Công việc mỗi ngày quá áp lực, bạn nên ứng phó thế nào?

GD&TĐ - Bạn nên làm gì nếu công việc lâu nay bạn yêu thích lại trở thành áp lực? Dù bằng cách nào, bạn vẫn có thể khôi phục mối quan hệ với công việc.

Làm việc với người trực tiếp giám sát bạn để đặt ra các mục tiêu hợp lý nhưng đầy cảm hứng, điều này sẽ thúc đẩy và giúp bạn đưa ra kế hoạch cho mỗi ngày. (Ảnh: ITN)
Làm việc với người trực tiếp giám sát bạn để đặt ra các mục tiêu hợp lý nhưng đầy cảm hứng, điều này sẽ thúc đẩy và giúp bạn đưa ra kế hoạch cho mỗi ngày. (Ảnh: ITN)

Những gợi ý dưới đây giúp bạn thực hiện điều đó một cách dễ dàng.

Làm việc với người giám sát

Công việc có thể thực sự nhàm chán nếu bạn không cảm thấy mình có điều gì đó để phấn đấu. Làm việc với người trực tiếp giám sát bạn để đặt ra các mục tiêu hợp lý nhưng đầy cảm hứng, điều này sẽ thúc đẩy và giúp bạn đưa ra kế hoạch cho mỗi ngày.

Việc đạt được những mục tiêu này sẽ tạo đòn bẩy để bạn đàm phán thăng chức, tăng lương, tạo cơ hội để chuyển đổi nhóm, phòng ban hoặc vai trò sau này.

Lập danh sách những điều bạn muốn cải thiện

Hãy lập danh sách những khía cạnh trong công việc hiện tại mà bạn muốn cải thiện vì bạn không thể bắt đầu giải quyết vấn đề cho đến khi bạn xác định được nó.

Hãy dành chút thời gian để đầu óc tỉnh táo và tránh xa mọi thành kiến ​​hoặc tiêu cực. Sau đó, hẹn giờ trong mười phút và ghi lại mọi điều bạn không yêu thích về công việc của mình. Càng cụ thể càng tốt.

Ví dụ, bạn có thể nói chuyện với người giám sát về khả năng di chuyển không gian bàn làm việc hoặc xin phép làm việc ở nhà một ngày mỗi tuần. Điều này giúp tạo không gian cho bạn bày tỏ ý tưởng của mình.

Tìm ra điều bạn thực sự thích làm

Bằng cách tạo ra mối quan hệ tích cực với không gian làm việc của mình, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đi làm mỗi ngày. (Ảnh: ITN).
Bằng cách tạo ra mối quan hệ tích cực với không gian làm việc của mình, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đi làm mỗi ngày. (Ảnh: ITN).

Đầu tiên, hãy suy nghĩ kỹ về công việc của bạn và những phần bạn yêu thích trong công việc đó. Sau đó, suy nghĩ về một bản mô tả công việc mơ ước. Giả sử, bạn có thể vẫy cây đũa thần và có bất kỳ công việc nào, đó sẽ là gì?

Hãy cân nhắc nói chuyện với người giám sát về việc biến những nhiệm vụ này thành một phần quan trọng hơn trong công việc hàng ngày của bạn.

Nếu “mô tả công việc mơ ước” của bạn đòi hỏi những trách nhiệm mà bạn chưa đủ tiêu chuẩn đảm nhận thì đã đến lúc lập kế hoạch hành động nhằm tìm ra cách bạn có thể đạt được điều đó.

Đừng ngại yêu cầu hỗ trợ

Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp, ngập trong công việc hoặc đang gặp khó khăn với một khía cạnh cụ thể trong công việc của mình, đừng ngại tham khảo ý kiến ​​​​của đồng nghiệp hoặc người quản lý đáng tin cậy về những cách bạn có thể tìm được sự hỗ trợ.

Xem liệu họ có thể giúp bạn tìm ra cách ủy thác công việc, lên lịch công việc để khối lượng áp lực của bạn cân bằng hơn hay thậm chí chỉ cho bạn các nguồn lực (như đào tạo hoặc giáo dục) sẽ giúp những công việc ác mộng đó trở nên dễ quản lý hơn.

Mở rộng mạng lưới của bạn

Tạo kết nối trong lĩnh vực của bạn bằng cách tham dự các cuộc gặp gỡ, sự kiện hoặc hội nghị trong ngành. Điều này giúp xây dựng một hệ thống hỗ trợ mà bạn có thể tham khảo hoặc đơn giản là thông cảm cho bạn khi gặp khó khăn.

Luôn hiện diện

Bạn không thể yêu thích công việc của mình nếu cứ suốt ngày lướt Facebook, Netflix hoặc các sàn thương mại điện tử như một... thói quen.

Hãy cố gắng hiện diện và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Nếu đơn giản là bạn không có nhiều việc phải làm, hãy cân nhắc việc tìm một dự án phụ để thực hiện.

Hoàn thành các dự án bổ sung thể hiện sự chủ động và sẽ tạo ấn tượng tích cực với người giám sát của bạn.

Nếu bạn có nhiều việc phải làm nhưng không thể tập trung, hãy đặt ra các khoảng thời gian tập trung tăng dần và sau đó tự thưởng cho mình những quãng nghỉ giải lao ngắn khi bạn hoàn thành công việc.

Tạo không gian làm việc có cảm hứng

Làm mới không gian làm việc của bạn bằng cách: loại bỏ sự bừa bộn, treo một câu trích dẫn đầy cảm hứng hoặc một vài bức ảnh về những địa điểm hoặc những người bạn yêu thích, mua một cây bút hoặc một cuốn sổ kế hoạch mới có thể khiến bạn mỉm cười bất cứ lúc nào.

Bằng cách tạo ra mối quan hệ tích cực với không gian làm việc của mình, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đi làm mỗi ngày.

Lập “danh sách biết ơn” công việc của bạn

Viết ra tất cả những điều nhỏ nhặt và lớn lao mà bạn biết ơn, từ quán cà phê bạn dừng chân trên đường đến văn phòng cho đến việc công việc giúp bạn hỗ trợ gia đình.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc liệt kê mọi thứ bạn biết ơn sẽ giúp bạn cảm thấy lạc quan hơn về hoàn cảnh hiện tại.

Theo thebalancemoney.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.