Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu thuộc các Đại học Macquarie (Australia), York và Oxford (Anh) đã đẩy lùi hiểu biết về thời gian xuất hiện việc ướp xác Ai Cập ít nhất một thiên niên kỷ.
Lý thuyết hiện đại cho thấy con người bắt đầu biết ướp xác khoảng năm 2.200 trước công nguyên, ở Trung Quốc từ năm 2000 - 1600 trước Công nguyên.
Nhưng theo kết quả nghiên cứu mới, giới khoa học phát hiện con người sử dụng nhiều loại thảo mộc và khăn quấn người chết trong nghĩa trang cổ được ghi lại sớm nhất ở Mostagedda, khu vực Thượng Ai Cập. Các mảnh vải quấn xác ướp được xác định vào những năm 3.700 trước Công nguyên.
“Trong hơn thập kỷ qua, tôi bị hấp dẫn bởi sự bí ẩn trong việc ướp xác, bao bọc thi thể tại nghĩa trang đồ đá mới ở Badari và Mostagedda, Ai Cập” - TS Jana Jones từ Đại học Macquarie nói.
Bằng việc sử dụng phương pháp sắc ký khí khối phổ và nhiệt phân để phân tích các hợp chất có trong lớp vỏ bọc xác ướp, nhóm nghiên cứu phát hiện các tác nhân kháng khuẩn được sử dụng để bảo quản các xác ướp. Nguyên liệu dùng cho việc ướp xác gồm nhựa thông, một loại thực vật tạo ra hương thơm, sáp, dầu thực vật hoặc mỡ động vật.
“Đặc tính kháng khuẩn của một số thành phần nguyên liệu ướp xác và bảo quản mô dẫn chúng ta tới kết luận, đây chính là những hình thức ướp xác ban đầu và sau này là hình thức ướp xác của các vị vua Pharaon” - TS Stephen Buckley tại Đại học York nói.
Buckey thiết kế thí nghiệm và tiến hành các nghiên cứu hóa học về vấn đề này. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí PLoS ONE.