Công điện nêu rõ: Sáu tháng đầu năm 2016 cả nước diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên cả nước được bảo đảm, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân; còn xảy ra nhiều sự cố ưu hiếp an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt là tai nạn giao thông cả đường bộ và đường thủy tháng 5 và tháng 6 tăng cả 3 tiêu chí, số vụ, số người chết, số người bị thương.
Nguyên nhân chính của tình trạng trên là ý thức tuân thủ pháp luật trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người dân, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn thấp; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng, kiểm định phương tiện đường bộ, đường thủy nội địa còn nhiều thiếu sót; một bộ phận cán bộ thực thi công vụ hạn chế về năng lực chuyên môn, chưa làm tròn trách nhiệm, thậm chí có hiện tượng dung túng, tiếp tay cho các hành vi vi phạm của lái xe, chủ xe.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18/CT-TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kịp thời ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành địa phương:
a) Rà soát, khắc phục dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên toàn tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh; tăng cường an toàn giao thông tại các đoạn đường đèo, dốc, bán kính cong ngắn, các vị trí có nguy cơ sạt lở trên các tuyến quốc lộ trọng điểm qua các tỉnh trung du, miền núi; kiểm tra, đôn đốc và xử lý nghiêm vi phạm về bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên tất cả các công trình, dự án kết cấu hạ tầng giao thông đang thi công; thực hiện phân luồng, điều hành giao thông tại các công trình, dự án đang thi công để tránh tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
b) Kiểm tra công tác quản lý nhà nước về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; quản lý toàn kỹ thuật của phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ, phương tiện vận tải thủy nội địa; đánh giá toàn diện về việc sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy định về thời gian lái xe liên tục qua thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
c) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý an toàn đối với khai thác và bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm hoạt động bay, khai thác cảng hàng không, sân bay; thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra an ninh đối với hành khách, hàng hóa qua cảng hàng không.
2. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, trong đó tập trung xử lý các người điều khiển phương tiện vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, tải trọng, quá chu kỳ đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng, không có giấy phép kinh doanh vận tải, không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ chuyên môn, chở quá số người quy định, chở hành khách không mặc áo phao hoặc thiết bị cứu sinh trên phương tiện thủy nội địa.
b) Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của lực lượng tuần tra kiểm soát, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định nghiệp vụ hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi công vụ; sớm khai thác dữ liệu từ hệ thống camera trên cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ và Pháp Vân - Ninh Bình để giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông theo quy định.
c) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức sơ kết 2 năm công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm chở quá tải trọng trên đường bộ theo Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 và Kế hoạch phối hợp số 12593/KHPH-BGTVT-BCA ngày 21 tháng 11 năm 2013 giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định, chế tài pháp luật mới về trật tự, an toàn giao thông; các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa; quy định về an ninh, an toàn đối với hành khách khi đi tàu bay; kiến thức và kỹ năng lái xe, điều khiển phương tiện thủy an toàn; tập trung tuyên truyền cho các đối tượng là lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải hành khách, tài công, chủ phương tiện thủy chở khách; cảnh báo các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông; những hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.
4. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tăng cường các bản tin, phát các thông điệp tuyên truyền pháp luật giao thông, các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ, thủy nội địa; cảnh báo nguyên nhân, hậu quả tai nạn giao thông, các quy tắc tham gia giao thông an toàn cho người dân đặc biệt là xe ô tô và phương tiện thủy chở khách.
5. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên tự giác chấp hành pháp luật trật tự, an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cấp huyện, xã:
a) Tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật giao thông theo các chuyên đề do các Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo; đồng thời chủ động thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo đặc điểm tình hình của địa phương, chú trọng xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông của người điều khiển mô tô xe máy, xe ô tô kinh doanh vận tải, phương tiện thủy nội địa chở khách; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn khu vực cảng hàng không, sân bay trên địa bàn, xử lý triệt để mọi hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân uy hiếp hoạt động an toàn bay trên địa bàn.
b) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, chú trọng vào các đơn vị vi phạm quy định pháp luật hoặc có dấu hiệu vi phạm do người dân và cơ quan báo chí phản ánh; tổ chức kiểm tra sức khỏe đối với lái xe kinh doanh vận tải, trong đó chú trọng kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với hành vi sử dụng ma túy và các chất kích thích thần kinh. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
c) Phân công lãnh đạo có đủ thẩm quyền tiếp nhận thông tin do người dân phản ảnh qua số điện thoại đường dây nóng để xử lý những hạn chế, yếu kém, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về vận tải, kết cấu hạ tầng, công tác tuần tra, kiểm soát và các thông tin vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông của người tham gia giao thông; xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm quy định thực thi công vụ hoặc tai nạn giao thông trên địa bàn phụ trách.
7. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
a) Thành lập đoàn kiểm tra do các đồng chí Ủy viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia làm trưởng đoàn đi kiểm tra công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các địa phương có tình hình trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
b) Khẩn trương triển khai các giải pháp thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, phòng chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016.
c) Theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Công điện này.