Công nghệ số trong gia đình: Tiện ích nhưng tránh lạm dụng

GD&TĐ - Sử dụng mạng xã hội qua các thiết bị công nghệ mang lại nhiều tiện ích, giúp kết nối các thành viên trong gia đình dễ dàng và thuận tiện hơn.

Sử dụng công nghệ số, nhất là mạng xã hội trở nên phổ biến trong các gia đình.
Sử dụng công nghệ số, nhất là mạng xã hội trở nên phổ biến trong các gia đình.

Mạng xã hội đã trở thành sợi dây kết nối gia đình, bất chấp khoảng cách. Nhưng liệu sự gắn kết ấy có thể tồn tại lâu dài nếu lạm dụng công nghệ, để rồi vô tình đánh mất những giá trị truyền thống?

Sợi dây “kết nối”

Việc sử dụng mạng xã hội qua các thiết bị công nghệ hiện đại mang lại vô số tiện ích, giúp kết nối các thành viên trong gia đình một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách sử dụng hợp lý hoặc quá lạm dụng, mạng xã hội có thể gây ra những tác động tiêu cực đến lối sống và thói quen sinh hoạt của mỗi cá nhân.

Vào mỗi tối, sau khi ăn cơm xong, anh Phạm Thanh Hưng (quận Đống Đa, Hà Nội) lại cùng vợ gọi video call để trò chuyện với bố mẹ ở quê nhà Nghệ An.

“Ban đầu, bố mẹ tôi không muốn dùng điện thoại thông minh vì sợ mắt mờ, tay chân chậm, trí nhớ kém. Đến khi được sự động viên và hướng dẫn của con, cháu, ông bà cũng dần làm quen và giờ đã sử dụng thành thạo. Giờ đây, sau mỗi bữa cơm khi đi làm về, vợ chồng và hai đứa con nhà tôi đều gọi video call để trò chuyện cùng ông bà.

Cũng nhờ có điện thoại thông minh, có kết nối Internet mà chúng tôi dễ dàng liên lạc và còn được nhìn thấy rõ mặt ông bà từ xa. Được nắm bắt tình hình sức khỏe và thể hiện sự quan tâm với ông bà qua màn hình điện thoại hàng ngày, chúng tôi cũng cảm thấy rất yên tâm và an lòng phần nào”, anh Hưng chia sẻ.

Ba người con của ông Nguyễn Thế Bắc (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã lập gia đình, sinh sống ở nhiều nơi khác nhau. Do không có điều kiện về thăm bố mẹ, quây quần bên mâm cơm gia đình như xưa nên các con của ông Bắc đã mua điện thoại thông minh cho bố mẹ và thành lập một nhóm chat chung của gia đình trên Zalo. Mục đích, để ai cũng cập nhật được thông tin, tình hình về cuộc sống của nhau.

Từ khi thành lập nhóm “group chat”, đại gia đình ông Bắc luôn rộn ràng từ sáng đến khuya. Dù nhà nào ở nhà nấy, nhưng thành viên giữ được kết nối với nhau.

“Hàng ngày, các con, cháu của tôi đều cập nhật thông tin thường xuyên lên nhóm chat của gia đình. Khi thì các con chia sẻ hình ảnh ngày xưa, khi thì gửi ảnh cả nhà đi du lịch, hay các món ăn, rồi kết quả học tập... Vợ chồng tôi đã lớn tuổi, nhờ có điện thoại thông minh với chức năng kết nối như thế này nên cảm giác được ở gần con cháu, không còn cảm thấy trống vắng, cô đơn”, ông Bắc nói.

Có làm mai một giá trị truyền thống?

Việc sử dụng điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến và cũng là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình lại gần với nhau hơn. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, việc quá sa đà vào các ứng dụng công nghệ trên điện thoại cũng có thể làm giảm sự gắn kết của gia đình.

Thực tế, không ít gia đình sau bữa cơm chung, mỗi người lại “đắm chìm” vào thế giới riêng với mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc, chơi game, hoặc lo việc cá nhân, mà quên mất việc trò chuyện cùng nhau.

Nhiều phụ huynh thậm chí còn dùng điện thoại như “bảo mẫu” để dỗ con ăn hay giải trí. Chính sự lạm dụng công nghệ này đang dần tạo ra khoảng cách, khiến các giá trị truyền thống và sự kết nối bền chặt trong gia đình bị lung lay, mất đi sự ấm áp vốn có.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Khuyên, Phó Trưởng khoa Kinh tế chính trị - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Sử dụng công nghệ số, nhất là mạng xã hội đã trở thành phương tiện phổ biến trong các gia đình. Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, nhất là trong việc tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình có thể liên lạc, kết nối với nhau ở bất cứ đâu, thời điểm nào.

Thế nhưng, nếu quá lạm dụng hoặc lệ thuộc vào công nghệ thì cũng không tránh khỏi những hậu quả khôn lường xảy ra đối với các gia đình. Điều dễ nhận thấy nhất đó là, đã có không ít gia đình thay vì gặp gỡ trò chuyện, tâm sự như trước đây thì hiện nay lại sử dụng mạng Internet để trao đổi, chia sẻ với nhau, từ đó vô hình làm giảm đi sự kết nối, thậm chí còn làm cho các thành viên trong gia đình mất dần kỹ năng giao tiếp, thấu hiểu nhau trong cuộc sống, trở nên thờ ơ, lạnh nhạt và xa lánh nhau.

Cùng với đó, việc lạm dụng quá nhiều mạng xã hội hiện nay không chỉ xảy ra đối với người lớn mà còn là “báo động đỏ” với thanh niên và trẻ em. Thực tế, độ tuổi “nghiện” sử dụng điện thoại, iPad để xem các clip trên YouTube, TikTok hay chơi game... ngày càng bị trẻ hóa. Điều này, gây ảnh hưởng khá lớn đến sức khỏe, tinh thần não bộ và hành vi ứng xử khiến các em dễ bị mất cân bằng trong việc học tập và phát triển kỹ năng sống.

Chính vì vậy, để tránh xa những nguy hại của việc lệ thuộc thiết bị thông minh và Internet hiện nay, TS Nguyễn Thị Khuyên cho rằng, các thành viên trong gia đình cần duy trì thói quen giao tiếp với nhau hàng ngày để làm tăng thêm sự gắn kết tình cảm, hiểu biết và chia sẻ với nhau những khó khăn, niềm vui và những vấn đề trong cuộc sống.

“Cùng với đó, hơn ai hết, chính cha mẹ nên làm gương tốt cho con mình trong việc sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, hướng dẫn con mình sử dụng thiết bị công nghệ trong học tập một cách an toàn, giải trí theo hướng lành mạnh dù bất kể độ tuổi nào.

Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng thiết bị thông minh truy cập vào các trang mạng xã hội, phim ảnh, game... của con em mình. Việc sử dụng công nghệ thông thái, đúng cách không những giúp cuộc sống thêm phong phú, gắn kết, mà qua đó còn góp phần bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống của gia đình trong thời đại công nghệ số”, TS Nguyễn Thị Khuyên nói.

Theo báo cáo của tổ chức UNICEF năm 2023, 83% trẻ em từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14 - 15 tuổi. Theo khảo sát của Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày; chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều người tuy tuổi còn trẻ nhưng đã suy giảm ham muốn tình dục. Ảnh minh họa: L.N

Phái mạnh cũng có lúc 'yếu'

GD&TĐ - Sức khỏe sinh lý từ lâu đã được coi là biểu tượng làm nên bản lĩnh và sự tự tin của phái mạnh.