Công tác phòng, chống dịch COVID-19 bảo đảm để cử tri an toàn đi bầu cử

GD&TĐ - Đến nay các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19 để người dân an toàn thực hiện nghĩa vụ cử tri cũng như tham dự Ngày hội toàn dân.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đó là nhận định của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khi nói về công tác bảo đảm về phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay cho nhân dân đi bầu cử vào ngày 23/5 tới đây.

Theo Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, về công tác đảm bảo y tế phục vụ bầu cử, Bộ Y tế đã nhận thức đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng tiếp theo nhiệm vụ phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc vừa qua.

Bộ Y tế đã được Ủy ban Bầu cử quốc gia giao là một trong những thành viên của Tiểu ban An ninh trật tự và Y tế phục vụ cho công tác bầu cử.

Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, Bộ Y tế đã xây dựng ngay Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22/4/2021 về công tác y tế, trong đó xây dựng các kế hoạch chi tiết để nhằm phục vụ cho bầu cử. Kế hoạch có 4 nội dung lớn cần tập trung chỉ đạo và Bộ Y tế đã báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia và Tiểu ban An ninh trật tự và y tế bao gồm:

Tất cả cơ sở y tế trong cả nước chung tay với các cơ quan liên quan thực hiện bảo đảm vệ sinh môi trường; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch không để ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường thời gian trước, trong và sau cuộc bầu cử.

Rà soát lại việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh để xảy ra các vụ ngộ độc; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra bầu cử.

Đặc biệt, bố trí nhân lực sẵn có, khi cần có thể điều động ngay để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng tham gia bầu cử; các tổ y tế thường trực sẵn sàng cấp cứu ngay các cử tri, cán bộ trong Ban Tổ chức, phục vụ các tình huống bị tai nạn, cháy nổ…; sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động trên các ô tô cứu thương; các bác sĩ cấp cứu, điều dưỡng, trang thiết bị cấp cứu.

Một nhiệm vụ lớn nhất, quan trọng nhất mà Bộ Y tế nhận thức là cuộc bầu cử lần này khác tất cả các cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp trước kia. Đó là bầu cử triển khai trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đang đợt dịch thứ 4. Trong bối cảnh như vậy chúng ta phải triển khai tập trung phòng, chống dịch.

Tiếp theo kế hoạch này, Bộ Y tế triển khai các đợt tập huấn, hướng dẫn trên toàn quốc. Cụ thể, có 4 đợt tập huấn với 700 đầu cầu trên cả nước để triển khai các vấn đề này, kết hợp cùng với các biện pháp phòng, chống dịch khác.

Cục trưởng Lương Ngọc Khuê thông tin, hiện nay, các tỉnh như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Điện Biên hay Thủ đô Hà Nội đã có những diễn biến dịch phức tạp. Bệnh nhân COVID-19 đã xuất hiện nhiều nơi trong cộng đồng, trong đó có 2 tỉnh có con số hằng ngày có đến hàng chục, thậm chí là hơn một trăm ca nhiễm những ngày đầu. Tất cả các tình huống này chúng ta đều chủ động có kế hoạch cùng các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngành y tế là tuyến đầu nhưng ngoài ra còn có lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, các cấp chính quyền để chúng ta chủ động chung tay thực hiện.

Đến nay, Bộ Y tế nhận định chúng ta đã triển khai các biện pháp đồng bộ, cơ bản làm chủ tình hình. Đặc biệt qua đợt triển khai chỉ đạo của Ủy ban Bầu cử quốc gia cũng như của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập 5 đoàn công tác.

Bộ Y tế được tháp tùng các đồng chí lãnh đạo Bộ Y tế và các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành khác đi kiểm tra được gần 10 tỉnh.

Ngay hôm qua (20/5) Bộ Y tế tháp tùng Bộ trưởng Bộ Nội vụ và hôm trước (19/5) đã tháp tùng lãnh đạo các bộ, ngành kiểm tra tại Thái Bình, Vĩnh Phúc, đã xuống tận tổ bầu cử và nơi cách ly trong bệnh viện.

Ngay trong kịch bản tổng thể, có các kịch bản tổ chức phòng ngừa trong điều kiện dịch bệnh ở tổ bầu cử nơi có dịch, nơi chưa có dịch và đặc biệt lưu ý các tổ cần phải tổ chức hòm phiếu phụ nơi cách ly, nơi có bệnh nhân F1, F2, đặc biệt nữa là đối với bệnh nhân F0.

Các bệnh viện hằng năm vẫn tổ chức bầu cử khi bệnh nhân ở đó nhưng năm nay khác là có bệnh nhân COVID-19. Những kịch bản này được xây dựng cụ thể, từ việc lưu ý cả những bệnh nhân nặng phải làm công tác tư tưởng, cần sự phối hợp của các thầy thuốc ở đó cùng với các lực lượng ở đó để bảo đúng các quy định của pháp luật về cách ly, đảm bảo được chuyên môn về y tế.

Cách đây 2 ngày, Bộ Y tế đã có báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để ban hành Công điện số 668/QĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử để một lần nữa nhắc nhở toàn bộ hệ thống y tế về vấn đề này.

Hôm 19/5, Bộ Y tế đã thành lập tổ công tác thường trực giải đáp tất cả các thắc mắc của các cơ sở y tế, các tổ thực hiện bầu cử ứng trực từ ngày 18/5 đến hết ngày bầu cử; thực hiện hướng dẫn công tác bầu cử trong tình trạng dịch COVID-19 đang căng thẳng để bảo đảm an toàn trước, trong và sau bầu cử.

Với trách nhiệm cơ quan thường trực, sau khi xây dựng kế hoạch, Bộ Y tế đã kiểm tra và có các công điện, triển khai thực tế.

Đến nay có thể khẳng định các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19 để giúp người dân an toàn thực hiện nghĩa vụ cử tri cũng như tham dự Ngày hội toàn dân sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.