Tuy nhiên, vào nửa cuối thế kỷ XVI, giữa thời phụ quyền, hoàng đế Mughal Akbar (1542 – 1605) lại giao nhiệm vụ cho cô mẫu - công chúa Gulbadan Begum (1523 – 1603) viết biên niên sử.
Nhân chứng hoàng cung
Công chúa Begum là con gái của hoàng đế Babur (1483 – 1530), người sáng lập Đế chế Mughal (1526 – 1857), em gái của hoàng đế Humayun (1508 – 1556) và cô của hoàng đế Akbar.
Năm 1585, lịch sử Ấn Độ chứng kiến một sự kiện trọng đại là sự dời đô từ Fatehpur-Sikri đến Lahore. Nguyên nhân chính dẫn đến sự di dời này là vì Fatehpur-Sikri càng lúc càng khan hiếm nước.
Từ trước đó hơn một thập kỷ, hoàng đế Akbar đã ra lệnh tu sửa và nâng cấp pháo đài Lahore (có từ thế kỷ XI) để làm kinh đô mới. Bên cạnh nước nôi đầy đủ, Lahore còn chiếm giữ vị trí quân sự chiến lược, cho phép phát hiện mọi động tĩnh ở các lãnh thổ từ xa và cực kỳ phát triển.
Triều đình Mughal quan niệm, hoàng đế là thiên tử, người trực tiếp nhận kiến thức trị quốc từ thiên giới. Vì thế, hoàng đế, ngay từ lúc mới sinh ra đã thông tuệ nên không cần phải học hành. Giống như cha và ông, hoàng đế Akbar không biết chữ.
Tuy nhiên, khác với họ là ông cực kỳ khát tri thức. Mỗi buổi tối, ông đều cho người đến đọc to các cuốn sách để nghe. Thư viện hoàng cung của ông có đến hơn 24 nghìn cuốn sách. Chúng được lập danh mục, đánh số, phân loại theo từng chủ đề: Thiên văn học, âm nhạc, chiêm tinh, thần thoại, tư vấn và bình luận.
Vừa ổn định tại kinh đô mới xong, hoàng đế Akbar đã ra một quyết định mang tính lịch sử là biên soạn cuốn sách đồ sộ về Đế chế Mughal để hậu thế đời đời không quên ân đức của tổ tiên. Cũng trong năm dời đô, ông ban chiếu chỉ ghi chép và thu thập toàn bộ các tư liệu về hoàng đế Babur và hoàng đế Humayun. Trong số những người nhận chỉ từ hoàng đế Akbar, có Bayazid Bayat, trưởng quan quản lý ngự thiện phòng và Jawhar, người hầu nước của hoàng đế Humayun.
Đặc biệt, hoàng đế Akbar đích thân nhờ cô mẫu là công chúa Begum lúc đó 63 tuổi. Cuộc đời của bà gắn liền với 3 đời vua Mughal và lẽ đương nhiên, bà am tường về hoàng cung Mughal hơn bất kỳ ai. Trong mắt hoàng đế Akbar, bà chính là nhân chứng sống của Đế chế Mughal.
Hoàng đế Mughal Akbar, người ra lệnh viết biên niên sử Mughal. Ảnh: Atlasobscura.com |
Biên niên sử Mughal
Khi nhận chiếu chỉ từ hoàng đế Akbar, công chúa Begum vừa mới trở về sau chuyến hành hương dài 3.000 dặm đến Mecca (mất 5 năm) và chuyển vào sống bên trong hậu cung của kinh đô mới. Bà không chỉ nắm giữ tư liệu của gần 60 năm lịch sử Đế chế Mughal, mà còn vô số hiểu biết về thế giới xung quanh.
Bà hồi tưởng lại tất cả các sự kiện trọng đại cũng như cuộc sống đời thường diễn ra trong cuộc đời 2 tiên hoàng của Mughal. Không chỉ thế, bà còn phối hợp với chị dâu là thái hậu Hamida và các cháu gái, cùng nhau đối chiếu, bổ sung ký ức để có những trang viết chi tiết hơn.
Giống như công chúa Begum, thái hậu Hamida cũng là nhân chứng sống của Đế chế Mughal. Bà tham dự hầu hết các sự kiện cung đình, cực kỳ yêu quý sách, thích sưu tầm các tác phẩm văn học, nghệ thuật và là người bảo trợ của nghề dệt may Mughal.
Sự kết hợp giữa công chúa Begum và thái hậu Hamida nhanh chóng tái phác họa đầy đủ khung cảnh quá khứ của Đế chế Mughal. Công chúa Begum vẫn nhớ như in khung cảnh đám cưới của hoàng huynh Humayun nên bà không chỉ viết lại, mà còn tự tay vẽ bức tranh tuyệt đẹp.
Cùng với tự ghi chép, bà tích cực thu thập các tư liệu, câu chuyện, thi phẩm, nhạc phẩm… về Mughal. Suốt thời gian bà chuẩn bị cho biên niên sử Mughal, hậu cung luôn tràn ngập tiếng kể chuyện. Từ thái hậu cho đến các cung nữ đều say sưa nhớ lại, kể ra những chuyện mà họ biết.
Chủ tọa các buổi nghe, kể chuyện luôn là công chúa Begum. Ở tuổi lục thập, bà thường xuyên diện chiếc áo kurta dài cổ điển, khoác miếng lụa choàng salwar chạm mắt cá chân và vấn khăn đính hạt sequin màu bạc.
Trong khi phụ nữ lớn tuổi bận rộn nhớ và ghi chép xuống giấy thì những cô gái nhỏ (con gái của hoàng đế Akbar và các công nương hoàng tộc khác) góp ý kiến, bổ sung quan điểm… Bà lắng nghe tất cả, cuối cùng tổng hợp toàn bộ và soạn ra biên niên sử đồ sộ nhất: “Chuyện trong thời Humayun Badshah” (Ahval-i Humayun Badshah).
Cuốn biên niên sử này gồm 2 tập, tổng hợp tất cả các sự kiện, trạng thái, hoàn cảnh cuộc sống trong thời đại Mughal. Tập 1 kể về cuộc sống đời thường của hoàng đế Babur còn tập 2 là cuộc lưu đày và giành lại vương quyền của hoàng đế Humayun.
Trong khi các quan lại, học giả là nam giới nhận lệnh viết biên niên sử của Mughal từ hoàng đế Akbar chỉ quan tâm viết và sưu tập các tư liệu, tác phẩm ngợi ca chiến công của các hoàng đế Mughal, thì công chúa Begum đặc biệt chú trọng các khía cạnh đời thường.
Sách của công chúa Begum là tư liệu lịch sử quý giá. Ảnh: Atlasobscura.com |
Ở tập 1, bà cho thấy sự khát khao và nỗi tuyệt vọng của phụ hoàng trong những thời điểm thăng trầm cai trị. Các vùng đất, con người, văn hóa… được bà miêu tả cặn kẽ, khiến cho biên niên sử này giống như là tự truyện của hoàng đế Babur.
Sang tập 2, “Chuyện trong thời Humayun Badshah” lại giống như tự truyện của hoàng đế Humayun. Công chúa Begum đặc biệt dành nhiều trang cho đám cưới trên sa mạc của hoàng huynh với Hamida. Bà cũng kể chi tiết sự chào đời trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt của hoàng đế Akbar, lễ đăng quang, sự kiện cung đình…
Dưới bàn tay của công chúa Begum, lịch sử Mughal được tái hiện đầy đủ hơn bất cứ tư liệu nào cùng thời. Nhờ bà, Ấn Độ lưu giữ được cả thông tin về sự kiện cung đình lẫn đời sống thường dân, triết lý nhân sinh và xu thế nghệ thuật.
Ngoài “Chuyện trong thời Humayun Badshah”, công chúa Begum còn là tác giả của rất nhiều bài thơ. Bà thông thạo 2 thứ tiếng, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ. Tiếc rằng, tất cả thi phẩm của bà đều bị thất lạc, chỉ còn lại vài câu trong các trích dẫn từ sách của người khác.