Cô tiết lộ mình là công chúa của một đảo quốc ở phương Đông, bị cướp biển bắt cóc nhưng thoát được rồi trôi giạt đến nơi này. Người dân khắp nước Anh phấn khích với nàng công chúa này, cho đến một ngày sự thật được phơi bày…
Công chúa phương Đông?
Mary Willcocks giả công chúa lừa mọi người trong thời gian dài (ảnh trái). |
Vào ngày 3 tháng 4 năm 1817, một thiếu nữ khoảng hai mươi tuổi, mặc chiếc váy đen đơn giản, đầu trùm chiếc khăn đen, đi vào ngôi làng nhỏ Almondsbury, hạt Gloucestershire của Anh. Cô ta mang theo một bọc vải nhăn nhúm có lẽ chứa toàn bộ tài sản của mình và nói thứ ngôn ngữ mà người dân địa phương không ai hiểu.
Ban đầu, cô gái được phát hiện bởi vợ chồng người thợ gốm trong làng. Cho rằng đây là một người ăn xin, họ dẫn cô đến cơ quan hỗ trợ người nghèo để được giúp đỡ. Băn khoăn trước ngôn ngữ kỳ lạ của người khách, ông Hill, quản lý ở đây, đưa cô đến ngôi nhà Knole Park, gặp vị thẩm phán địa phương, Samuel Worrall, xin ý kiến.
Ông Worrall và người vợ gốc Mỹ cũng không hiểu ngôn ngữ của người khách lạ. Bà Worrall bị cuốn hút bởi vẻ ngoài kỳ lạ của cô gái, nhưng ông Worrall tỏ ra thận trọng hơn. Trong những năm sau Chiến tranh Napoléon, những người khách lạ thường bị chính quyền giám sát vì nghi ngờ họ có thể là gián điệp. Không ít người đã bị bắt và bị đưa sang Australia.
Ông Worrall cố gắng liên lạc với cô gái bằng cách sử dụng các dấu hiệu và yêu cầu cô trình bất kỳ giấy tờ nào có được. Nhưng cô gái không có gì cả. Cô ta cho mọi người thấy cái túi rỗng của mình, làm rơi ra một vài đồng nửa xu và một đồng sáu xu giả. Thời điểm đó, mang tiền giả là một tội nghiêm trọng, có thể bị tử hình. Nhưng cô gái dường như không hiểu được mức độ nghiêm trọng của hành vi này.
Tin rằng cô gái đến từ một vùng đất xa xôi và xa lạ với luật pháp nước Anh, vợ chồng Worrall sai hai người hầu đưa cô đến quán trọ The Bowl trong làng để qua đêm. Tại đây, cô gái thấy bức tranh treo trên tường có hình một quả dứa và thích thú chỉ vào nó, kêu lên “anana”, tương tự như “nanas”, tiếng Indonesia có nghĩa là quả dứa. Từ đó, những người trong quán trọ cho rằng quê hương của người phụ nữ ở phương Đông huyền bí.
Bà chủ nhà trọ đề nghị nấu bữa tối cho khách, nhưng cô gái ra dấu muốn uống trà.
Khi được trao một chiếc cốc, cô gái thốt ra một lời cầu nguyện nhỏ, đưa một tay lên mắt, rồi uống cạn. Đến giờ ngủ, cô gái dường như không biết chiếc giường dùng để làm gì, cuộn chăn và nằm ngay xuống sàn.
Quyết tâm tìm hiểu thêm về người phụ nữ bí ẩn này, bà Worrall đưa cô trở lại Knole Park. Qua ra dấu, bà chỉ biết tên của cô là “Caraboo”, đến Anh trên một con tàu, ngoài ra không biết thêm gì nữa.
Sau đó, Caraboo được đưa đến Bristol để thị trưởng thẩm tra, nhưng do ngôn ngữ bất đồng, ông ta cũng không biết được gì nên ra lệnh chuyển người lạ đến Bệnh viện St Peter, nơi chăm sóc những người lang thang, cơ nhỡ.
Ngày nọ, một thủy thủ người Bồ Đào Nha tên là Manuel Eynesso đến thị trấn, sau khi nghe cô gái nói vài phút đã tuyên bố anh ta có thể hiểu được ngôn ngữ của Caraboo. Anh nói với ông Worrall rằng, cô ấy là một công chúa đến từ hòn đảo tên là Javasu, bị cướp biển bắt cóc và giam giữ trên một con tàu.
Ngày nọ, khi tàu vào kênh Bristol, cô lén nhảy xuống biển và bơi vào bờ. Câu chuyện của cô gái khiến ông Worrall và những người bạn của ông thích thú. Tin tức về một công chúa nước ngoài lạc vào thị trấn lan nhanh và mọi người từ khắp nơi đến để diện kiến cô.
Công chúa Caraboo hấp dẫn mọi người với ngôn ngữ kỳ lạ và những hành vi khác thường. Cô là một tay kiếm điêu luyện, sử dụng cung tên tự chế rất thành thạo, thích khỏa thân ở hồ bơi khi ở một mình, thường cầu nguyện đấng tối cao từ trên cành cây cao.
Các tờ báo thi nhau đăng tin về Công chúa Caraboo và cô được xem như một nhân vật tầm cỡ quốc gia.
“Công chúa Caraboo” được vây quanh bởi những quý bà. |
Sự thật phơi bày
Bảng kỷ niệm “Công chúa Caraboo” ở nơi bà sinh sống. |
Báo chí Anh sau cú sốc công chúa giả, đã biến Mary thành một nữ anh hùng của tầng lớp lao động, người đã lừa dối xã hội thượng lưu và vạch trần sự phù phiếm của tầng lớp giàu có. Họ bắt đầu hư cấu câu chuyện về công chúa Caraboo xinh đẹp với những tình tiết hấp dẫn để câu khách.
Về phần “thủy thủ người Bồ Đào Nha”, người đã dịch câu chuyện của Mary, không rõ làm thế nào mà anh ta có thể hiểu được một thứ ngôn ngữ giả tạo - trừ khi anh ta cũng là một kẻ lừa đảo.
Trong mười tuần liên tiếp, nàng công chúa phương Đông đã tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong đời, cho đến khi một chủ nhà trọ ở Bristol, bà Neale, đọc được những mô tả về công chúa trên báo và nhận ra thân phận thực sự của cô nàng.
Hóa ra, Công chúa Caraboo tên thật là Mary Baker (tên khai sinh là Mary Willcocks), con gái của một thợ săn ở Witheridge, hạt Devon, ở Tây Nam nước Anh và nói tiếng Anh rất chuẩn xác. Vài tháng trước đó, Mary đến trọ tại nhà bà Neale, thỉnh thoảng giải trí cho các cô con gái nhỏ của bà bằng cách nói thứ ngôn ngữ do chính cô tạo ra.
Khi đối diện với tin tức này, Mary ban đầu phủ nhận nhưng cuối cùng cô đã suy sụp và thừa nhận sự thật.
Mary Baker sinh năm 1791 trong một gia đình rất nghèo, sáu anh chị em của cô đều chết trẻ. Khi mới 8 tuổi, cô phải làm việc kéo sợi len và dệt vải, thỉnh thoảng lao động tại các trang trại địa phương. Lớn lên một chút, cô giúp việc trong nhiều ngôi nhà khác nhau ở Exeter và London. Nhiều chủ nhà đã mô tả cô “kỳ quặc và lập dị”.
Cô cũng có thời gian làm việc ở trại tế bần St. Mary London và Bệnh viện Magdalen, nơi dành cho gái mại dâm hoàn lương, với nhân thân giả.
Mary nói dối bất cứ khi nào có thể để tìm việc làm và nhận sự thương hại của mọi người, vì vậy không dễ gì tách sự thật ra khỏi hư cấu trong những lời của cô. Ví dụ, cô kể, từng cải trang thành đàn ông để đảm bảo an toàn khi đi bộ từ London đến Devon và bị một nhóm người bắt cóc.
Khi phát hiện ra đây là một cô gái, họ định bắn cô vì cho rằng cô là chỉ điểm của cảnh sát, nhưng cô đã hết lời van xin nên cuối cùng được tha. Cô cũng tuyên bố đã kết hôn với một người đàn ông tên Baker nhưng sau đó bị bỏ rơi.
Dường như cô đã sinh một đứa trẻ vào năm 1816, nhưng nó đã chết ngay sau đó.
Mary cho biết, đã trải qua Giáng sinh năm 1816 ở Pháp, và vào tháng 2 năm 1817 trở về Anh với cha mẹ, kể với họ rằng cô lang thang nhiều nơi, cuối cùng lại phải ăn xin trên đường đến Plymouth. Trong khi tìm kiếm một con tàu để đến Philadelphia, cô đến quán trọ của bà Neale và đã sống bằng cách ăn xin trên đường phố.
Sau đó, Mary cảm thấy chán nản với Bristol nên bắt đầu tìm đến Gloucester, ăn xin ở nhiều nơi, sử dụng ngôn ngữ “tự chế” và che giấu danh tính của mình. Một lần Mary giả vờ nói tiếng Tây Ban Nha với một người đàn ông lạ. Thật ngạc nhiên, ông ta cho biết đã hiểu ý cô.
Kinh nghiệm này đã dạy cho Mary một bài học quan trọng về cách sử dụng “chuyên môn” ngôn ngữ giả cho mục đích của mình. Đêm đó, cô ở trong một nhà trọ và tạo một danh tính mới. Ngay sáng hôm sau, cô ấy đi về phía làng Almondsbury với tư cách là Công chúa Caraboo.
Khi phát hiện sự thật, ban đầu ông Worrall rất sốc, nhưng rồi không khỏi ngạc nhiên và thán phục một cô gái lao động nghèo đã lừa được những học giả thông minh bấy lâu nay. Vốn là người tốt bụng, ông không bắt tội, mà còn tỏ lòng thương hại Mary. Khi cô bày tỏ mong muốn được đến Mỹ, ông đưa cô lên tàu đến Philadelphia với sự đồng hành của ba người phụ nữ mà bà Worrall đã nhờ chăm sóc cô.
Khi đến Mỹ, Mary được đám đông nhiệt tình chào đón với cái tên “Công chúa Caraboo”. Cô kiếm được tiền từ “tai tiếng” của mình qua một chương trình sân khấu ngắn ngủi ở New York, dựa trên nhân vật công chúa giả.
Vài năm sau, cô trở lại Anh và tổ chức chương trình tương tự, nhưng lúc này, cơn sốt Caraboo đã lắng xuống nên buổi biểu diễn không mấy thành công. Ít lâu sau, cô kết hôn và định cư ở Bristol, sinh được một con gái.
Mary sống ổn định bằng nghề bán đỉa cho Bệnh viện Bristol trong suốt 30 năm và qua đời vào đêm Giáng sinh năm 1864, thọ 75 tuổi. “Công chúa Caraboo” được an táng tại nghĩa trang của nhà thờ Hebron, Bedminster, yên nghỉ trong một ngôi mộ không được đánh dấu.