Chào mừng Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6:

Cộng đồng trách nhiệm xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ

GD&TĐ - Từ diễn đàn đối thoại với trẻ em các cấp, nhiều chính sách, vấn đề liên quan đến trẻ được bổ sung, điều chỉnh.

Lãnh đạo TP Cần Thơ trao quà và giấy khen của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho 5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiêu biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Ảnh: T. Xuân
Lãnh đạo TP Cần Thơ trao quà và giấy khen của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam cho 5 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiêu biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Ảnh: T. Xuân

Trong đó, nổi cộm các vấn đề giáo dục giới tính, kỹ năng sống, tham gia giao thông an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, để xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, phát triển toàn diện cho trẻ em, cần sự cộng hưởng từ cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội.

Ưu tiên nguồn lực

Mai Lê Khánh Thy (3 tuổi) phát hiện bị bệnh tim sau khi được chương trình khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng tổ chức khám tại Trường Mầm non số 2 Hòa Tiến (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Em đã phẫu thuật và sức khỏe ổn định. Toàn bộ viện phí phẫu thuật sau khi Bảo hiểm y tế chi trả cũng được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng hỗ trợ 100%.

Chị Lê Thị Thương, mẹ của Khánh Thy cho biết: “Khi biết tin con bị bệnh, tôi gần như sụp đổ. Sau dịch Covid-19, kinh tế gia đình rất khó khăn do công việc không ổn định. Nhờ chương trình hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh của hội mà con tôi có cuộc đời thứ hai”.

Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Đà Nẵng hỗ trợ cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo với mức 500.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, hỗ trợ khẩn cấp, đột xuất chi phí điều trị cho những trẻ em thuộc hộ nghèo mắc các bệnh: Viêm màng não, ghép tim… với mức 4 triệu đồng/trường hợp; có chính sách hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em bị tim bẩm sinh trên địa bàn và nhiều chính sách quan trọng khác.

Trong Tháng hành động vì trẻ em 2024, tỉnh Đồng Tháp vận động toàn xã hội cùng hỗ trợ xây dựng, nâng cấp các công trình trường, lớp học, thư viện, hồ bơi, treo các biển cảnh báo về phòng, chống đuối nước... dành cho trẻ em; phấn đấu mỗi xã, phường, thị trấn có 1 công trình vì trẻ em nhân Tháng hành động…

Sở GD&ĐT Lai Châu cũng chỉ đạo các trường tổ chức các hoạt động thiết thực giúp đỡ trẻ em nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số; tập trung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực và vận động nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề liên quan để trẻ em Lai Châu có một mùa Hè an toàn, lành mạnh.

Lớp dạy bơi cho học sinh vùng lũ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Q. Ngữ

Lớp dạy bơi cho học sinh vùng lũ huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Q. Ngữ

Trang bị kỹ năng sinh tồn

Trường THCS Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu) nằm trên địa bàn có suối chảy qua. Theo thầy Hiệu trưởng Trần Văn Duy, dù trên địa bàn chưa từng xảy ra tình trạng học sinh đuối nước nhưng nguy cơ rất lớn, đặc biệt vào mùa mưa.

“Để đảm bảo an toàn cho học sinh, hằng năm, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng cháy chữa cháy. Cùng đó, kết hợp lực lượng công an, y tế, tổ chức các buổi ngoại khóa nhằm tăng cường kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh. Thường xuyên phối hợp gia đình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các em”, thầy Duy cho biết.

Năm học 2023 – 2024, Trường THCS Mường So có 499 học sinh. Chuẩn bị kết thúc năm học, nhà trường phối hợp để bàn giao học sinh về cho Đoàn xã và địa phương quản lý. “Trên địa bàn không có các điểm vui chơi dành riêng cho trẻ. Chính vì thế, khi bàn giao về cơ sở, chúng tôi đã tuyên truyền để các em tham gia vui chơi lành mạnh tại nhà văn hóa xã, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thời gian nghỉ hè”, thầy Duy chia sẻ.

Nhà em Đinh Thị Phi - học sinh lớp 8, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Sơn Liên (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) ở khu dân cư Mang Tăng, thôn Đăk Doa. Đường về nhà khá xa và qua nhiều điểm có nguy cơ sạt lở. “Trong các tiết sinh hoạt và một số môn học như Lịch sử - Địa lý, Giáo dục địa phương, thầy, cô giáo cho chúng em xem một số clip để nhận biết nguy cơ sạt lở.

Chúng em cũng phải để ý đến các hiện tượng thời tiết, ví dụ như mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày thì không được qua suối một mình, chú ý các quả đồi ở trên đường đi để có thể đảm bảo an toàn”, nữ sinh cho hay.

Nằm ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, học sinh Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng (xã Axan, huyện Tây Giang, Quảng Nam) được các thầy, cô giáo hướng dẫn những kỹ năng để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

“Các em được nhắc nhở không chơi, đứng dưới trụ điện hay gốc cây to khi trời mưa gió, sấm chớp, phải nhanh chân vào nhà để trú mưa. Biết cách quan sát những thay đổi bất thường của thời tiết, tránh qua các đoạn đường đang bị sạt lở hoặc lội qua suối một mình khi nước lũ dâng cao…”, thầy Nguyễn Viết Trường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam), giáo viên sẽ hướng dẫn các em những kỹ năng sinh tồn phù hợp lứa tuổi. Chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Hối, các em cũng được hướng dẫn khi nước sông, suối dâng cao thì tuyệt đối không được qua sông. Trên đường trở về nhà, nếu gặp mưa lớn, có thể xin ngủ lại nhà dân ở ven đường để đảm bảo an toàn.

Cây cầu treo dân sinh tại thôn 6, xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đi học mùa mưa lũ. Ảnh: Vỹ Trần

Cây cầu treo dân sinh tại thôn 6, xã Trà Cang (Nam Trà My, Quảng Nam) được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh đi học mùa mưa lũ. Ảnh: Vỹ Trần

Rà soát cơ sở vật chất, quy trình dạy – học

Cuối năm 2023, tại Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh (Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn hi hữu, trần gỗ một phòng học bất ngờ đổ sập khiến giáo viên đứng lớp và nhiều học sinh bị thương. Trong đó 1 em đa chấn thương nặng, phải điều trị lâu dài. Theo một số học sinh của trường, phòng học xảy ra sự cố vốn là nơi để dụng cụ cho môn Thể dục.

Tuy nhiên, năm học 2023 - 2024 được cải tạo lại, nới rộng chuyển thành phòng học. Sau sự việc xảy ra, phụ huynh của trường bày tỏ mong muốn nhà trường sớm rà soát, thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất lớp học. Nếu phòng học đã cũ hoặc có dấu hiệu xuống cấp, cần khắc phục sửa chữa đảm bảo an toàn cho học sinh, không để xảy ra tình huống tương tự.

Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh do tổ chức quốc tế tài trợ với phòng học kiên cố. Các phòng học ngoài đổ trần, lợp ngói còn được đóng thêm trần gỗ để đảm bảo mùa Đông ấm, mùa Hè mát. Tuy nhiên sau 30 năm hoạt động và sử dụng, cơ sở vật chất, các dãy phòng học đã cũ kỹ. Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản đề nghị nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sự việc, rà soát toàn bộ cơ sở vật chất và lập kế hoạch cải tạo, tu sửa những công trình xuống cấp, không đảm bảo an toàn…

Mới đây, Sở GD&ĐT Nghệ An phối hợp với Công an tỉnh ký kết hợp tác triển khai mô hình “Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và kỹ năng sống trong các trường học trên địa bàn tỉnh”, đồng loạt tại 4 cấp học.

Mục tiêu của mô hình nhằm chủ động phòng ngừa và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật trong học sinh, có kỹ năng sống tốt, biết ứng phó các tình huống xảy ra trong thực tế. Xây dựng môi trường an ninh, an toàn trường học, trong đó nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Mô hình được sự hưởng ứng tham gia của các nhà trường và đồng hành của chính quyền địa phương, ban ngành liên quan.

Để bảo đảm an toàn cho trẻ, bà Lê Thị Bích Thuận - Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết: “Lãnh đạo các đơn vị, trường học phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm an toàn trường học, phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, học viên; chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và các cấp quản lý về việc không bảo đảm điều kiện an toàn trường học theo quy định”.

Thực hiện yêu cầu trên, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thường xuyên lên kế hoạch cắt tỉa cành cây, loại bỏ các nhánh sâu, thân cây mục rỗng… để đảm bảo an toàn trường học vào các dịp hè, chằng chống cây trước mùa mưa bão.

Sở GD&ĐT khuyến nghị các trường học kiểm tra tình hình sinh trưởng các loại cây cổ thụ, nhất là cây phượng vĩ (hay bị mục rỗng thân, mục gốc); liên hệ với đơn vị chuyên ngành cây xanh để xử lý bảo đảm an toàn; có phương án chằng, chống phù hợp đối các cây trồng khi đã lớn không có rễ cọc, bộ rễ không đảm bảo an toàn.

Cô Lê Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Đức Trí (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Chúng tôi không hợp đồng xe với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để đưa đón học sinh vì có nhiều công đoạn nhà trường không thể kiểm soát. Chính vì vậy, nhà trường quyết định chỉ nhận đưa đón học sinh trong khả năng đáp ứng của đội xe. Xe đón học sinh tại nhà chứ không tổ chức các điểm trung chuyển. Việc quản lý học sinh lên, xuống xe do giáo viên phụ trách. Danh sách giáo viên phụ trách mỗi tuyến xe được cố định và hạn chế tối đa thay người. Chúng tôi thấy rằng nếu nhiều người cùng phụ trách một công việc quản lý học sinh sẽ có khoảng trống vì không tránh khỏi tâm lý ỷ lại, chủ quan. Vì vậy, ngoài xây dựng quy trình chặt chẽ thì nhân sự phải được tập huấn thường xuyên và đảm bảo điều độ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.