Công trình công cộng phải "thân thiện" với người khuyết tật

Công trình công cộng phải "thân thiện" với người khuyết tật

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày, nêu rõ: dự thảo Luật Người khuyết tật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 55 điều, trong đó bổ sung thêm một chương mới là Chương Chứng nhận khuyết tật (Chương II) quy định về Hội đồng xác định mức độ khuyết tật; phương pháp, thủ tục, kinh phí xác định mức độ khuyết tật; Giấy chứng nhận khuyết tật...

Về khái niệm người khuyết tật, đa số ý kiến thống nhất với khái niệm người khuyết tật được nhìn nhận ở cả góc độ y tế và xã hội bởi thực tế cho thấy, người khuyết tật khó có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội do những khiếm khuyết về cơ thể, chức năng, và khó khăn đó càng tăng thêm bởi những rào cản khác trong xã hội. Chính vì vậy, việc tiếp cận khái niệm người khuyết tật từ góc độ xã hội nhằm bổ sung, sửa đổi các chính sách, giúp giảm thiểu hoặc xóa bỏ những rào cản để người khuyết tật chủ động hòa nhập, tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội.

Hiện nay, nhiều công trình công cộng không thực sự thân thiện với người khuyết tật.
Hiện nay, nhiều công trình công cộng không thực sự thân thiện với người khuyết tật.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là lộ trình cải tạo công trình công cộng. Theo đó, đến năm 2020 các công trình công cộng như trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề; công trình văn hóa - thể thao... phải bảo đảm điều kiện tiếp cận, sử dụng của người khuyết tật.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Người khuyết tật và cho rằng, dự thảo Luật Người khuyết tật đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay nước ta có khoảng hơn 5 triệu người khuyết tật và sẽ còn tăng lên. Để thực hiện các chính sách xã hội hỗ trợ cho người khuyết tật, ngân sách nhà nước phải bỏ ra một phần đáng kể. Do đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị, cần thẩm định toàn diện hơn về khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước nếu thực hiện các chính sách theo quy định của Luật Người khuyết tật có hiệu lực.

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng: dự thảo Luật giao trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật cho Hội đồng xác định mức độ khuyết tật mà thành phần của Hội đồng này lại bao gồm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; cán bộ lao động xã hội, trạm trưởng trạm y tế xã phường, thị trấn…là chưa phù hợp.

Việc xác định mức độ khuyết tật và kết quả xác định mức độ khuyết tật rất quan trọng, là cơ sở để xây dựng chính sách phù hợp cho từng đối tượng theo mức độ khuyết tật, nhưng quy định như dự thảo Luật liệu có bảo đảm tính chính xác của kết quả xác định khuyết tật hay không? Một số trường hợp đơn giản thì Hội đồng này có thể đảm nhận được nhưng với những trường hợp phức tạp thì nhất thiết phải có sự thẩm định của Hội đồng giám định y khoa.

Về giải quyết việc làm cho người khuyết tật, dự thảo Luật đưa ra hai phương án: một là khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc và hai là quy định các cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm tuyển dụng ít nhất 1% người khuyết tật vào làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, việc định ra doanh nghiệp phải nhận 1% hay 2% người khuyết tật vào làm việc là chưa có cơ sở khoa học, chưa căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng là, người khuyết tật có thể đáp ứng được yêu cầu về tay nghề lao động của các doanh nghiệp hay không?

Mong muốn của chúng ta là người khuyết tật có thể tìm được việc làm để cải thiện đời sống. Nhưng mong muốn và thực tế là khác nhau, không thể lấy mong muốn áp đặt vào pháp luật và cũng không nên luật hóa các mong muốn chủ quan. Chỉ nên quy định chính sách theo hướng khuyến khích để tạo sự chủ động cho các doanh nghiệp trong tuyển dụng và sử dụng lao động là người khuyết tật, phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp.

Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Quang Bình cho rằng, đa số người khuyết tật có trình độ thấp, phần lớn chưa được qua đào tạo nghề nên các doanh nghiệp dù muốn cũng khó có thể tuyển đủ số lao động là người khuyết tật theo quy định. Do đó, không nên quy định doanh nghiệp bắt buộc phải tuyển dụng một tỷ lệ nhất định người khuyết tật vào làm việc, và cũng không nên đặt vấn đề trong trường hợp các doanh nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước không nhận đủ tỷ lệ lao động là người khuyết tật thì phải nộp một khoản tiền vào Quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật vì đó đều là ngân sách nhà nước.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ