Cổng Trời - Số hóa độc bản cho mỹ thuật

GD&TĐ - Mới đây, dự án số hóa các tác phẩm mỹ thuật có tên Cổng Trời đi vào hoạt động, mở ra niềm hy vọng cho giới làm nghề, đồng thời góp phần làm minh bạch hóa thị trường mỹ thuật.

Các họa sĩ, nhà sưu tập tại lễ công bố hợp tác giữa Cổng Trời và Viet Art Now.
Các họa sĩ, nhà sưu tập tại lễ công bố hợp tác giữa Cổng Trời và Viet Art Now.

Cấp “căn cước” điện tử cho tranh

Cổng Trời (tên miền: www.congtroi.org) là sàn giao dịch NFT (Non Fungible token - một mã không thể thay thế). Theo đó, tác phẩm của các nghệ sĩ được NFT hóa và do một đội ngũ giám tuyển mỹ thuật chọn lọc. Những tác phẩm đạt chất lượng sẽ được đăng tải lên sàn đi kèm chữ ký số của chính tác giả.

Trong bối cảnh vấn nạn vi phạm bản quyền hoành hành, đại dịch Covid-19 ngăn cản tác phẩm nghệ thuật Việt Nam bước ra thế giới và ngược lại, dự án Cổng Trời được kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán thông qua công nghệ và thị trường NFT.

NFT sử dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) để tạo ra một chuỗi mật mã cho một hình ảnh tác phẩm cụ thể, nhằm định danh phiên bản số duy nhất, không thể hủy bỏ hoặc thay đổi mã của các tác phẩm này. Điều này giúp cho hình ảnh tác phẩm NFT là duy nhất trên mạng, nên có thể mua bán, đổi chác như các tác phẩm độc bản bằng vật lý ở đời thực.

“Thông qua Cổng Trời, chúng tôi muốn hoàn thiện con đường để nghệ sĩ Việt Nam bước ra thế giới với phương châm: Mở lối đi riêng, nâng tầm văn hóa Việt” - ông Phạm Toàn Thắng, người sáng lập dự án Cổng Trời chia sẻ.

Giải thích rõ hơn về công nghệ khá mới mẻ này, ông Phạm Toàn Thắng cho biết, NFT ra đời từ năm 2017 nhưng mới được biết đến rộng rãi từ nửa năm nay, nhất là sau sự kiện một file ảnh kỹ thuật số được nhà Christie’s đấu giá ở mức kỷ lục 69,3 triệu USD (tính cả thuế phí) hôm 13/3.

Thuật ngữ công nghệ này dùng để chỉ một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu. Tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT luôn là bản gốc, không thể sao nhái. Chính vì vậy, người mua có thể truy nguyên tác giả sở hữu mà không cần đơn vị trung gian hay nhà đấu giá nào đứng ra xác tín.

Nói cách khác, cái gì cũng có thể NFT hóa (tức vật phẩm ảo hóa) được chứ không riêng nghệ thuật. Và sưu tập đồ NFT đang trở thành xu hướng mới và gây nên sự quan tâm đầy hưng phấn của nhiều nhà sưu tập trên thế giới…

“Bằng công nghệ NFT trên nền tảng Kardiachain, các tác phẩm văn hóa vật thể được số hóa và định danh chủ sở hữu, đảm bảo tính độc bản của bản kỹ thuật số tồn tại song song với độc bản ngoài đời thực.

Các độc bản kỹ thuật số này có thể tạo thành kho dữ liệu để tương thích với các ứng dụng VRhome, Oculus… giúp người dùng xây dựng được một bộ sưu tập kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo với chi phí tương đối thấp.

Đồng thời, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập. Theo đó, giá trị của độc bản số sẽ tỉ lệ thuận với số lần chuyển nhượng”, ông Thắng giải thích thêm.

Cũng theo ông Thắng, công nghệ NFT không cho phép bất kỳ ai có thể tạo ra những thay đổi đối với tác phẩm đã được số hóa độc bản từ nó. Bởi vậy, có thể xem đây là một “căn cước”, một bảo chứng về tính nguyên bản của tác phẩm mỹ thuật. Họa sĩ và nhà sưu tập có thể hoàn toàn yên tâm, không lo sợ tác phẩm bị xâm phạm bản quyền…

Dự án Cổng Trời được thai nghén từ tháng 10/2020, ngay khi NFT trở thành một xu hướng được nhiều người trên thế giới quan tâm.

Miễn phí dựng “nhà riêng” trên Cổng Trời

Phiên bản NFT tác phẩm Serenade #1 của họa sĩ Phạm An Hải trên Cổng Trời.
Phiên bản NFT tác phẩm Serenade #1 của họa sĩ Phạm An Hải trên Cổng Trời.

Sau buổi ra mắt tại TPHCM, mới đây dự án Cổng Trời đã có buổi công bố hợp tác tại Hà Nội với Viet Art Now - sân chơi uy tín của các nghệ sĩ và công chúng yêu mến nghệ thuật tạo hình Việt Nam.

Trong mấy năm qua, Viet Art Now được biết tới là một diễn đàn (group) quy tụ khá đông các họa sĩ đang hoạt động mỹ thuật tại Việt Nam, do ba họa sĩ Phạm An Hải, Phạm Bình Chương, Phạm Hà Hải thành lập và điều hành (quản trị).

Họa sĩ Phạm An Hải - đại diện Viet Art Now tin tưởng vào sự hợp tác với Cổng Trời sẽ góp phần tạo sự minh bạch cho thị trường mỹ thuật, vốn bị “vấn nạn” tranh nhái, tranh giả hoành hành bấy lâu. Không chỉ bảo vệ bản quyền tác phẩm cho họa sĩ, việc số hóa độc bản các tác phẩm mỹ thuật cũng mang đến những quyền lợi và niềm tin cho các nhà sưu tập.

Thông qua nền tảng của “Cổng Trời”, nhà sưu tập có thể đặt giá mua đối với sản phẩm nghệ thuật. Khi lệnh đặt mua được thực hiện, chủ sở hữu và nghệ sĩ/tác giả sẽ nhận được thông báo từ Cổng Trời và xem xét các lệnh đặt mua.

Khi mức giá đặt mua phù hợp với yêu cầu của chủ sở hữu và nghệ sĩ, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (mã hóa) thông qua nền tảng của “Cổng Trời”, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực trên Kardiachain.

Đồng quan điểm, họa sĩ Phạm Hà Hải cũng cho rằng, đây là dự án đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ NFT nhưng trên thế giới đã có tới 56 sàn giao dịch NFT. Sự phối hợp giữa Viet Art Now và Cổng Trời sẽ thực hiện trong một phạm vi đảm bảo sự cởi mở nhưng vẫn có những lựa chọn.

Việc trở thành đối tác của Cổng Trời thể hiện thái độ của Viet Art Now trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào quảng bá, bảo vệ bản quyền tác phẩm mỹ thuật.

Được biết, trước khi hợp tác với Viet Art Now, nhóm thực hiện dự án Cổng Trời đã bắt tay cùng Hội Mỹ thuật TPHCM, Hiệp hội Công nghệ ghi âm Việt Nam, Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF) và nhiều nhà sưu tập lớn, nhiều cá nhân có các tài sản là các tác phẩm nghệ thuật đắt giá…

Ủng hộ việc đưa các tác phẩm mỹ thuật lên nền tảng số bằng công nghệ NFT, tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, đây là công nghệ khá mới mẻ cần thêm thời gian để bàn tới tính “phủ rộng” của nó đối với thị trường mỹ thuật.

Song, đặt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm hạn chế rất nhiều việc các giao dịch mỹ thuật theo lối truyền thống thì Cổng Trời là kênh truyền thông phù hợp cho các văn nghệ sĩ khi vừa tiết kiệm thời gian, chi phí, vừa đem lại hiệu quả cao hơn trong việc quảng bá tác phẩm.

Đặc biệt, việc không mất bất cứ chi phí nào khi tham gia dự án Cổng Trời thì bản thân mỗi họa sĩ cũng nên thử xây “nhà riêng” cho chính mình trên không gian mạng. Điều đó đồng nghĩa với việc mình có thêm một kênh an toàn để đến với công chúng yêu mỹ thuật khắp nơi trên thế giới…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.