Công bố quốc tế của cả nước: Trường đại học chiếm đa số

Công bố quốc tế của cả nước: Trường đại học chiếm đa số

Để kiến tạo những “tổ ấm” giúp nhà khoa học toàn tâm, toàn ý cống hiến, Bộ GD&ĐT đã và đang xây dựng chính sách hỗ trợ tối đa cho những nhóm nghiên cứu trong trường đại học.

100% “made in Việt Nam”

Đầu năm nay, tạp chí Forbes Việt vinh danh TS Trần Quốc Quân – một trong ba mươi gương mặt trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam năm 2020. Bằng nghiên cứu khoa học (NCKH), TS Quân đang đóng góp công sức, trí tuệ, tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Suốt nhiều năm ròng kể từ sau khi vào đại học đến nghiên cứu sinh (2008 - 2018), Trần Quốc Quân bén duyên rồi gắn bó với nhóm nghiên cứu mạnh dưới sự hướng dẫn của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN.

Tốt nghiệp thủ khoa năm 2012, Quân được chuyển tiếp nghiên cứu sinh từ tháng 8/2013. 5 năm sau, nghiên cứu sinh Trần Quốc Quân bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ Cơ học Kỹ thuật, tiếp tục giảng dạy và công tác tại Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến, Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng - Giao thông của trường, do GS Nguyễn Đình Đức khởi xướng và sáng lập.

Nhóm nghiên cứu mạnh thực sự trở thành “tổ ấm”, hậu thuẫn mạnh mẽ cho Trần Quốc Quân tiếp cận các hướng nghiên cứu mới nhất, hiện đại nhất thế giới trong lĩnh vực cơ học. Ở tuổi đời còn rất trẻ, TS Quân là tác giả và đồng tác giả của 24 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín trong danh mục ISI (SCI/SCIE) của ngành và có h-index theo thống kê của Google scholar là 15.

Trưởng thành từ giáo dục trong nước, đã và đang cống hiến cho giáo dục nước nhà, thành công của TS Trần Quốc Quân cho thấy sự chuyển biến và hội nhập mạnh mẽ trong những năm gần đây của giáo dục đại học Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế.

Thành công đó tiếp tục tô đậm vai trò định hướng, dẫn dắt của người thầy và nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong môi trường đại học.

Điều đáng trân trọng là thầy và trò đều công bố quốc tế với nội lực 100% “made in Việt Nam”, trong điều kiện thiếu thốn kinh phí, cơ sở vật chất, bản thân các trò đều xuất thân từ những tỉnh xa xôi, gia đình khó khăn. Đây cũng là một trong những điều tâm đắc nhất của GS Nguyễn Đình Đức khi nói về nhóm nghiên cứu và những học trò của mình. “Vừa là người trong cuộc, vừa trải qua công tác quản lý, tôi cho rằng nhóm nghiên cứu rất quan trọng, là cốt lõi trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Những ai nghiêm túc, có vị trí trong trường đại học đều thuộc các nhóm nghiên cứu”, GS Đức chia sẻ.

Mới đây, ngày 10/5, Bộ KH&CN công bố Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2020 danh giá. Ba công trình đạt giải (hai giải chính, một giải trẻ) đều là các nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế uy tín. Đáng chú ý, ba nhà khoa học được đề cử - những người đóng góp quan trọng nhất vào công trình đều là giảng viên, nhà khoa học đến từ các trường đại học ViệtNam .

Đó là PGS.TS Vương Thị Ngọc Lan (Trường Đại học Y Dược TPHCM), PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Trường ĐH Đà Lạt) và TS Nguyễn Trương Thanh Hiếu (Trường ĐH Tôn Đức Thắng).

Trong đó, PGS.TS Phạm Tiến Sơn (Trường Đại học Đà Lạt), tác giả của công trình “Generic properties for semialgebraic programs” xuất bản trên tạp chí SIAM Journal on Optimization, cũng là một nhà khoa học hoàn toàn “made in Việt Nam”. PGS Sơn tốt nghiệp cử nhân rồi Thạc sĩ ngành Toán học của Trường ĐH Đà Lạt, làm nghiên cứu sinh và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Viện Toán học. Phần lớn thời gian nghiên cứu của PGS Sơn đều ở Trường ĐH Đà Lạt, với nhóm nghiên cứu lý thuyết kỳ dị, ngoài những chuyến công tác ngắn tại các viện nghiên cứu và các trường đại học trong nước và quốc tế.

Các kết quả của công trình đã được đưa vào sách chuyên khảo Genericity in Polynomial Optimization (Hà Huy Vui và Phạm Tiến Sơn), nằm trong chuỗi các ấn phẩm về chủ đề Tối ưu và Ứng dụng của NXB World Scientific, do giáo sư Jean Bernard Lasserre (Tổng biên tập của chuỗi ấn phẩm) đề nghị viết. Nội dung sách dựa trên hầu hết các công trình chung của GS Hà Huy Vui và PGS. TS Phạm Tiến Sơn.

Thúc đẩy phát triển nội lực

Theo Bộ KHCN, năm 2019 Việt Nam ước đạt 11.461 công bố quốc tế thuộc Scopus, tăng gần 6,5 lần so với năm 2009 (1.764 công bố); tăng hơn 1,3 lần so với năm 2018 (8.759 công bố).

Theo ông Tạ Ngọc Đôn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT, riêng năm 2019, công bố quốc tế của ngành Giáo dục đạt 85% tổng số công bố quốc tế của cả nước. Tương ứng với số lượng sản phẩm KHCN mà cơ sở GDĐH đóng góp cho tiềm lực KHCN quốc gia ngày càng lớn là số lượng các nhà khoa học trong ngành ngày càng tăng.

Dù theo định hướng nghiên cứu hay ứng dụng, cơ sở GDĐH đều phải thực hiện hai nhiệm vụ chính yếu là đào tạo và NCKH. Tuy nhiên, bản chất NCKH là tìm kiếm cái mới, cái chưa biết. Dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho NCKH không đồng nghĩa với chắc chắn thành công. Vì vậy, đầu tư NCKH được đánh giá là một loại hình đầu tư mạo hiểm, khiến nhiều trường đại học tương đối “dè sẻn” cho lĩnh vực này.

Vấn đề này đã được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ khi chủ trì hội nghị về Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở GDĐH vào tháng 4 vừa qua. Để tạo những biến chuyển đáng kể, Bộ GD&ĐT đã quyết liệt chỉ đạo công tác xây dựng Nghị định quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở GDĐH.

Nghị định dự kiến sẽ khuyến khích thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng khi thực hiện nhiệm vụ KHCN các cấp; khuyến khích sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ KHCN; khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích khi chuyển giao kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ.

Xác định, nhóm nghiên cứu là mô hình cần thiết với nhiều trường, Dự thảo Nghị định đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về xây dựng nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, tạo môi trường làm việc cho nhà khoa học, tạo ra những tập thể nghiên cứu mạnh, đủ sức giải quyết các mục tiêu KHCN quốc gia.

Kiên trì với định hướng tự chủ đại học, theo Bộ GD&ĐT, cần trao quyền tự chủ về KHCN tối đa cho cơ sở GDĐH, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để “gỡ khó” cho trường. “Trong 5 - 7 năm tới, nếu cải thiện được cơ chế sẽ tạo ra thay đổi đột phá, tăng động lực, đẩy mạnh nghiên cứu chuyển giao công nghệ, nâng số lượng công bố quốc tế, thu hút cả nhân tài người Việt trở về và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam hợp tác” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Ban soạn thảo cũng xem xét việc cho phép cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu có biên chế NCKH được xây dựng trong đề án vị trí việc làm, được hưởng lương từ ngân sách sự nghiệp KHCN để thúc đẩy hoạt động NCKH. Khi đó, từ nhóm nghiên cứu đến nhóm nghiên cứu mạnh sẽ có thể trở thành lực lượng nghiên cứu thực sự hiệu quả trong lòng đại học Việt, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nghị định quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở GDĐH tập trung một số đột phá về cơ chế tài chính; thành lập doanh nghiệp theo mô hình spin-off, start-up; ưu tiên đầu tư cho một số cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu, một số cơ sở GDĐH đã được xếp hạng trong bảng xếp hạng 1.000 trường đại học danh tiếng của thế giới và 500 trường tốt nhất châu Á; xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh mang tính dẫn dắt; tăng cường phát minh sáng chế; tăng cường nguồn thu cho Quỹ phát triển KHCN và Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo của cơ sở GDĐH; đẩy mạnh vai trò tư vấn, chuyên nghiệp hóa hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của tổ chức quản lý KHCN trong cơ sở GDĐH.

Dự kiến trong tháng 7, 8, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về giải pháp đẩy mạnh hoạt động KHCN trong các cơ sở GDĐH để thúc đẩy quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.