Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải chủ trì buổi họp báo. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh và đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Pháp lệnh gồm gồm 7 chương và 58 điều (Pháp lệnh năm 2020). So với Pháp lệnh hiện hành, Pháp lệnh sửa đổi vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đã bổ sung 2 chương mới là: "Công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ" và "Nguồn lực thực hiện". Bổ sung 10 điều mới và sửa đổi nội dung 41 điều trên cơ sở kế thừa các quy định đã thực hiện ổn định trong thực tiễn của Pháp lệnh và Nghị định, Thông tư hiện hành. Pháp lệnh cũng nêu rõ nội dung về đối tượng áp dụng, điều kiện, tiêu chuẩn, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan với người có công với cách mạng.
Một số nội dung lớn đáng chú ý là: Pháp lệnh mở rộng việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, bổ sung đối tượng người có công và thân nhân như: Người bị địch bắt tù đày do trực tiếp hoạt động cách mạng, trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975; mở rộng đối tượng người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; bổ sung đối tượng hưởng ưu đãi là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống.
Pháp lệnh cũng chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Các điều kiện, tiêu chuẩn đối với 12 diện đối tượng người có công với cách mạng đã được rà soát kỹ từ thực tiễn.
Chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân được tập hợp để quy định một cách thống nhất, rõ ràng trong Pháp lệnh. Theo đó, từng đối tượng và người có công được hưởng chế độ ưu đãi gồm trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và chế độ ưu đãi khác như bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe, cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị phục hồi chức năng, ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm, hỗ trợ cải thiện nhà, miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất, vay vốn ưu đãi để kinh doanh, miễn giảm thuế…
Đồng thời định rõ nguyên tắc hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; quy định chế độ trợ cấp mai táng; bổ sung chế độ bảo hiểm y tế và trợ cấp tuất hàng tháng đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ tái giá; quy định mức trợ cấp hàng tháng với Bà mẹ Việt Nam anh hùng bằng 3 lần mức chuẩn, đảm bảo Bà mẹ Việt Nam anh hùng sống tốt mà không phụ thuộc vào số con liệt sĩ.
Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Về vấn đề giải quyết hồ sơ tồn đọng, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong Pháp lệnh quy định cụ thể việc giải quyết hồ sơ tồn đọng với tinh thần công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đảm bảo tính pháp lý theo từng thời kỳ.
Bộ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện các hành vi làm giả giấy tờ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi chính sách đối với người có công với cách mạng. Thời gian qua, khoảng 6.000 hồ sơ ưu đãi người có công còn tồn đọng vì thủ tục không còn giấy tờ gốc hoặc đã hoàn thiện hồ sơ nhưng chưa được xem xét đã được các đơn vị, địa phương giải quyết.
Trong thời gian tới, dự kiến có khoảng 3 Nghị định của Chính phủ và 3 Thông tư của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được xây dựng, ban hành để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).