Công tác pháp chế ngành Giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực

GD&TĐ - Hội thảo phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2016 được tổ chức chiều 9/12 tại Hà Nội với sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo

Ngày 24/6/2015, Bộ trưởng hai Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đã ký Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp giai đoạn 2015 – 2020. Tiếp đó, ngày 22/3/2016, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ năm 2016.

Sau 1 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các Bộ, ngành.

Chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành, tạo hành lang pháp lý cho ngành Giáo dục hoạt động có hiệu quả.

Năm 2016, cơ bản các văn bản nợ đọng của Bộ GD&ĐT đã được ban hành, Bộ GD&ĐT không còn trong danh sách các đơn vị nợ đọng văn bản.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện Chương trình số 474, tập trung vào một số nhiệm vụ: Công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; công tác hợp nhất văn bản và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; công tác bồi thường của nhà nước, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; công tác pháp chế ngành Giáo dục; tổ chức các lớp tập huấn, đoàn kiểm tra; phối hợp triển khai thực hiện các đề án.

Hội thảo phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2016
Hội thảo phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2016

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng khẳng định: Trong những năm gần đây, công tác pháp chế nói chung, công tác pháp chế ngành Giáo dục nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp chế ngành Giáo dục từ Bộ cho đến các cơ sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ được kiện toàn, làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo các đơn vị trong soạn thảo văn bản, kiểm tra xử lý, rà soát hệ thống văn bản, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật…

Năm 2017 là năm tiếp tục triển khai, hoàn thiện hệ thống văn bản thi hành hiến pháp, hướng dẫn luật Giáo dục đại học, triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT. Với tầm quan trọng của công tác pháp chế, Bộ GD&ĐT hết sức hoan nghênh sự phối hợp giúp đỡ của Bộ Tư pháp trong việc thực hiện công tác pháp chế của hai Bộ.

Đánh giá cao vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác pháp chế, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cũng cho biết, công tác pháp chế trong ngành Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hết sức quan tâm, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, góp phần hoàn thiện, xây dựng thể chế cho các cơ sở giáo dục hoạt động, phát triển.

Nhấn mạnh và đánh giá cao kết quả trong công tác phối hợp giữa hai Bộ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng, công tác phối hợp còn có thể làm tốt hơn để tương xứng với nhu cầu và năng lực cả hai bên.

Về phương hướng phối hợp năm 2017, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cần chọn công việc mang tính trọng tâm trọng điểm, như: Xây dựng Luật Nhà giáo; công tác phổ biến giáo dục pháp luật; phối hợp trong kiểm soát chất lượng đào tạo luật; phối hợp nâng cao năng lực đội ngũ pháp chế Bộ GD&ĐT; đổi mới phương pháp phối hợp…

Tại hội thảo, lãnh đạo các đơn vị, chuyên viên hai Bộ đã có những trao đổi, chia sẻ thẳng thắn, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để công tác phối hợp giữa hai Bộ đạt được nhiều kết quả tốt hơn nữa trong năm 2017.

Ngay sau hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long có cuộc gặp, trao đổi các vấn đề liên quan đến công tác phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ