Công ty Pouyuen Việt Nam sắp cắt giảm hơn 5.700 công nhân

GD&TĐ - Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam dự kiến  sẽ tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 5.744 người.

Ông Nguyễn Văn Lâm thông tin tại buổi họp báo.
Ông Nguyễn Văn Lâm thông tin tại buổi họp báo.

Chiều 18/5, tại buổi Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM đã thông tin về các vấn đề liên quan việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân công ty TNHH Pouyuen Việt Nam.

Ông Lâm cho biết, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã chủ động làm việc, báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và kế hoạch sử dụng lao động với UBND TPHCM, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, UBND quận Bình Tân (TPHCM).

Theo đó, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết dự kiến sắp tới sẽ tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động 5.744 người.

Thời gian tiếp xúc gặp gỡ thỏa thuận chia thành hai đợt. Đợt 1 gặp gỡ thỏa thuận vào ngày 20/5 là 4.519 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 24/6. Đợt 2 gặp gỡ thỏa thuận vào ngày 30/6 là 1.225 lao động, chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 8/7.

Trong đó, số lao động nghỉ việc có độ tuổi từ 21-30 tuổi chiếm 6,8%, từ 30-40 tuổi chiếm 39,6%, trên 40 tuổi chiếm 53,6%.

Cũng theo chia sẻ của ông Lâm, đối với các trường hợp đang mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi hay các trường hợp khó khăn như hộ nghèo, lao động khuyết tật và các trường hợp trong cùng gia đình (vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em,...) sẽ không đưa vào diện thỏa thuận chấm dứt hợp đồng. Ngoại trừ trường hợp người lao động tự nguyện đưa ra đề nghị thỏa thuận với công ty.

Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện để người lao động nghỉ việc có con nhỏ vẫn được tiếp tục theo học tại trường mẫu giáo của công ty.

Về giải quyết chế độ chính sách, công ty TNHH Pouyuen Việt Nam sẽ chi trả cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc tại công ty (bao gồm cả những năm người lao động đã tham gia BHTN từ ngày 1/1/2009 đến nay), cứ mỗi năm 0,8 tháng tiền lương (bình quân 6 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động).

Kể từ ngày hai bên đạt thỏa thuận đến khi chấm dứt hợp đồng, người lao động sẽ không đến làm việc nhưng vẫn được công ty trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ. Công ty cũng sẽ trả tiền lương cho những ngày nghỉ hằng năm mà người lao động chưa nghỉ hoặc nghỉ chưa hết. Thời gian chi trả các khoản chế độ là ngày 30/6 đối với đợt 1 và ngày 14/7 đối với đợt 2.

Theo ông Nguyễn Văn Lâm, dự kiến thị trường lao động trong thời gian tới vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may-giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ…

Tuy vậy, ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính - ngân hàng;… tăng về nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.