Công ty Điện lực Lai Châu “coi thường” pháp luật?

GD&TĐ - Bất chấp các quy định của Luật Báo chí năm 2016, Công ty Điện lực Lai Châu đã đưa ra các điều kiện vô lý nhằm hạn chế sự tiếp cận thông tin một cách khách quan.

Trụ sở Công ty Điện lực Lai Châu.
Trụ sở Công ty Điện lực Lai Châu.

Phải chăng đơn vị này đang có những khuất tất cần phải che giấu?

Lộng hành “che giấu”?

Trước thông tin Công ty Điện lực Lai Châu có dấu hiệu bất thường trong tổ chức thực hiện một số gói thầu mua sắm thiết bị, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu, Báo GD&TĐ đã liên hệ với Công ty này, đặt lịch với mong muốn có buổi làm việc với ông Bùi Xuân Thành - Giám đốc Công ty. Mục đích là để làm rõ một số nội dung có liên quan. Tuy nhiên, quá trình tiếp cận với vị Giám đốc trên gặp khó ngay từ “cửa” văn phòng.

14 giờ ngày 18/1, Báo GD&TĐ đến trụ sở Công ty này (có địa chỉ tại đường Điện Biên Phủ, phường Tân Phong, TP Lai Châu) để đặt lịch làm việc. Người làm đầu mối tiếp nhận thông tin là ông Đào Văn Chiêu – Phó Chánh Văn phòng.

Sau khi đã xuất trình thẻ nhà báo và văn bản đề cập đến những nội dung cần xác minh, làm rõ, ông Chiêu đã đưa ra yêu cầu “phải có giấy giới thiệu từ lãnh đạo cơ quan” và “giấy giới thiệu phải có xác nhận (dấu đỏ) từ cơ quan chủ quản”.

Hơn 1 lần Báo GD&TĐ giải thích về quy định của Luật Báo chí và đề nghị ông Chiêu cho biết những “quy định lạ” trên xuất phát từ đâu? Công ty Điện lực Lai Châu căn cứ vào điều gì để đưa ra những quy định “trên Luật” như vậy(?), thì ông này ú ớ: “Đó là quy định của tỉnh”.

Khi Báo GD&TĐ đề nghị ông Chiêu cho biết đó là quy định nào(?), thuộc văn bản hành chính nào(?) thì ông Chiêu không thể chứng minh được. Vị này cũng không đưa ra được văn bản như đã từng nói.

Trước tình huống trên, Báo GD&TĐ đã đề nghị ông Chiêu tiến hành lập biên bản sự việc, song ông này khước từ, thậm chí không thèm tiếp nhận nội dung làm việc.

Điểm a, Khoản 2, Điều 25, Luật Báo chí số 103/2016/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 5/4/2016 quy định: Nhà báo có quyền “Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp”.

Cũng tại Điểm c, Khoản 2, Điều 25 của Luật này quy định: Nhà báo “được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật”.

Che giấu “tiêu chí lạ”?

Trong số những dự án mà Công ty Điện lực Lai Châu thực hiện thời gian gần đây có một số dấu hiệu bất thường, đang rất cần được làm rõ.

Đơn cử như tại gói thầu “Mua sắm thiết bị CNTT phục vụ SXKD tại các phòng, đơn vị trực thuộc” theo Quyết định số 1682/QĐ-PCLC do ông Bùi Xuân Thành - Giám đốc ký. Giá gói thầu là 1.750.145.265 VNĐ, sau đấu thầu giá 1.660.591.680 VNĐ. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần HTS Quốc tế.

Các mặt hàng mua trong gói thầu này bao gồm: Máy tính để bàn Inspiron     24-5400, số lượng 28 bộ, Dell/châu Á; Máy tính xách tay    Inspiron 350, số lượng 17 bộ, Dell châu Á; Máy in LBP161dn+, số lượng 16 bộ, Canon/châu Á...

Trong hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu này, Công ty Điện lực Lai Châu đã đưa ra tiêu chí: “Phải có giấy ủy quyền trực tiếp của nhà sản xuất để đảm bảo cho công tác bảo hành thiết bị chính hãng”. Điều này đã đúng với quy định tại Chỉ thị 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ hay chưa?

Tại Khoản a, Điểm 5, Mục I Chỉ thị nêu rõ: “Không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất”.

Ngoài ra, cũng trong gói thầu kể trên, chủ đầu tư còn yêu cầu nhà thầu tham dự cần phải cung cấp “Hàng mẫu mỗi loại/mẫu trước thời điểm đóng thầu”.

Tương tự như vậy, tại gói thầu “Mua BHLĐ, trang thiết bị CCDC phục vụ SXKD năm 2021 cho Công ty Điện lực Lai Châu”. Giá gói thầu là 2.583.343.700 VNĐ, sau đấu thầu, giá gói thầu là: 2.451.970.400 VNĐ. Đơn vị trúng thầu là Liên danh Công ty cổ phần truyền dẫn Long Biên và Công ty TNHH Winwin.

Một số mặt hàng mua sắm trong gói thầu như: Máy đo độ võng ĐDK 600E (số lượng 1 chiếc, Suparule/Ai-len); Lắc tay xích 1,5 tấn VR-15 (số lượng 2 chiếc, Nitto/Trung Quốc); Lắc tay xích 2,5 tấn VR-30 (số lượng 2 chiếc, Nitto/Trung Quốc)...

Cũng trong HSMT của gói thầu này, chủ đầu tư tiếp tục đưa ra yêu cầu: “Hàng mẫu mỗi loại/mẫu trước thời điểm đóng thầu (đối với các danh mục như trong YCKT) phải có”.

Trong khi, tại Điều 5, Thông tư 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định về yêu cầu về cung cấp hàng mẫu như sau:

“Đối với hàng hóa thông thường, thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa thì không yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu.

Trường hợp hàng hóa của gói thầu là đặc thù, phức tạp, chủ đầu tư, bên mời thầu không thể xác định được cụ thể hình dáng, mẫu mã của hàng hóa, cần chế tạo, sản xuất đơn lẻ, riêng biệt thì có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp hàng mẫu để chứng minh thông số kỹ thuật của hàng hóa... Chủ đầu tư, bên mời thầu phải bảo đảm việc yêu cầu cung cấp hàng mẫu không dẫn đến làm tăng chi phí của gói thầu, hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.

Lai Châu là tỉnh biên giới nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Ở khu vực các bản, xã vùng cao, vùng sâu, biên giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh là rất lớn. Việc đầu tư các chương trình, dự án lưới điện quốc gia đến những “vùng lõm” là thực sự bức thiết, góp phần đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Ông Đào Văn Chiêu cũng khẳng định: Thông tin về các dự án đã triển khai của Công ty Điện lực Lai Châu không thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Vậy, phải chăng có điều gì cần được giấu kín phía sau “bức rèm” vẫn che chắn bấy lâu nay?

Bằng cách hành xử với cơ quan báo chí như vậy, liệu các doanh nghiệp có nguyện vọng chính đáng tham dự các gói thầu của Công ty này có được môi trường “trong sạch” để cạnh tranh lành mạnh?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.