(GD&TĐ) - Đưa công nghệ mới vào sản xuất, sẽ góp phần quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa lâu đời, đồng thời tạo ra những sản phẩm truyền thống có chất lượng cao trong các làng nghề.
Các sản phẩm mây, tre đan cũng cần đến KH&CN để nâng cao chất lượng |
Thiếu khoa học và công nghệ
Bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, kể về cây Lùng ở Nghệ An. Đây là một loài cây cùng họ với cây Tre, nhưng cây Lùng có khoảng cách giữa các mắt lên tới 2 mét, tránh được hiện tượng cong vênh, gãy, vỡ khi sử dụng đan lát các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Hơn nữa với chất lượng về độ dai, độ bóng đã làm cho giá trị nguyên liệu đầu vào của cây Lùng cao hơn hẳn so với cây Tre.
Tuy nhiên, cây Lùng sống trong tự nhiên và số lượng có hạn, muốn phát triển đại trà cần phải có sự tham gia của khoa học công nghệ. Được biết hiện nay, theo một dự án của chính phủ Đan Mạch, các nhà khoa học đang cố gắng nghiên cứu để tìm ra bộ gien chuẩn của cây Lùng. Khi có bộ gien chuẩn sẽ đưa vào trồng đại trà, giải quyết nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành mây tre đan xuất khẩu.
Câu chuyện thứ hai, kể về một doanh nghiệp đã vô cùng hồ hởi bởi nhận được một đơn đặt hàng về mây tre đan xuất khẩu với số lượng lên tới 25 công ten nơ. Nhưng chỉ ba tháng sau doanh nghiệp này đã rơi vào cảnh khốn đốn. Nguyên do là khi ký hợp đồng doanh nghiệp đã không tính tới yếu tố khí hậu của nơi tiêu thụ sản phẩm. Khi chuyển tới nơi, toàn bộ số hàng đã bị cong vênh, gãy, vỡ… Vì thiếu yếu tố khoa học công nghệ nên sản phẩm đã bị đối tác chuyển trả. Trong trường hợp này, nếu có sự tham gia hỗ trợ của các nhà khoa học ngay từ đầu, thì có lẽ doanh nghiệp đã không rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.
Từ những câu chuyện này, cho thấy nếu doanh nghiệp không quan tâm đến KH&CN, thì sản phẩm thì sẽ không có sự thay đổi về chất, không đủ điều kiện để tham gia các thị trường. Vai trò quan trọng của nghiên cứu khoa học trong việc phát triển công nghệ tại các làng nghề truyền thống là không thể phủ nhận, muốn phát triển được sản xuất đại trà phải có KH&CN thì mới có thể tăng năng suất và ổn định chất lượng.
Giải pháp chợ công nghệ
Hiện nay, ở nước ta có khoảng gần 4.000 làng nghề chủ yếu thuộc các nhóm chính như: sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng trọt... Việc áp dụng KH&CN cũng cần hết sức linh hoạt để thích hợp với đặc thù của từng ngành nghề. Ví dụ, những nghề về trạm khắc thì cần đến máy móc hỗ trợ để tăng năng suất lao động và cũng để tạo ra sản phẩm đại trà có chất lượng cao; nghề gốm sứ cần hệ thống lò nung hiện đại, sản xuất nông nghiệp cần đến những cải tiến về giống cây trồng, phương pháp bảo quản... Đáp ứng những nhu cầu này từ năm 2003 đến nay, Bộ KH&CN đã liên tục tổ chức các hội chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) quy mô quốc tế, quốc gia và quy mô vùng.
Tháng 11 tới đây, Techmart Daknong 2013 sẽ được tổ chức tại tỉnh Đắc Nông. Đây là dịp để các nhà khoa học đem các sản phẩm công nghệ đáp ứng một cách kịp thời và đầy đủ nhất về nhu cầu sản xuất theo các quy mô vùng, địa phương, trong đó có nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ cho sản xuất tại các làng nghề. Hoạt động này được cho là cơ hội để các làng nghề tham khảo và tính toán khả năng áp dụng những công nghệ mới, làm tăng hàm lượng KH&CN vào các sản phẩm truyền thống. Kết hợp được trình độ công nghệ cùng với lợi thế của địa phương, làng nghề sẽ góp phần hiệu quả vào quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.
Trung Việt