Công chúa Chích Bông

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công chúa nhỏ của mẹ! Chúng ta sẽ bắt đầu từ hành trình mẹ thai nghén con, công chúa nhé.

Ảnh: NTH
Ảnh: NTH

Ngày ấy, mẹ đau dữ dội, đứng không nổi, ngồi không yên. Mẹ đi khám thì bác sĩ kết luận mẹ có em bé, kèm thông tin khiến mẹ vô cùng lo lắng: U xơ tử cung – không phải một khối mà là một chùm. Mẹ bàng hoàng khi bác sĩ nói mẹ sẽ khó giữ thai, nguy cơ lưu thai hoặc sinh non… rất cao. Bác sĩ tư vấn mẹ nên bỏ thai để đảm bảo sức khỏe và tính mạng cho mẹ. Mẹ làm sao có thể làm điều đó. Mẹ không cam tâm. Mẹ không chấp nhận. Mẹ lên bệnh viện tuyến trên, rồi trên nhất – là Bệnh viện Phụ sản Trung ương thăm khám. Vẫn những kết luận cũ nhưng tư vấn thì rất mới: Cố gắng giữ con, còn nước còn tát…

Thế là, mỗi tháng một lần, mẹ từ Bắc Ninh về Hà Nội thăm khám để nắm bắt tình hình phát triển của con và khối u. Hai bên cùng lớn, cùng giành chỗ trong cơ thể khiến mẹ đau đớn. Bác sĩ kê đơn thuốc, mẹ tuyệt đối tuân thủ liệu trình để hạn chế tối đa sự phát triển của khối u. Mẹ cũng lại tìm hiểu xem nên ăn gì, làm gì giúp con khỏe mạnh, yên vui trong lòng mẹ.

Tối tối, mẹ thường kể cho con nghe về một ngày trôi qua với mẹ, về những điều mẹ mong muốn. Mong muốn lớn nhất của mẹ lúc đó là sự an toàn của con. Anh trai con mỗi lần thấy mẹ quặn đau thì lại vỗ vỗ vào bụng mà hỏi han em đang thấy thế nào? Qua những đợt đau, con khỏe thì quậy ra trò, đạp méo cả bụng mẹ. Từng ngày trôi qua, mẹ vừa giữ gìn, vừa hi vọng vào điều tốt đẹp.

Bằng cách nào đó, con đã kiên cường cùng mẹ vượt qua 37 tuần 4 ngày. Mẹ không bao giờ quên được ngày sinh con. Hôm ấy, vừa lên bàn khám thì bác sĩ chuyển mẹ sang phòng cấp cứu. 12 giờ trưa, bố làm thủ tục và các bác sĩ đỡ mẹ lên xe cáng đẩy. Mẹ đau dữ dội. Các bác sĩ kéo xe chạy thật nhanh qua sân, vào thang máy, lên phòng mổ. Sự khẩn trương của các bác sĩ đủ cho mẹ thấy tình hình nguy kịch mức nào. Mẹ chỉ biết nằm trên xe phó thác số phận. Ở đây là tuyến cao nhất rồi. Mẹ tin tưởng các bác sĩ và sẵn sàng nhận mọi kết quả, kể cả sinh mạng của mình để con được bình an.

Mẹ được đưa vào phòng mổ. Các bác sĩ mặc blouse màu xanh ngay lập tức gây tê, che mảnh vải trước mặt mẹ và tiến hành phẫu thuật. Mẹ hồi hộp, lắng nghe mọi âm thanh, mong đợi tiếng khóc chào đời của con. Phút giây ấy cuối cùng cũng đến.

Con đã chào đời an toàn. Bác sĩ nói, đây là ca sinh kì diệu vì mẹ đã giữ được con tuyệt vời hơn dự đoán. Mẹ kịp mỉm cười trước lúc lịm đi. Với mẹ, giờ thì sao cũng được. Con được bế khỏi phòng phẫu thuật, nhưng mẹ còn nằm lại đó gần một giờ đồng hồ để các bác sĩ tiếp tục cắt bỏ khối u nặng hơn nửa kg. Mẹ không còn sức để sợ. Mẹ mất quá nhiều máu và là người yếu nhất ở phòng hồi sức.

Mấy ngày tiếp theo, mẹ tập ngồi, tập đứng, tập đi… đầy khó nhọc. Mỗi sự cử động đều làm vết thương nhói buốt. Rồi chúng ta được về nhà. Thành công ngoài mong đợi. Mẹ tròn con vuông. Tạ ơn trời đất, tổ tiên.

Từ những ngày đầu, công chúa của mẹ đã có mái tóc dày mượt, đôi mắt tròn xoe, đôi má phúng phính, đôi môi đỏ xinh… Đáng yêu đến phát nghiện. Công chúa thích được mẹ bế, vỗ về, trò chuyện, hát ru… Mẹ có biệt tài kể hàng trăm câu chuyện, hát hàng trăm bài ru về chủ đề dành riêng cho công chúa nhỏ của mẹ. Chẳng biết công chúa hiểu đến đâu mà tay chân huơ rối rít, toét miệng cười khanh khách. Nụ cười ấy giúp mẹ có sức mạnh lạ kì để dìu dắt, che chắn cho các con đi qua ngày nắng, ngày mưa, ngày gió, ngày bão, ngày khỏe, ngày ốm…

Thấm thoắt đã 5 năm trôi qua. Công chúa của mẹ giờ đây cao ngang người mẹ, tóc dài qua vai, mắt vẫn tròn, má vẫn phính, môi vẫn xinh và đáng yêu hơn trước.

Tuy còn nhỏ nhưng công chúa rất tự giác, tự lập. Mỗi sáng thức dậy đều tự đánh răng, rửa mặt, thay đồ và tự chuẩn bị balô đi học. Mẹ thường dừng xe ở cổng trường mầm non. Công chúa chào mẹ rồi nhảy chân sáo tự vào lớp. Không khóc nhè, mè nheo; không đòi mẹ dắt, mẹ bế như một số bạn khác. Chiều về, công chúa biết phụ mẹ dọn nhà, nhặt rau, chuẩn bị đồ tắm gội, nói chuyện ríu rít như bạn Chích Bông. Công chúa hiểu chuyện và luôn cố gắng không để mẹ phiền lòng. Thứ công chúa muốn mà mẹ không cho phép thì công chúa sẽ không đòi nữa.

Ảnh: NTH

Ảnh: NTH

Công chúa thích chơi trò dạy học. Mẹ và các bạn thú bông là học sinh của công chúa. Công chúa bắt đầu buổi dạy bằng việc điểm danh và dặn học trò ngồi ngay ngắn, trật tự. Tiếp đó, công chúa đọc thơ hoặc kể chuyện hoặc hát một bài rồi yêu cầu học sinh mẹ lặp lại. Nếu mẹ lỡ quên, lỡ nhầm thì công chúa nhắc bài giúp. Mẹ áp lực nhất môn: Người mẫu. Công chúa được học môn này bài bản ở câu lạc bộ trên Hà Nội nên về chỉnh mẹ cặn kẽ lắm: Nhìn thẳng, lưng thẳng, đi thẳng, tay vung chéo chân… nào… bước… bước… bước... Đến cuối đường thì tạo dáng, đẩy hông. Ôi trời ơi, môn này mẹ chịu thua thực sự. Mẹ thích chơi trò đọc sách hơn.

Đọc sách thì công chúa thực hiện trước giờ đi ngủ. Ngày nào cũng thế, công chúa sẽ chọn một cuốn trên giá sách màu hồng rồi nhờ mẹ đọc. Mẹ thường dán tên của công chúa vào những câu chuyện nên công chúa thích lắm, cười híp cả mắt. Công chúa vừa nghe vừa tha hồ tưởng tượng mình là nhân vật chính: Bay qua những cánh đồng, bơi qua các dòng sông, ngồi trên cỗ xe ngựa, đi trong tòa lâu đài, đội vương miện kim cương, mặc chiếc váy lấp lánh, đi đôi giày búp bê… Những hình ảnh đẹp đó chìm dần vào giấc mơ của công chúa.

Một ngày của công chúa diễn ra thật thú vị.

Mẹ tin rằng, mọi bé gái đều muốn được làm công chúa – dẫu các bé không có váy lấp lánh, không có giày búp bê… Mẹ mong sao, mọi bé gái đều được đối xử như những nàng công chúa – dẫu các bé sống ở hoàn cảnh nào, vùng đất nào, gia đình nào…

Những công chúa nhỏ của chúng ta! Các con thật đáng yêu! Chúc các con mỗi ngày đều là công chúa xinh đẹp, nhân từ.

Một người mẹ của công chúa!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.