Công ty đổ đất, đá xuống sông Pô Kô ở Kon Tum

GD&TĐ - Theo người dân, việc đổ đất đá khiến dòng chảy bị chuyển hướng, vào mùa mưa nước dâng cao khiến nhiều cây trồng của bà con bị hư hỏng, cuốn trôi.

Công ty TNHH Tuấn Dũng đổ đất, đá xuống sông Pô Kô. Ảnh: Dung Nguyễn
Công ty TNHH Tuấn Dũng đổ đất, đá xuống sông Pô Kô. Ảnh: Dung Nguyễn

Năm 2009, Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, Kon Tum) được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đầu tư.

Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm lý giải việc đổ đất, đá xuống sông Pô Kô là để chống lũ làm hư hỏng kè, tránh ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu và thanh toán.

Năm 2009, Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei, Kon Tum) được UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt đầu tư với mục đích nhằm phòng chống lũ lụt, sạt lở.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng, dài hơn 1,9 km. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Kon Tum làm chủ đầu tư. Công ty TNHH Tuấn Dũng là đơn vị thi công.

Dự án được triển khai từ năm 2009, đến năm 2013 phải tạm dừng vì khó khăn về nguồn vốn. Năm 2019, công trình tiếp tục được triển khai các hạng mục còn lại, đến cuối năm 2021 hoàn thành, đến nay vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao lại cho địa phương.

Người dân cho rằng, đất đá tràn xuống lòng sông gây thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cây trồng. Ảnh: Dung Nguyễn

Người dân cho rằng, đất đá tràn xuống lòng sông gây thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến cây trồng. Ảnh: Dung Nguyễn

Ông A Hơn (trú tại thị trấn Đăk Glei) cho biết, năm 2023 doanh nghiệp đã đưa phương tiện, máy móc chở đất đá đổ dưới chân bờ kè phía Đông sông Pô Kô. Bãi đất đá thải rộng khoảng 30m dài hơn 100m, chạy dọc theo bờ kè.

Theo người dân ở đây, việc đổ đất đá khiến dòng chảy bị chuyển hướng, ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Đặc biệt vào mùa mưa, nước dâng cao, chảy xiết khiến nhiều cây trồng của bà con bị hư hỏng, cuốn trôi.

Ông A Nheo (ngụ thôn Đông Sông, thị trấn Đăk Glei) cho hay, thời gian đầu phía công ty đổ đất đá xuống lòng sông nhiều. Tuy nhiên, sau khi người dân ý kiến đơn vị này lại múc ngược từ phía chân bờ kè đổ lên bờ.

“Hy vọng cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này. Từ đó, tránh ảnh hưởng đến dòng chảy, gây hư hại cây trồng của người dân”, ông A Nheo nói.

Về vấn đề này, Công ty TNHH Tuấn Dũng cho rằng, đơn vị thi công kè chống sạt lở ở sông Pô Kô đã lâu nhưng không được nghiệm thu, thanh toán. Năm 2023, để chống sạt lở vào mùa mưa, công ty đã mua đất đổ vào chân bờ kè nhằm chống lũ làm hư hỏng. Bởi nếu đơn vị không đổ đất, đá thì vào mùa mưa công trình sẽ hư hỏng, xuống cấp, khi đó sẽ không thể nghiệm thu và thanh toán.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng TN&MT huyện Đăk Glei cho biết, việc đổ thải xuống sông Pô Kô của Công ty TNHH Tuấn Dũng là trái quy định của Nhà nước. Bởi đất đá vùi lấp khiến dòng chảy biến đổi sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định cho người dân nhất là vào mùa mưa bão. Do đó, đơn vị đang kiểm tra để xác định vi phạm, xử lý theo quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.