Công kích thay vì tranh luận

GD&TĐ - Cuộc tranh luận đầu tiên của hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden ngày 30/9 đã thu hút hầu như toàn bộ truyền thông thế giới.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Các nội dung tranh luận không có gì mới, mà ấn tượng là sự công kích cá nhân nảy lửa giữa hai bên. 

6 chủ đề trong cuộc tranh luận lần một tập trung vào các vấn đề trong nước, bao gồm: Thành tích của Donald Trump và Joe Biden; bổ nhiệm thẩm phán của Tòa án tối cao; tình hình kinh tế; đại dịch Covid-19; vấn đề sắc tộc và bạo lực ở các thành phố; và tính trung thực của cuộc bầu cử.

Suốt nhiệm kỳ vừa qua, Tổng thống Donald Trump luôn gây tranh cãi với cách thức quản lý, điều hành không theo cách truyền thống, những phát ngôn đôi khi bất chấp chính sách và dư luận. Đối lập với ông là một cựu Phó Tổng thống Joe Biden vốn trầm tĩnh, điềm đạm.

Song trong cuộc tranh luận lần này, bên cạnh việc đưa ra các quan điểm đối lập gay gắt trong nội dung tranh luận, ông Biden có lúc cũng không giữ được sự bình tĩnh và hai bên không ít lần buông ra những lời công kích cá nhân, thậm chí còn gọi ông Trump là “gã hề”, “con rối của Putin”, “tổng thống tồi nhất trong lịch sử”. 

Liên quan đến việc ứng phó Covid-19, ông Biden chỉ trích ông Trump không có kế hoạch, coi thường tham vấn chuyên môn, khinh suất những nguy cơ dịch, nghi ngờ kế hoạch của ông Trump về hợp tác với các công ty dược để có vắc-xin trước ngày bầu cử. Còn ông Trump khẳng định việc ông đóng cửa biên giới từ cuối tháng 1 “đã cứu hàng triệu sinh mạng”, việc lây lan dịch là do lỗi của Trung Quốc và chỉ trích ông Biden chính trị hóa vấn đề vắc-xin. 

Về nỗ lực khôi phục kinh tế, ông Biden cho rằng chỉ có kết thúc được dịch Covid-19 thì mới khôi phục được kinh tế, và tình hình hiện tại sẽ có lợi cho những tỷ phú như ông Trump. Ngược lại, ông Trump cho rằng nếu ông Biden lên nắm quyền sẽ đóng cửa nước Mỹ, đóng cửa nền kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng, kinh tế suy sụp... 

Phản ứng của dư luận, vì thế nhằm vào thái độ, không khí của cuộc tranh luận hơn là nhằm vào các nội dung mà hai ứng cử viên đưa ra. Một kênh truyền thông Mỹ thăm dò cho thấy, hơn 30% cử tri nói rằng họ thấy tranh luận có tính giải trí, chỉ 17% nói họ thấy có được các thông tin hữu ích. Theo nhiều nhà quan sát, cử tri bị phân tán hơn là được thu hút vào cuộc bầu cử sắp tới. 

Ron Bonjean, chiến lược gia Cộng hòa ở Washington, người đã tư vấn cho đội ngũ chuyển giao của ông Trump năm 2016 nói với Reuters: “Thật đáng ngờ rằng cuộc tranh luận mệt mỏi về tinh thần này lại có thể tác động đến bất kỳ ai. Mỗi bên đều có gì đó để nói, song cú sốc từ việc tấn công cá nhân nhằm vào nhau có lẽ khiến nhiều người hụt hẫng”. 

Theo như Christopher Devine, chuyên gia về tranh cử tổng thống ở Đại học Dayton, bang Ohio, cuộc tranh luận đem lại rất ít cơ hội để hiểu về các ứng cử viên và kế hoạch của họ, và cuộc tranh luận này càng khó thuyết phục những người đang dao động.  

Thăm dò của Reuters/Ipsos tháng 9 cho thấy, ông Biden đang dẫn trước ông Trump với khoảng cách đáng kể trên cả nước, nhưng ở các bang chiến địa thì khoảng cách này ít ỏi hơn nhiều. Thông thường thì 90% cử tri Mỹ đã quyết định lá phiếu của họ từ trước các cuộc tranh luận của ứng cử viên, tranh luận chỉ tác động đến 10% còn lại. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.
U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.