'Công cụ' quan trọng giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp

GD&TĐ - Giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và thành công sau này của trẻ. 

Ứng xử với mọi người phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp. Ảnh minh họa.
Ứng xử với mọi người phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, để hình thành kỹ năng này là cả quá trình rèn luyện và cần áp dụng phương pháp chính xác, phù hợp.

Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ hiểu, lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác. Trẻ biết cách bày tỏ mong muốn với cha mẹ, thầy cô, ông bà,… Đồng thời, trẻ sẽ dễ dàng kết bạn, có mối quan hệ tốt với mọi người.

“Công cụ” quan trọng để trẻ phát triển

Giao tiếp là một trong những kỹ năng xã hội quan trọng trong đời sống hằng ngày của con người. Chúng ta thường được biết đến là một “mắt xích” của xã hội, cho nên, hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đều phải tương tác, giao tiếp với thế giới xung quanh để thấu hiểu và tạo dựng các mối quan hệ.

Đối với trẻ nhỏ, các cấp độ giao tiếp phát triển dần theo độ tuổi. Ngay từ khi chào đời, trẻ giao tiếp bằng mắt, qua các cử động của chân, tay, đặc biệt là tiếng khóc…

Lên 3 tuổi, trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp, thể hiện thái độ, cảm xúc thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ như cử chỉ, ánh mắt, nét mặt… Vì vậy, giao tiếp chính là “công cụ” quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển.

Giáo viên Nguyễn Thị Lâm Thương - Trường Mẫu giáo Mầm non A (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, giao tiếp là khả năng thực hiện việc chuyển tải thông tin từ người này sang người khác với các công cụ như ngôn ngữ nói, viết và ngôn ngữ cơ thể.

Với trẻ mầm non, khả năng giao tiếp bao gồm việc thể hiện bản thân và tiếp nhận thông điệp từ người khác. Giao tiếp không đơn thuần là trao đổi thông tin. Giao tiếp còn có ý nghĩa trong việc kích thích não bộ, phát triển trí tuệ cho trẻ. Từ đó, khiến trẻ dễ dàng hòa nhập xã hội hơn.

Sự phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ thể hiện ở mỗi giai đoạn là khác nhau. 3 - 4 tuổi là giai đoạn hình thành hành vi bắt chước trong giao tiếp của trẻ. Bé sẽ quan sát và muốn làm theo các hành động của cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Vậy nên, cần cho trẻ thấy những cư xử tích cực.

Ở giai đoạn 4 - 5 tuổi, trẻ biết tương tác với những người xung quanh bằng cách thể hiện mong muốn và suy nghĩ của bản thân. Trong giai đoạn này, cần tạo nhiều cơ hội cho trẻ giao tiếp.

Giai đoạn 5 - 6 tuổi, trẻ biết sử dụng các câu phức tạp, nhạy cảm với ngôn từ và ghi nhớ nhiều hơn các câu có cú pháp rõ ràng. Đây là lúc uốn nắn các câu và ngữ pháp cho trẻ.

“Công cụ chính của giao tiếp là ngôn ngữ nói và ngôn ngữ hình thể. Ngôn ngữ nói được củng cố thông qua việc trò chuyện, kể chuyện, đọc sách, hoạt động giao tiếp bằng lời nói,… Ngôn ngữ hình thể được phát triển khi bé cảm nhận, điều khiển hành vi của bản thân. Bé có ngôn ngữ hình thể tốt khi hiểu được sợi dây liên kết giữa ngôn ngữ và biểu đạt của chân tay, mắt mũi, cơ thể,…”, giáo viên Lâm Thương chia sẻ.

Cha mẹ cần trò chuyện với trẻ nhiều hơn để giúp các con phát triển khả năng hoạt ngôn, tư duy. Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ cần trò chuyện với trẻ nhiều hơn để giúp các con phát triển khả năng hoạt ngôn, tư duy. Ảnh minh hoạ.

Ngôn ngữ để thể hiện suy nghĩ

Ở tuổi mầm non, phát triển ngôn ngữ là một nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Lâm Thương, không nên xem nhiệm vụ trọng tâm của phát triển khả năng giao tiếp cho trẻ chỉ ở phát triển ngôn ngữ.

Cô Thương dẫn chứng, mô hình Reggio Emilia ở Italy được xem là một trong những mô hình giáo dục mầm non chất lượng nhất hiện nay. Mô hình này luôn nhấn mạnh rằng, trẻ có hàng trăm ngôn ngữ khác nhau (viết, vẽ, múa, âm nhạc, ngôn ngữ cơ thể, đóng kịch…) để biểu cảm và thể hiện suy nghĩ của mình.

Ở nhiều nền giáo dục mầm non trên thế giới, dạy trẻ khả năng giao tiếp là sự kết hợp của ba lĩnh vực: Phát triển ngôn ngữ, hình thành tiền đề cho hoạt động đọc, viết và phát triển các loại hình nghệ thuật (tạo hình, âm nhạc và múa…); khả năng giao tiếp cũng cần được hiểu là bao gồm cả khía cạnh động cơ (mong muốn) và khía cạnh kỹ năng (khả năng) kết nối với người lớn và bạn bè để trao đổi ý tưởng, suy nghĩ và tình cảm.

Vì vậy, nữ giáo viên cho biết, trong chương trình giáo dục mầm non, các trò chơi chung và hoạt động như đóng kịch, sắm vai là để tập cho trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Trong gia đình, cha mẹ nên thường xuyên dẫn trẻ đi chơi ngoài công viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ mời bạn về nhà cùng chơi với nhau dưới sự sắp xếp và gợi ý của bố mẹ. Đó là những biện pháp giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp với bạn bè.

Ngoài ra, cần giúp trẻ có những ứng xử thích hợp. Thực tế, mỗi trẻ có tính cách khác nhau. Có những trẻ hoạt bát linh động, nhưng cũng có trẻ thụ động hoặc quá nóng nảy, hiếu động… Vì thế, cha mẹ cần biết rõ tính cách của con để hướng cho trẻ chơi với những người bạn thích hợp.

Theo giáo viên Lâm Thương, cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp là cho con cơ hội thường xuyên thực hành những kỹ năng đã biết. Đồng thời, học hỏi những kĩ năng giao tiếp mới.

Giao tiếp chính là “công cụ” quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển. Ảnh minh hoạ

Giao tiếp chính là “công cụ” quan trọng để trẻ tồn tại và phát triển. Ảnh minh hoạ

Tạo dựng môi trường lành mạnh

Trong khi đó, theo ThS Tâm lý lâm sàng Nguyễn Thị Bảo Trâm - Công ty Giáo dục và Đào tạo quốc tế Rồng Việt, giao tiếp là khả năng thực hiện việc chuyển tải thông tin từ người này sang người khác.

Với trẻ, kỹ năng giao tiếp bao gồm việc thể hiện thông tin, mong muốn của bản thân và tiếp nhận thông điệp từ người khác. Vì vậy, trong những năm tháng đầu đời của trẻ, các cha mẹ cần quan tâm, hướng dẫn dạy con kỹ năng này.

“Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ hiểu lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người khác. Trẻ biết cách bày tỏ mong muốn với cha mẹ, thầy cô, ông bà,… Khi biết cách giao tiếp, trẻ sẽ dễ dàng kết bạn, có mối quan hệ tốt với mọi người. Khi đó, trẻ cũng dần phát triển các kỹ năng khác như làm việc nhóm, tư duy phản hồi”, ThS Bảo Trâm chia sẻ.

Việc được rèn luyện kỹ năng giao tiếp tốt sẽ giúp trẻ tự tin, cũng như nhìn nhận cuộc sống tốt hơn. Bởi, kỹ năng giao tiếp được ví như chìa khóa giúp trẻ làm chủ, phát huy các kỹ năng còn lại. Đây cũng là nền tảng giúp các bé nhận biết giá trị sống và dần hình thành các kỹ năng sống.

“Nhiều người cho rằng, khi thực sự biết nói, trẻ mới bắt đầu biết trao đổi thông tin và giao tiếp. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Ngay từ rất sớm, trẻ đã bắt đầu hình thành kỹ năng này”, chuyên gia cho biết. Kỹ năng trao đổi thông tin sớm ở trẻ có thể kể tới là tập trung. Trẻ thường chú ý vào người, vật, hoạt động nào đó thông qua việc nghe, nhìn. Trẻ cũng thường bắt chước các cử động nét mặt, âm thanh, hành động.

Ngoài ra, hoạt động chơi sẽ giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh, phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp. Trong khi đó, cử chỉ là một phần của trao đổi thông tin ở trẻ. Trẻ bắt đầu sử dụng ánh mắt, cử chỉ, nét mặt, điệu bộ của cơ thể để diễn đạt. Trẻ cũng bắt đầu chơi với các bạn, giao tiếp với thầy cô,… để tạo dựng mối quan hệ. Dù biết nói hay chưa, trẻ cũng đã tập cho mình kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe xem cha mẹ nói gì, âm thanh phát ra từ xung quanh là gì.

Theo chuyên gia này, muốn trẻ giao tiếp tốt, cha mẹ cần tạo dựng một môi trường năng động, lành mạnh. Điều này có thể bắt đầu bằng việc người lớn dành nhiều thời gian trò chuyện với trẻ hơn. Các trẻ được tiếp xúc với nhiều người, bạn bè. Các bé được học nhiều bài bổ ích, tham gia hoạt động trò chơi, câu đố hằng ngày,… Khi có môi trường tốt, trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ, năng động, thích trò chuyện. Người lớn cần quan tâm, để ý tới cảm xúc của trẻ nhiều hơn. Nếu thấy trẻ có biểu hiện nhút nhát, ít nói, ngại giao tiếp, cha mẹ cần động viên trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ cần trò chuyện với trẻ nhiều hơn để giúp các con phát triển khả năng hoạt ngôn, tư duy. Những đứa trẻ thường được cha mẹ quan tâm, hỏi về chuyện ở lớp sẽ vui vẻ, hoạt bát hơn. Khi trò chuyện với trẻ, người lớn cũng nên chú ý tới cách diễn đạt. Ví dụ: Thường xuyên sử dụng từ “vâng”, “ạ”, nói rõ ràng, tránh nói trống không. Tuyên dương, tán thưởng trẻ nhiều hơn. Khi trẻ mắc lỗi, cần nhẹ nhàng chỉnh sửa.

“Không phải đứa trẻ nào cũng hoạt ngôn từ bé và sẵn sàng chia sẻ khi được hỏi. Do đó, người lớn cần biết cách kích thích khả năng nói, tư duy, bày tỏ cảm xúc, quan điểm của trẻ. Cách đơn giản là trò chuyện với trẻ nhiều hơn, sử dụng các câu hỏi mở. Ví dụ: Khi ăn, có thể hỏi: ‘Con thích món nào nhất?’, ‘Hôm nay con đi học có vui không?’, ‘Con thấy các bạn ở lớp thế nào?’”, ThS Bảo Trâm gợi ý.

Phụ huynh cũng có thể kể chuyện, đọc thơ cho trẻ. Bởi, việc kể chuyện cho trẻ giúp con tăng khả năng ngôn ngữ, biểu cảm, trí tưởng tượng, kỹ năng lắng nghe. Đồng thời, sẽ giúp chia sẻ tình yêu thương của cả nhà dành cho nhau. Tuỳ vào độ tuổi khác nhau của trẻ mà cha mẹ lựa chọn những câu chuyện sao cho thích hợp như chuyện ngắn hay chuyện dài.

Sau khi kể, cha mẹ nên khuyến khích trẻ bằng cách đặt những câu hỏi liên quan đến nội dung quyển sách. Đồng thời, đề nghị trẻ bổ sung thêm những chi tiết vào câu chuyện đó.

Cha mẹ cũng cần dạy trẻ ứng xử phù hợp trong cuộc sống hằng ngày. Ứng xử với mọi người phù hợp sẽ giúp trẻ tăng cường kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, sau này, trẻ sẽ là một người thông minh, nhanh nhạy và khéo léo trong cách xử lý tình huống. Ngay từ bé, cha mẹ đã phải dạy trẻ ứng xử phù hợp trong cuộc sống hằng ngày như: Biết nói lời cám ơn, chào hỏi khi gặp mọi người, lịch sự dạ thưa khi trả lời người lớn tuổi,...

“Cha mẹ nên cùng trẻ tham gia hoạt động vui chơi ngoại khóa, tiếp xúc bên ngoài. Khi chơi, nên trò chuyện, trao đổi thông tin với trẻ. Hãy so sánh một đứa trẻ thường xuyên được tham gia các hoạt động ngoại khóa với một đứa trẻ chỉ ở trong nhà, ít tiếp xúc, mọi người sẽ thấy rõ sự khác biệt.

Ngày nay, trẻ em thường được cho ra làm quen với thế giới bên ngoài từ sớm, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Nhờ đó, trẻ sẽ năng động, hiểu biết nhiều hơn”, ThS Bảo Trâm cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.