Chính nó châm ngòi cho một cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền, tạo nên cuộc chiến 10 ngày, hơn 3.700 người bị thiệt mạng, và gần 5.000 người khác bị thương.
Chính sách sai lầm và lòng tham vô đáy
Cuộc nổi dậy năm 1997 ở Albani được xem là hậu quả của "cú lừa Ponzi đa cấp" diễn ra tại quốc gia nhỏ bé, trong bối cảnh Albani đang trong thời kỳ quá độ chuyển sang kinh tế thị trường dưới sự điều hành của hệ thống chính trị Enver Hoxha.
Hậu quả, hơn 2/3 người dân trong tổng số trên dưới 3 triệu người Albani bị sập bẫy vì hám lãi suất cao, mong giàu lên một cách nhanh chóng.
Và một nguyên nhân sâu xa, nguy hiểm hơn là do sai lầm của chính quyền, phê duyệt một số đạo luật chưa phù hợp, tạo điều kiện cho các công ty đa cấp huy động tiền giống như các ngân hàng thương mại.
Do mất trắng hơn 1,2 tỷ USD, người dân Albani đã xuống đường biểu tình chống chính phủ, cáo buộc giới chính khách chống lưng bòn rút của dân, đưa đất nước đến bên bờ vực chiến tranh nguy hiểm.
Cư dân nước ngoài sơ tán khỏi Albani do biểu tình chống chính phủ năm 1997.
Năm 1992, Đảng Dân chủ Albani giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong lịch sử, với việc ông Sali Berisha trở thành tổng thống.
Vào giữa thập niên 90, Albani chính thức chuyển sang nền kinh tế thị trường sau nhiều năm bao cấp có kiểm soát. Khi tiếp cận với nền kinh tế thị trường, hệ thống tài chính non trẻ không tránh khỏi những sai sót. Nó trở thành miếng mồi cho "mô hình lừa Ponzi" nhờ các quỹ đầu tư kim tự tháp được chính phủ cho phép hoạt động.
Cũng phải nói thêm rằng, vào năm 1997, việc buôn bán gặp nhiều khó khăn, lợi nhuận giảm mạnh nên những người có tiền bắt đầu chuyển hướng đầu tư. Nắm được điểm yếu này, các công ty tài chính hoạt động theo mô hình Ponzi được hậu thuẫn bởi luật đã vào cuộc.
Ước tính có khoảng 2/3 số dân Albani đã bị lừa với khoản tiền ít nhất 1,2 tỷ hoặc 1,5 tỷ USD. Số tiền trên tự động chảy vào các công ty cung ứng dịch vụ đa cấp Ponzi với mức lãi suất tháng từ 10 đến 25%, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người hàng tháng chỉ có 80 USD.
Nhiều người tham lãi đã bán cả nhà cửa, tài sản, huy động tiền bạn bè, người thân để gửi lấy lãi. Thậm chí cả những người xa xứ làm việc tại Hy Lạp và Italy cũng chuyển tiền về Albani để "gửi trứng cho ác".
Người dân thành phố Vlora biểu tình, ném đá vào cảnh sát để phản đối chính phủ.
Mô hình Ponzi được gọi mỹ miều bằng cái tên Phương án Kim Tự tháp Albani (TPP), khởi động từ năm 1991, hoạt động giống như một ngân hàng, nhưng lại không có đầu tư cụ thể, không cho vay, chỉ để thu và trả lãi.
Giám đốc đầu tiên của TPP là Hajdin Sejdisë, người sau đó đã bỏ trốn sang Thụy Sĩ cùng với hàng triệu đôla cuỗm được của khách hàng.
Tiếp đến là Sudja, một giang hồ từng là thợ đóng giày đã đứng ra thành lập doanh nghiệp mang tên Populli, và một công ty khác do một chính trị gia được thuê để điều hành có tên là Xhaferri.
Vào thời điểm cuối năm 1996, các doanh nghiệp TPP phát triển cực thịnh, lãi suất vô cùng hấp dẫn, thậm chí có lúc lên tới 100% để câu khách, nhưng thực chất là dấu hiệu suy tàn. Sở dĩ các công ty TPP tồn tại được là do kẽ hở pháp luật của chính phủ tạo ra.
Năm 1994, Quốc hội Albani đã ban hành đạo luật ngân hàng, trong đó không quy định Ngân hàng Quốc gia Albani phải giám sát các hoạt động của các ngân hàng thương mại, hoặc của các doanh nghiệp cho vay tiền. Sai lầm này dựa trên khuyến cáo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF).
Hai năm sau, IMF thấy sai lầm sửa lại nhưng đã muộn. Nghiêm trọng hơn, khi IMF khuyến cáo chính phủ đóng cửa các hoạt động TPP thì chính phủ Albani lại chần chừ.
Theo dư luận, việc chậm chễ của chính phủ là do có bàn tay của "nhóm lợi ích", vừa được tiếng lại được cả miếng.