Các doanh nghiệp sử dụng nguồn cung ứng gỗ hợp pháp cũng mất lợi nhuận và khả năng cạnh tranh vì nguồn gỗ trái phép bao giờ cũng có giá thấp hơn. Do đó, các chính phủ và doanh nghiệp đang bắt đầu hành động nhằm cải thiện quá trình truy xuất nguồn gốc gỗ, trong đó có cả việc áp dụng khoa học công nghệ vào việc giám sát nguồn gốc gỗ, quản lý thông tin và ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép.
Một loạt các công nghệ tiên tiến nhất đang hoặc sắp được ứng dụng nhằm cải thiện quản lý thông tin về rừng và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng gỗ đã được giới thiệu tại hội thảo do Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Viện Lâm nghiệp Quốc gia (INAB) Guatemala và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) Mesoamerica, phối hợp tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ủy ban Châu Âu và Quỹ Nông lương Liên hợp quốc (FAO) diễn ra tại Antigua, Guatemala mới đây.
Một số công nghệ giúp theo dõi quá trình vận chuyển gỗ trong các chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo tính xác thực của nguồn gốc gỗ.
Stardust: một chất liệu tương tự như bụi được phun lên gỗ và có thể được phát hiện chỉ với một thiết bị cầm tay. Stardust có thể áp dụng được trên gỗ, bột giấy và các sản phẩm từ giấy như một biện pháp chi phí thấp thay thế cho hệ thống mã vạch, nhận dạng tần số radio (RFID) hay các công nghệ theo dõi khác. Greenwood, tổ chức kết nối người mua với các nhà sản xuất sản phẩm gỗ chất lượng cao với gỗ nguyên liệu thu hoạch bền vững, hiện đang thử nghiệm thí điểm Stardust với một số nguồn cung gỗ của họ. TreeTAG là hệ thống truy xuất nguồn gốc chuỗi nguồn cung gỗ chạy trên điện thoại thông minh do Earth Observation Systems (EOS) phát triển. Công cụ này có khả năng theo dõi vị trí của gỗ trong quá trình vận chuyển từ rừng đến nhà máy. Hệ thống này đòi hỏi tất cả cá nhân đều phải được cấp phép – từ những người đốn gỗ đến người xử lý gỗ – báo cáo hoạt động, số lượng và đưa ra cảnh báo khi có hành vi đáng ngờ. Chỉ những cây đã được cấp phép khai thác mới có thể được đưa vào hệ thống. EOS hiện đang làm việc với Sociedad Civil Custodios de la Selva (CUSTOSEL), một công ty sản xuất sản phẩm từ gỗ gụ bền vững, để thử nghiệm hệ thống trên số gỗ hãng ghita Bedell Guitars đặt hàng.
Một số cơ quan chính phủ cũng đang phát triển hệ thống truy xuất nguồn cung ứng gỗ.
Ủy ban Lâm nghiệp Ghana đang thí điểm Hệ thống Truy xuất Gỗ tại Ghana – GWTS (Ghana Wood Tracking System) phát triển từ Ata Marie, một nền tảng dữ liệu quy tụ tất cả tài liệu bằng giấy tờ trước đây, cho phép người sử dụng chẳng hạn như kiểm toán viên tải thông tin về nguồn gốc gỗ bằng điện thoại hoặc máy tính.
Cơ quan Dịch vụ Rừng của Guatemala (The Guatemala Forest Service) đang phát triển Hệ thống thông tin Lâm nghiệp điện tử – SEINEF (Forest Enterprises Electronic Information System), một nền tảng web yêu cầu các thành viên trong chuỗi cung ứng nhập thông tin về khối lượng gỗ và giấy phép liên quan. Hệ thống SEINEF cho phép cơ quan quản lý nhà nước và các cán bộ thực thi pháp luật theo dõi quá trình di chuyển của các sản phẩm gỗ từ lúc còn ở rừng đến khi sản phẩm gỗ đến tay người mua; và xác định sự sai lệch về số lượng, chủng loại và các sản phẩm được báo cáo.
Cơ quan Dịch vụ Rừng của Brazil (The Brazilian Forest Service) cũng sử dụng một hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc và thông tin về gỗ. Hệ thống này không chỉ theo dõi các cây bị đốn và xẻ thành gỗ mà còn sử dụng dữ liệu cảm biến từ xa để giám sát việc quản lý rừng.
Gỗ khai thác trái phép đang được vận chuyển ở Borneo (Ảnh: Rhett A. Butler)
Các công nghệ tập trung vào việc tập hợp, phân tích, hiển thị hóa và xác minh thông tin chuỗi cung ứng
Hệ thống Truy xuất nguồn gốc toàn cầu Radix Tree là một nền tảng cho phép người mua thu thập thông tin từ các nhà cung cấp, từ đó thiết lập một chuỗi giám sát. Radix Tree cũng thực hiện đánh giá nguy cơ về gỗ bất hợp pháp dựa trên thông tin được cung cấp, một bước cần thiết để đáp ứng Quy chế Gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR). Ngoài ra, hệ thống này còn giúp người dùng quản lý hàng tồn kho, quá trình giao hàng, cung cấp mã an toàn và lưu trữ, bảo mật dữ liệu, dữ liệu nhập vào Radix Tree từ nhiều định dạng khác nhau. Hiện Unilever và Bureau Veritas là hai trong số những tổ chức đang sử dụng hệ thống này.
Hệ thống Trao đổi gỗ có trách nhiệm ( Responsible Timber Exchange ) của Viện BVRio, Brazil (sử dụng cơ sở dữ liệu lớn để đánh giá xem liệu các nhà phân phối tiềm năng có tuân thủ Quy định về gỗ của Hoa Kỳ và châu Âu hay không. Để đánh giá các nguy cơ về gỗ bất hợp pháp, các cơ sở dữ liệu lấy thông tin không chỉ từ các tài liệu chính thức như giấy phép khai thác gỗ và giấy phép hoạt động xưởng cưa mà còn từ các hồ sơ pháp lý của chủ rừng, người đốn gỗ và thậm chí là kỹ sư lâm nghiệp tham gia trong chuyến giao hàng. Với những thông tin này, việc trao đổi thông tin cho phép người mua đánh giá từng người bán cụ thể dựa trên nguồn gốc gỗ và mức độ tuân thủ các quy định pháp lý, môi trường, xã hội và lao động. Một hệ thống tương tự cũng đang được phát triển ở Brazil bởi Tổ chức phi lợi nhuận Imaflora.