Công nhân loay hoay tìm chốn gửi con

GD&TĐ - Tìm đâu ra người giữ trẻ, chỗ trông trẻ sau khi hết phép nghỉ sinh là vấn đề đau đầu của nhiều cặp vợ chồng, đặc biệt là những công nhân tại các khu công nghiệp ở Nghệ An. Bởi hiện các trường mầm non công lập, tư thục hầu như chỉ nhận trẻ trên 18 tháng tuổi mà vẫn còn quá tải. Trong khi các nhóm lớp trẻ độc lập quá ít, chi phí trông giữ cao…

Công nhân loay hoay tìm chốn gửi con

Loay hoay tìm người giữ con

Mẹ con chị Lê Thị Tâm (25 tuổi, quê huyện Anh Sơn - Nghệ An) mới xuống thành phố Vinh được 2 tuần, ổn định chỗ ăn ở để tháng sau chị quay lại làm việc tại nhà máy dệt may. “Chồng tôi đi làm xây dựng, theo công trình khi thì tỉnh này, tỉnh khác chẳng mấy khi ở nhà. Dịp vợ sinh thì có tranh thủ về được ít hôm rồi lại đi, nên chỉ còn 2 mẹ con. Cháu mới được hơn 5 tháng, dịp này bà ngoại đang xuống chăm giúp nhưng bà cũng yếu rồi, lại còn có ông ở trên quê một mình nên không thể ở trông cháu mãi được. Không biết sau khi bà về thì làm thế nào, trường mầm non ở đây thì hơn 18 tháng mới giữ trẻ”, chị Tâm lo lắng

Chị Bùi Thị Vân (quê xã Nam Kim, Nam Đàn) đang là công nhân tại khu công nghiệp Nam Cấm (huyện Nghi Lộc) cũng đang lo tìm chỗ gửi con để đi làm sau khi bà nội phải về quê chuẩn bị lo cho vụ mùa sắp tới. “Cháu bé quá, mới 6 tháng nên không nhà trẻ nào nhận. Ở gần đây có một bà giáo về hưu nhận trông trẻ nhưng bà chỉ trông 2 cháu thôi, không nhận thêm cháu nào. Tôi cũng nghĩ đến việc tìm người đến ở trông con, nhưng tiền công thì ít nhất 3 triệu/tháng.

Lương công nhân của tôi thì mỗi tháng 4 - 5 triệu; chồng nói thôi ở nhà chăm con mình còn hơn bỏ tiền ra thuê người lạ chăm. Nhưng không đi làm thì mất việc. Có lẽ, chịu khó một thời gian rồi gửi con về quê cho ông bà”.

Thuê người làng, anh em họ hàng xuống trông giúp con để đi làm, hoặc gửi hẳn về quê cho ông bà nội ngoại chăm sóc, là tình trạng chung của nhiều công nhân tại các khu công nghiệp ở Nghệ An.

Việc các trường mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đối với các ông bố, bà mẹ trẻ đang là niềm mong mỏi vì thực tế hiện nay các trường chỉ nhận trẻ từ 18 tháng trở lên.

“Tôi thấy cần có nhóm trẻ công lập, chăm sóc trẻ ít ra từ 6 tháng để các mẹ đi làm. Chứ không có trường để gửi, thuê giúp việc thì không đủ tiền, lại thấy tội con, nhiều người phải nghỉ ở nhà đến khi con hơn 1 tuổi. Lúc sinh cháu trai đầu, tôi cũng phải nghỉ hơn 1 năm, ở nhà bức bí lắm. Bây giờ cháu đã vào lớp 1 rồi mà vợ chồng chưa dám sinh cháu nữa”, chị Vũ Thị Hương (29 tuổi, công nhân ở TP Vinh) chia sẻ.

Theo khảo sát, hầu hết các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Trong đó tỷ lệ huy động trẻ ở độ tuổi nhà trẻ thấp nhất, đạt khoảng 18%.

Lo an toàn cho trẻ

Có thể nói, nhu cầu giữ trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi là có thật, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, thành phố, thị xã - nơi tập trung dân cư đông đúc, số công nhân, người lao động trong độ tuổi sinh đẻ cao. Tuy nhiên, phụ huynh và ngay cả các trường mầm non cũng không giấu vẻ lo ngại nếu gửi - nhận trẻ ở độ tuổi 3 - 6 tháng.

Cuối tháng 10/2017, dư luận Nghệ An và cả nước xôn xao, bức xúc vì clip ghi lại hình ảnh cháu bé 5 tháng tuổi ở TP Vinh bị bảo mẫu đánh, giật lắc… Clip được trích từ camera của gia đình trong thời gian khi bố mẹ cháu bé đi làm vắng.

Bố cháu bé là anh Đinh Văn Tài đã đem sự việc trình báo lên cơ quan chức năng. Công an đã vào cuộc xác minh sự việc, người bảo mẫu sau đó thừa nhận muốn dỗ cháu ngủ mà cháu khóc không nín, nóng giận tức thời nên có vỗ vào người cháu bé.

Gia đình cũng đưa cháu bé đến bệnh viện kiểm tra và rất may không phát hiện thương tích. Sự việc khép lại, nhưng để lại nỗi ám ảnh, lo lắng trong tâm lý của gia đình. Kể từ khi phát hiện sự việc, mẹ cháu đã xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con.

“Các cháu từ 18 tháng tuổi trở lên, thì hầu như đã biết đi, ra hiệu, và tập nói. Còn các cháu dưới 1 tuổi thì chưa biết gì, phải chăm hoàn toàn từ ăn, ngủ, bế ẵm… nên nói thật là kể cả thuê người về giúp việc lẫn gửi đến nhóm trẻ gia đình chăm sóc tôi đều lo. Ai sẽ quản lý, chịu trách nhiệm về sự an toàn của các con. Nguy cơ bạo hành trẻ nhỏ không phải là không có”, chị Hoàng Thị Hằng (31 tuổi, TP Vinh) bày tỏ.

Về phía các trường mầm non cũng ngại nhận học sinh lứa tuổi từ 3 - 12 tháng. Lý do là cơ sở vật chất, mở rộng quy mô trường lớp khó khăn. Đặc biệt, toàn tỉnh Nghệ An hiện vẫn đang thiếu hơn 2.000 giáo viên mầm non như hiện nay thì việc bố trí giáo viên cho lớp nhà trẻ rất khó khăn.

Xã Hưng Đông, TP Vinh nằm ở vùng khu công nghiệp Bắc Vinh, trên địa bàn tập trung rất đông công nhân và người lao động. Ngoài trường mầm non công lập, tại đây còn có một số trường mầm non tư thục.

Theo cô Nguyễn Thị Cầm, Hiệu trưởng cơ sở mầm non Yên Bình thì hiện nhà trường nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Có nhiều phụ huynh đề nghị trường nhận trẻ dưới 1 tuổi, nhưng trường không dám nhận vì không đủ giáo viên đáp ứng việc chăm sóc. Vì việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ lứa tuổi này rất phức tạp, cần có lòng yêu thương trẻ thực sự và có kinh nghiệm lẫn sức khỏe…

Bởi thế, để hiện thực được việc nhận trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi thì cần đảm bảo cơ sở vật chất, giáo viên lẫn việc quản lý hết sức chặt chẽ của các cấp để phụ huynh yên tâm gửi con vào trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ