đường biên của Tổ quốc rất thiêng liêng với mọi người con đất nước mình, chứ không phải của riêng ai, và đó là trách nhiệm chung phải bảo vệ, giữ gìn”, cụ Lanh tâm sự.

Thiếu tá Mai Chí Thức - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, cho hay: Ở hai xã Na Mèo và Sơn Thủy do đơn vị quản lý có 12 vị trí/15 mốc, với chiều dài 37,37km đường biên.

Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tá Thức cũng nhắc nhiều về những tấm gương tình nguyện bảo vệ cột mốc, đường biên, như: Cụ Vi Văn Hợi (SN 1946), ở bản Cha Khót (xã Na Mèo) đã dành thời gian từ năm 1999 đến nay để trông coi, bảo vệ cột mốc H5 đến H7 (tức cột mốc 331 đến 333).

Sinh ra, lớn lên tại bản Cha Khót, hàng chục năm qua, già làng Vi Văn Hợi đã đồng hành cùng lực lượng chức năng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Già Hợi đã trở thành “cột mốc sống” mẫu mực, là một tấm gương điển hình trong tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc cũng như giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.

Dẫu đã ở cái tuổi ngoài “thất thập”, sức khỏe không còn cường tráng như trước, nhưng già Hợi chẳng quản nhọc nhằn, tháng đôi, ba lần băng rừng lội suối lên kiểm tra, quét dọn, phát quang xung quanh cột mốc, báo cáo lại tình hình với Đồn Biên phòng.

Những năm qua, người dân nơi đây luôn dành cho già Hợi tình cảm quý mến, trân trọng. Cụ Vi Văn Hợi đã trở thành tấm gương điển hình của người công dân yêu nước không bằng những lời nói hoa mỹ, mà bằng hành động cụ thể.

“Vừa qua, cụ Hợi đã được huyện Quan Sơn vinh danh là “Điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023”.

Bởi, cụ Hợi là người luôn tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể của bản, cấp ủy, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng tuyên truyền cho đồng bào về các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các nội quy, quy định của địa phương; vận động con em cùng với Đồn Biên phòng tham gia tuần tra, phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc...”, Thiếu tá Mai Chí Thức chia sẻ.

Cụ Lanh và chiến sĩ Đồn Biên phòng chăm sóc cột mốc.

Cụ Lanh và chiến sĩ Đồn Biên phòng chăm sóc cột mốc.

Cha truyền con nối bảo vệ cột mốc

Chia tay Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi lên Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) và theo chân cán bộ, chiến sĩ đến với bản Ón, xã Tam Chung - địa danh xa xôi, có địa hình hiểm trở nhất mà Đồn đang quản lý.

Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, cho biết: Những năm gần đây, con đường từ Đồn Biên phòng Tam Chung vào bản Ón dài gần 20km, có những nơi một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, đã được bê tông hóa. Trong năm 2023, tuyến đường này đang trong quá trình thi công giai đoạn 2, nên khúc khuỷu, gập ghềnh.

Bản Ón có bốn cột mốc từ 270 đến 274. Các cột mốc 270 (mốc G3 cũ), 271, 272, 273 nguyên vẹn và được khởi công xây dựng, cắm, hoàn thành năm 2012. Bản Ón cũng là bản nghèo nhất của huyện Mường Lát, với 110/113 hộ nghèo còn lại là cận nghèo; 100% dân số của bản là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc về sinh sống trước những năm 1971. Nơi đây từng được biết tới là trọng điểm về buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, nhiều hủ tục lạc hậu còn tồn tại.

Vì vậy, việc bảo vệ ổn định cột mốc, giữ vững an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính quyền, nhân dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng đứng chân trên địa bàn.

“Năm 1991, bản Ón chỉ có cột mốc G3 (giờ là mốc 270). Năm 2012 ba cột mốc mới (271, 272, 273) được hoạch định cắm từ năm 2008 và hoàn thành năm 2012 theo dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa Việt Nam - Lào. Hơn 30 năm qua, gia đình anh Giàng A Chìa - người dân tộc Mông thay nhau tham gia trông coi, bảo vệ cột mốc”, Thượng tá Sơn cho hay.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Giàng A Chìa, cho biết: Ngày trước, khi bố anh - ông Giàng A Sềnh còn sống, ông đã xung phong tình nguyện tham gia trông coi, bảo vệ cột mốc. Ngày từ khi còn nhỏ, mỗi lần bố đi lên thăm cột mốc, anh Chìa thường theo bố lên rừng.

Đến năm 2016, khi ông Sềnh đã ngoài 70 tuổi, anh Chìa được giao trọng trách cao cả này. Anh cũng là người đảng viên tiêu biểu trong bản, luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tình nguyện bảo vệ chủ quyền của đất nước.

“Bố tôi đã 25 năm trông coi bảo vệ cột mốc G3 (nay là mốc 270), mỗi lần bố lên kiểm tra, ông phải đi cả ngày rừng. Khi lớn lên chừng hơn 10 tuổi, tôi thường theo bố đi lên cột mốc.

Cũng chẳng hiểu vì sao, cảm giác mỗi lần được chạm tay vào cột mốc, trong lòng mình cảm thấy nó thiêng liêng lắm. Từ năm 2016, bố ngày một già đi, sức khỏe yếu dần, tôi được bố giao trọng trách tiếp tục trông coi, bảo vệ cột mốc.

Khi biết được tâm nguyện của bố, tôi đã báo cáo với ban lãnh đạo Đồn Biên phòng Tam Chung và được Ban Chỉ huy đồn nhất trí, nên từ ngày ấy, tôi đã thay bố mình làm việc này cho đến nay. Trong bốn cột mốc (270, 271, 272, 273), thì cột mốc 271 là đường khó đi nhất, phải vừa đi vừa phát cây rừng”, A Chìa chia sẻ.

Cũng theo Giàng A Chìa, địa phận bản Ón giáp ranh với nước Lào và tỉnh Sơn La, vì vậy, tình hình an ninh ở đây khá phức tạp. Mỗi lần vào rừng đi kiểm tra cột mốc, Giàng A Chìa thường chủ động quan sát nắm bắt tình hình, nếu có bất thường sẽ lập tức báo cáo với Bộ đội Biên phòng Tam Chung.

Cụ Hà Văn Lanh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Cụ Hà Văn Lanh trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo.

Cụ Hà Văn Lanh cùng các chiến sĩ biên phòng bên cột mốc 326.

Cụ Hà Văn Lanh cùng các chiến sĩ biên phòng bên cột mốc 326.

Lớp trẻ tiếp bước cha anh

Ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát, Thanh Hóa), thời gian qua thường xuyên tổ chức chương trình ngoại khóa “Tiết học biên cương”, với mục đích bổ sung kiến thức bổ ích cho các lớp học trò vùng biên.

Những buổi học bắt đầu bằng lời trầm ấm của “thầy giáo mang quân hàm xanh” giới thiệu về 23,292km đường biên giới và những cột mốc bằng hình ảnh, hiện vật trực quan sinh động.

Bên cạnh đó, các “thầy giáo quân hàm xanh” còn lồng ghép vào “Tiết học biên cương” để dạy kiến thức pháp luật cho học sinh, nhằm phòng chống các tệ nạn xã hội, tội phạm trong trường học...

Thượng tá Thịnh Văn Kiên - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn, cho biết: Thực hiện chương trình phối hợp của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ GD&ĐT về “Đẩy mạnh công tác xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn biên giới, hải đảo giai đoạn 2018 - 2025, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình “Tiết học biên cương”.

Chương trình được đơn vị xây dựng với các chuyên đề: Tuyên truyền Nghị định số 34/NĐ-CP, ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với đó, “Tiết học biên cương” còn nhằm phổ biến kiến thức về công tác quản lý, bảo vệ biên giới; quy chế, hiệp định biên giới; Luật Biên giới quốc gia; công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy; tác hại của ma túy...

Cụ Vi Văn Hợi (giữa) được lãnh đạo huyện Quan Sơn vinh danh.

Cụ Vi Văn Hợi (giữa) được lãnh đạo huyện Quan Sơn vinh danh.

Những “Tiết học biên cương” không chỉ rất bổ ích và ý nghĩa với học sinh mà đối với tất cả mọi người. Mặc dù, là chương trình ngoại khóa, nhưng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn đã có cách giáo dục về tình yêu quê hương, Tổ quốc thiêng liêng cho học sinh rất thiết thực.

Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng còn đưa học sinh, thầy, cô giáo đi tham quan quy trình kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu Tén Tằn; quy trình tuần tra đường biên, cột mốc và thăm các điểm chốt tuần tra ở khu vực biên giới.

Cũng theo Thượng tá Kiên, thông qua “Tiết học biên cương”, người lính biên phòng đã và đang xây dựng vững chắc thế trận biên phòng toàn dân. Từ đó, giúp học sinh hình thành ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia, để ai cũng có thể là chiến sĩ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát, cho biết, năm học 2022 - 2023, “Tiết học biên cương” được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn phối hợp với các trường học ở thị trấn Mường Lát thực sự bổ ích và có ý nghĩa thiết thực.

“Nội dung tiết học giới thiệu, tuyên truyền cho học sinh nắm bắt, hiểu biết tình hình tuyến biên giới Việt Nam - Lào; các văn bản pháp lý về biên giới quốc gia; công tác quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của lực lượng Biên phòng… Đây cũng là hoạt động nhằm giáo dục cho lớp trẻ hăng hái tiếp bước cha anh, góp công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vững chắc”, bà Thúy chia sẻ.

“Những cụ Hợi, cụ Lanh và nhiều người đã, đang thầm lặng bảo vệ đường biên, trông coi, chăm sóc cột mốc ở vùng biên giới Quan Sơn, được ví như “cột mốc sống”. Bởi, họ đã thường xuyên cùng cán bộ, chiến sĩ Biên phòng vận động nhân dân trong bản tham gia tiến hành phát quang đường tuần tra biên giới, xung quanh khu vực các cột mốc.

Những “cột mốc sống” ấy còn trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho bà con về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định canh, định cư, vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc quốc giới. Đồng thời, họ kịp thời báo cho chính quyền ngăn chặn khi có hành vi nhập cư trái phép”, Trung tá Trương Văn Hải - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo xúc động bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ