Hội thảo do Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Các Cơ quan Đảng Trung ương phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 28 năm ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12/1992 - 3/12/2020).
Phát biểu khai mạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm đến công tác người khuyết tật, đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách chăm lo, bảo đảm quyền và phát huy vai trò của người khuyết tật, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và phát triển bền vững.
Điều này đã giúp cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống. Đã có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị và văn hóa xã hội, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
Theo ông Cao Đức Phát, mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.
Vẫn còn người khuyết tật thuộc hộ nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm, chưa tiếp cận được các dịch vụ xã hội, sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội. Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, xem công tác người khuyết tật là hoạt động nhân đạo, từ thiện, là trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật. Một số nơi công tác tổ chức thực hiện pháp luật về người khuyết tật còn chậm, chưa toàn diện; công tác xã hội đối với người khuyết tật còn nhiều bất cập, hạn chế.
Ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật trong những năm qua, ông Bradley Bessire - quyền Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho rằng, cuộc sống của người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn.
Việc hợp tác từ Trung ương đến địa phương của USAID nhằm cung cấp những lợi ích trợ giúp cho hàng triệu người khuyết tật trong nhiều năm qua. Sự hợp tác đó đã đạt nhiều kết quả trong việc cải cách chính sách, chế độ liên quan đến Luật Người khuyết tật, từ đó loại bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật...
Theo ông Bradley Bessire, để ban hành được Luật Người khuyết tật không hề đơn giản, ngay cả ở Hoa Kỳ. Nhưng khi luật đi vào cuộc sống đã đem lại nhiều lợi cho cho người khuyết tật. “Trong tương lai, Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ 56 triệu USD cho Việt Nam trong 5 năm tới, giúp cho cuộc sống của người khuyết tật tốt hơn” – ông Bradley Bessire nói.
Theo Bà Sitara Syed - Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), những khó khăn liên quan đến đói nghèo của người khuyết tật lớn hơn rất nhiều so với người nghèo bình thường.
Người khuyết tật đang phải sống trong những rào cản rất lớn để có thể hoà nhập, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội. Tại Liên hợp quốc, các chương trình hỗ trợ người khuyết tật luôn được ưu tiên với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bà Sitara Syed cho rằng, công tác xã hội rất quan trọng để hỗ trợ cho người khuyết tật. Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng ở Việt Nam đều nhận ra tầm quan trọng của công tác xã hội; tuy nhiên, hành lang pháp lý là công cụ rất cần thiết để thúc đẩy hoạt động này, hướng về người khuyết tật.
UNDP đã hợp tác với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc rà roát lại chính sách, liên quan đến Luật Người khuyết tật sau 10 năm ban hành, đánh giá những tác động đến cuộc sống của người khuyết tật. Bên cạnh đó, UNPD thường xuyên tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn những nội dung liên quan đến Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của người dân về người khuyết tật.
"Người khuyết tật phải được tạo mọi cơ hội để có thể tham gia vào những quyết định liên quan đến cuộc sống của họ. Đó là nguyên tắc quốc tế về quyền người khuyết tật"- bà Sitara Syed nhấn mạnh.