Công ty TNHH Đầu tư và hợp tác Quốc tế Bình Minh bị tố có dấu hiệu lừa đảo

GD&TĐ - Theo các ngành chức năng ở Nghệ An, Công ty XKLĐ bị tố chiếm đoạt tiền cọc của khách đi nước ngoài, hoạt động không phép, có dấu hiệu lừa đảo?.

Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh chưa có bất kỳ giấy phép nào liên quan đến xuất khẩu lao động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động ở địa bàn tỉnh Nghệ An.
Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh chưa có bất kỳ giấy phép nào liên quan đến xuất khẩu lao động nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động ở địa bàn tỉnh Nghệ An.

Chưa hề được cấp phép

Liên quan đến bài viết: “Công ty xuất khẩu lao động ở Nghệ An bị tố chiếm tiền cọc của khách hàng”, phản ánh về việc Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh (Công ty Bình Minh; có trụ sở tại Quốc lộ 534, xóm 6, xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) ký hợp đồng cam kết làm Visa du lịch thương mại và xuất khẩu lao động các nước Úc, Mỹ, Canada với các khách hàng do chị Lê Thị Diệu Phượng (trú phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đại diện nhưng không thực hiện được và chiếm tiền cọc, PV Báo GD&TĐ đã làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An và nhận được nhiều thông tin khá bất ngờ.

Bà Đặng Thị Phương Thủy – Phó Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay trên toàn quốc có hơn 400 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động nước ngoài.

Trong số các đơn vị được cấp phép xuất khẩu lao động, dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh không có tên Công ty TNHH Đầu tư & Hợp tác Quốc tế Bình Minh.

“Có hơn 400 công ty được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động đưa lao động nước ngoài, nhưng công ty này không có chức năng đó mà làm là có dấu hiệu lừa đảo”, bà Thủy thông tin, đồng thời cho biết người lao động có thể làm đơn để trình báo cơ quan công an.

Biên bản cam kết cấp Visa lao động Mỹ của Công ty Bình Minh đối với các khách hàng do chị Phượng đại diện.

Biên bản cam kết cấp Visa lao động Mỹ của Công ty Bình Minh đối với các khách hàng do chị Phượng đại diện.

Bà Thủy khuyến cáo, người lao động có nhu cầu đi lao động ở nước ngoài phải đi theo con đường chính thống, thông qua các doanh nghiệp được cấp phép, còn những công ty không có chức năng này mà vẫn treo biển là có dấu hiệu lừa đảo.

Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đã ký hợp tác xuất khẩu lao động với Mỹ, Canada và Úc. Tuy nhiên, do các quốc gia này có yêu cầu cao về trình độ lao động nên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) chưa thẩm định đơn hàng nào.

Liên quan đến việc làm Visa du lịch thương mại cho khách hàng của Công ty Bình Minh, bà Nguyễn Thị Minh Hồng – Chánh Văn phòng Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, Công ty Bình Minh không có trong danh sách quản lý, được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

“Quan trọng là giấy phép đăng ký kinh doanh họ có đăng ký lĩnh vực này không, nếu có thì họ phải thông báo với Sở Du lịch các chương trình tour. Và để được cấp phép thì họ phải làm thủ tục, còn nếu không có nghĩa là hoạt động chui”, bà Hồng chia sẻ.

Cũng theo Chánh Văn phòng Sở Du lịch, nếu doanh nghiệp tổ chức các chương trình tour “chui” sẽ bị xử phạt hành chính, nếu có dấu hiệu tội phạm cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra.

Vô cơ bắt nhân viên "chịu trận"

Ở một diễn biến khác, sau khi Báo GD&TĐ có bài viết phản ánh, theo chị Phượng, phía Công ty Bình Minh đã liên hệ với chị và trả lại 3.000 USD tiền cọc của 3 khách hàng đi XKLĐ ở Mỹ. Còn 8.000 USD tiền cọc của 4 khách hàng làm Visa thương mại du lịch các nước Úc, Canada, đơn vị trên không trả lại vì cho rằng chị Phượng phải đền 3 lịch Visa du lịch thương mại Mỹ.

“Hiện tại công ty bắt tôi đền 3 khách có lịch phỏng vấn Visa du lịch thương mại Mỹ, nhưng những khách hàng này nộp hồ sơ cho công ty trước Tết 2022. Phía công ty bảo 3-4 tháng có lịch phỏng vấn, tuy nhiên đến nay lại thông báo đến tháng 10/2022 mới có lịch. Do đó các khách hàng họ không đồng ý làm nữa vì chờ đợi quá lâu”, chị Phượng cho hay.

Mặc dù không cấp được Visa cho lao động đăng ký đi du lịch thương mại Úc nhưng Công ty Bình Minh vẫn yêu cầu cọc 2.000 USD/lao động và chiếm đoạt.

Mặc dù không cấp được Visa cho lao động đăng ký đi du lịch thương mại Úc nhưng Công ty Bình Minh vẫn yêu cầu cọc 2.000 USD/lao động và chiếm đoạt.

Cũng theo chị Phượng, với mỗi khách hàng trên, phía Công ty Bình Minh bắt chị phải đền 1.000 USD/khách hàng. Thực tế, những khách hàng này chưa hề có hợp đồng gì với công ty mà chỉ trao đổi bằng miệng với nhau, công ty cũng thực hiện không đúng thời gian như đã thông báo với khách hàng nên bắt chị Phượng đền số tiền trên là vô lý.

Trước đó, Báo GD&TĐ nhận được đơn phản ánh của chị Lê Thị Diệu Phượng về việc Công ty Bình Minh vi phạm hợp đồng và chiếm đoạt tiền cọc của nhiều khách hàng mà chị đại diện.

Theo đó, tháng 2/2022, chị được Công ty Bình Minh bổ nhiệm làm Chuyên viên Marketing, trong khoảng thời gian đó, chị có làm hồ sơ cho 7 khách hàng ở Hà Tĩnh hợp đồng với công ty này để đi xuất khẩu lao động và Visa du lịch ở các nước Úc, Mỹ, Canada…

Cụ thể, theo các hợp đồng mà chị Phượng cung cấp, có 7 khách hàng gồm: 3 người làm Visa đi du lịch Úc, 3 người đi xuất khẩu lao động ở Mỹ và một người đi Canada.

Theo nội dung cam kết tại các hợp đồng mà chị Phượng đại diện các lao động ký với Công ty Bình Minh, sau khi nộp tiền cọc cho khách hàng, phía công ty sẽ đảm bảo làm thủ tục ra Visa sau 2 tháng cho họ, nếu không được sẽ hoàn lại toàn bộ tiền cọc.

Tuy nhiên, Công ty Bình Minh không những không làm được Visa cho 7 khách hàng như đã cam kết mà đơn vị này còn chiếm luôn tiền cọc mặc chị Phượng hàng chục lần yêu cầu giải quyết. Việc làm trên của Công ty Bình Minh không chỉ gây ảnh hưởng đến chị Phượng mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và cuộc sống của nhiều khách hàng khác.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ