Công khai thách thức

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phải hơn một năm sau vụ tấn công cầu Crimea năm ngoái, giới chức Ukraine mới lên tiếng nhận trách nhiệm.

Công khai thách thức

Nhưng tới cuộc tấn công mới nhất vào cây cầu này hồi trung tuần tháng 7 vừa qua, Kiev đã lên tiếng nhận trách nhiệm chỉ sau một ngày.

Ngày 25/7, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov trong bài đăng trên Telegram chính thức thừa nhận Kiev thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào khu vực bán đảo Crimea và thủ đô Moscow của Nga trong hai ngày 23 và 24/7. Quan chức cấp bộ trưởng này thậm chí còn khẳng định sẽ còn có nhiều cuộc tấn công tương tự như vậy trong thời gian tới nhằm vào Nga.

Trên thực tế có 17 UAV đã được phóng nhằm vào bán đảo Crimea trong đêm 23/7, hầu hết chúng đều bị phương tiện tác chiến điện tử của Nga bắn hạ trên biển và trên đất liền, nhưng vẫn có UAV kịp gây thiệt hại cho một kho đạn của Nga khiến người dân sống trong bán kính 5km xung quanh phải đi sơ tán. Sau đó vài tiếng đến rạng sáng 24/7, có 2 chiếc UAV cũng tấn công Moscow gây hư hại cho một tòa nhà và rơi xuống đại lộ nằm cách không xa trụ sở Bộ Quốc phòng Nga.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Ukraine đứng sau các vụ tấn công bằng UAV này và khẳng định đây là “hành động khủng bố quốc tế”. Khác với trước đây, giới chức Ukraine thường không công khai thừa nhận các vụ tấn công trên đất Nga, đến lần này chỉ một ngày sau sự việc, Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov đã lên tiếng tuyên bố Kiev đứng sau các vụ tấn công.

Đối với cây cầu huyết mạch Kerch trên bán đảo Crimea, địa điểm mà Nga luôn tuyên bố là lằn ranh đỏ nếu Ukraine đụng tới, thì giới chức Kiev hiện cũng không còn e ngại nêu quan điểm như trước. Trong một tuyên bố hôm 21/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thậm chí còn tuyên bố cây cầu nối bán đảo Crimea với Nga chính là một “mục tiêu quân sự”.

Người đứng đầu Ukraine khẳng định cầu Kerch không phải là một cơ sở hạ tầng dân sự, mà là một tuyến đường hậu cần quan trọng để Nga “quân sự hóa” bán đảo Crimea. Do đó, ông khẳng định Kiev có quyền coi đây là mục tiêu quân sự để có thể tấn công bằng bất kỳ phương tiện cần thiết nào.

Crimea tách khỏi Ukraine ngay sau sự kiện được phía Nga gọi là cuộc đảo chính Maidan năm 2014 nhằm lật đổ Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovich. Sau đó, bán đảo này tiến hành trưng cầu dân ý và gia nhập Liên bang Nga với sự ủng hộ của phần lớn dân số. Cầu Kerch cũng nhanh chóng được xây dựng ngay sau đó nhằm kết nối hệ thống giao thông của bán đảo này với Nga.

Kể từ đó, việc giành lại Crimea đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất tại Ukraine. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Ukraine cùng nhiều quan chức Kiev khác cũng từng nhiều lần khẳng định mong muốn lấy lại Crimea. Ngay trong sự kiện ngày 21/7, ông Zelensky cũng cho biết mục tiêu của Kiev là giành lại Crimea vì “đây là lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine”.

Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi cầu Kerch, cây cầu dài nhất ở châu Âu nối bán đảo Crimea với lục địa Nga, cùng bán đảo Crimea nói chung liên tục ghi nhận các cuộc tấn công bằng UAV trong những ngày gần đây.

Việc Ukraine hiện nay đã không cần phủ nhận việc mình đứng sau các vụ tấn công trên đất Nga như trên cũng đang đánh dấu một cách tiếp cận khác của Kiev đối với cuộc chiến, báo hiệu giai đoạn xung đột có thể còn ác liệt hơn sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

Nỗi buồn xao xuyến trong 'Khoảng cách'

GD&TĐ - Bài thơ của tác giả Chu Hồng Tiến để lại trong lòng người đọc cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có 'khoảng cách'...