Thất nghiệp - vấn đề nhức nhối
Cuộc tranh luận trực tuyến trên truyền hình diễn ra ngày 17/3, tập trung vào bốn chủ đề chính: Văn hóa, y tế công cộng, việc làm và giáo dục; với mục tiêu đưa Indonesia đủ sức cạnh tranh quốc tế vào năm 2025 và đạt được thành công trong “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” - phân định thị trường cạnh tranh ngày càng tăng cho lực lượng lao động của đất nước.
Chủ đề về giáo dục đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận, với các vấn đề bao trùm như cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp trường dạy nghề và sự thiếu hiệu quả của các quỹ được phân bổ cho hoạt động nghiên cứu.
Theo dữ liệu do cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) - cơ quan khảo sát chính của đất nước - công bố, sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề ở xứ vạn đảo này chiếm tỷ lệ cao nhất trong số những người thất nghiệp.
Với mục tiêu giảm 2 triệu người thất nghiệp trong giới trẻ, ứng cử viên Phó Tổng thống, doanh nhân Sandiaga, vốn là một cựu chỉ huy quân sự và là người điều hành chiến dịch tranh cử Tổng thống của ứng cử viên Mitchowo Subianto đang cạnh tranh với đương kim Tổng thống Joko Widodo, đã đề xuất thành lập một trung tâm đào tạo cho sinh viên mới tốt nghiệp, cung cấp các không gian làm việc và hợp tác.
“Chúng tôi thấy rằng vấn đề chính là sự thiếu liên kết và phù hợp giữa những gì một tổ chức giáo dục cung cấp và những gì lực lượng lao động yêu cầu”, ông Sandiaga nói.
|
Khác biệt về giải pháp
Cũng quan tâm đến vấn đề việc làm cho giới trẻ, ứng cử viên Phó Tổng thống Ma"ruf, đồng minh trong liên danh tranh cử của đương kim Tổng thống Joko Widodo, đã xác định hai cách để khắc phục vấn đề gây nhức nhối xã hội này.
“Chúng tôi sẽ hồi sinh các trường dạy nghề, bách khoa và học viện. Chúng tôi cũng sẽ điều chỉnh các trường này theo hướng những gì thị trường lao động đang đòi hỏi và tiếp nhận”, ông Ma"ruf tuyên bố, đồng thời khẳng định nếu được bầu, liên danh tranh cử của ông và Tổng thống Joko Widodo sẽ phát hành “thẻ trước khi đi làm”, cung cấp các ưu đãi từ sáu tháng đến một năm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường dạy nghề.
Ông Ma"ruf cũng nhắc lại chương trình “quỹ vĩnh viễn” của Hội đồng Ulema, cơ quan lãnh đạo Hồi giáo cao nhất của Indonesia mà ông là người đứng đầu, công bố hồi đầu năm nay, được xây dựng để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu.
Về phần mình, ứng cử viên Sandiaga đưa ra đề xuất tái cấu trúc các tổ chức nghiên cứu, lưu ý rằng “hợp tác” và “hiệp lực” giữa chính phủ và các cơ quan nghiên cứu là chìa khóa để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu.
Ngổn ngang những vấn đề giáo dục
Cô Najeela Shihab, nhà tâm lý học trẻ em và chuyên gia giáo dục Indonesia, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng cuộc tranh luận trên mang lại một cảm giác “không đầy đủ”. Theo cô, đáng lẽ các chủ đề xung quanh giáo dục phải được chú ý nhiều hơn nữa.
“Tôi luôn hiểu rằng giáo dục chưa phải là ưu tiên hàng đầu (ở Indonesia)” - cô Shihab nói - “Giáo dục không chỉ là vấn đề chính trị hay thức ăn cho cuộc chạy đua chính trị. Bất cứ ai được bầu cần phải có lộ trình trước 20 đến 30 năm. Ở
Indonesia, vấn đề chính của chúng tôi liên quan đến chính sách xung quanh giáo dục là nó luôn thay đổi. Cứ một bộ trưởng mới, lại có một chương trình giảng dạy mới”.
Cô Shihab nói rằng mặc dù Indonesia đã cố gắng đưa 56 triệu trẻ em đến trường, nhưng vẫn còn những vấn đề nổi cộm liên quan đến việc tiếp cận giáo dục của số đông trẻ em.
“Có một vấn đề với chất lượng giáo dục, chẳng hạn vẫn còn những giáo viên bỏ nghề” - cô nói tiếp - “Và cũng có những đứa trẻ không đi học, đặc biệt là những người đã đi làm hoặc những người không có giấy khai sinh... Vẫn còn những vấn đề thiết yếu như sự phát triển tiềm năng trong học sinh, các quyền cơ bản và giá trị dân chủ. Tôi hy vọng sự chú ý cho giáo dục sẽ tiếp tục trong tương lai. Giải pháp cho các vấn đề thiết yếu khác, trong giáo dục cũng như các vấn đề xã hội của đất nước, không dừng lại ở cuộc tranh luận này”.
Cuộc tranh luận hôm 17/3 là lần thứ ba trong tổng số năm cuộc tranh luận trong cuộc chạy đua tranh cử trước cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia; tuy nhiên, như đã nói, đây là cuộc tranh luận công khai trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Phó Tổng thống được thực hiện bởi Ủy ban Bầu cử (KPU). Trước đó, cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống là đương kim Tổng thống Joko Widodo và ứng cử viên Prabowo Subianto đã diễn ra vào ngày 17/1. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri đang nghiêng về liên danh tranh cử Joko - Ma"ruf , với tỷ lệ ủng hộ lên tới 57,6%, trong khi liên danh tranh cử Mitchowo - Sandiaga chỉ nhận được sự ủng hộ của 31,8% cử tri (số liệu từ Trung tâm nghiên cứu và tư vấn Saiful Mu camera).