Tham gia cuộc họp có đại diện công ty là ông Nguyễn Danh Thành, Phó Giám đốc cùng lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Cam Lộ; đại diện 18 hộ dân được công ty hợp đồng chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ ở tiểu khu 775 là ông Đào Văn Lưu và nhóm hộ dân ở khu vực Cam Phú, xã Cam Thành.
Theo đánh giá của công ty và kiểm lâm, hiện tiểu khu rừng phòng hộ 775 chỉ còn 102 ha, tức là mất 73 ha. Năm 2019, công ty sẽ chấm dứt hợp đồng bảo vệ rừng với nhóm hộ dân để giao lại cho lực lượng chuyên trách. Các hộ dân cho rằng, rừng phòng hộ mất từ nhiều năm nay mặc dù đã tích cực bảo vệ, ngăn chặn.
Công việc bảo vệ rừng chỉ giao phó cho dân thì không thể hiệu quả nếu không có sự hỗ trợ của lực lương chức năng. Đại diện Hạt kiểm lâm huyện Cam Lộ cho rằng, hợp đồng với dân bảo vệ rừng giống như thuê thợ xây nhà, xong việc là thôi. Ý kiến này khiến người dân phản đối quyết liệt. Theo họ, người dân phải được hưởng quyền lợi từ công việc chăm sóc và bảo vệ rừng. Đại diện hạt kiểm lâm xoa dịu rằng đất rừng rồi sẽ giao về cho địa phương lúc ấy người dân sẽ được hưởng quyền lợi.
Cuộc họp diễn ra khá gay gắt với nhiều tranh luận kéo dài đến hơn 17 giờ mới kết thúc. Hai bên chỉ thống nhất được với nhau về tình trạng mất rừng, còn những nội dung khác hầu như chưa ngã ngũ. Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, sắp tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ làm việc với các cơ quan liên quan về rừng do Công ty Lâm nghiệp Đường 9 quản lý.
Trước đó, trong loạt bài điều tra của Báo GD&TĐ về tình trạng mất rừng ở huyện Cam Lộ, tiểu khu rừng phòng hộ 775 là một điểm nóng, rằng bị tàn phá, chiếm dụng tràn lan. Công ty Lâm nghiệp Đường 9 và cơ quan chức năng chỉ thừa nhận mất gần 65 ha thì đến nay đã phải thừa nhận mất đến 73 ha. Khu vực này ông Đào Văn Lưu (nhân vật trong bài điều tra của Báo GD&TĐ) đã tố cáo rừng bị phá từ nhiều năm nay. Lực lượng chức năng đã lập 22 biên bản ghi nhận tình trạng phá rừng nhưng không giải quyết.