Công bố nhiều nghiên cứu, giải pháp về năng lượng và cơ khí

GD&TĐ - Hội thảo vùng về “Kỹ thuật cơ khí động lực, năng lượng và cơ khí chế tạo” (RCTEMME2021) diễn ra trong 2 ngày (10-11/12) công bố nhiều nghiên cứu, giải pháp về năng lượng và cơ khí, hướng tới phát triển bền vững.

GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội thảo.
GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Diễn ra tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, RCTEMME2021 có chủ đề “Hội nhập và Đổi mới để Phát triển bền vững” được bảo trợ bởi Dự án Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN/SEED-Net). 

Với chủ đề “Hội nhập và đổi mới để phát triển bền vững”, hội thảo thu hút gần 200 đại biểu tham dự; trong đó có các tác giả đến từ 11 quốc gia trên thế giới.

Xuyên suốt hai ngày diễn ra hội thảo, 164 báo cáo xung quanh phát triển năng lượng bền vững, công nghệ chế tạo cơ khí, cơ khí động lực...  của các tác giả có tầm ảnh hưởng đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Malaysia, Campuchia và Thái Lan… được trình bày trong 11 phân ban.

Có thể kể đến một số nghiên cứu như: Nghiên cứu về tình hình năng lượng thế giới và chiến lược trung hoà carbon ở Nhật Bản của GS Hideaki Ohgkaki, Đại học Kyoto (Nhật Bản); Hợp tác nghiên cứu và triển khai nhiên liệu sinh học tại Học viện Công nghệ Bandung (Indonesia) của GS Iman Kartolaksono Reksowardojo, Viện Công nghệ Bandung; Phát triển bền vững ngành nhiệt lạnh: Các lựa chọn và nhu cầu cho nghiên cứu của GS Felix Ziegler, Đại học Công nghệ Berlin (Đức)…

Hội thảo vùng về “Kỹ thuật cơ khí động lực, năng lượng và cơ khí chế tạo” được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo vùng về “Kỹ thuật cơ khí động lực, năng lượng và cơ khí chế tạo” được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thế giới đang bước vào giai đoạn phát triển về dân số và kinh tế toàn cầu. Điều này dẫn đến những yêu cầu về công nghệ và máy móc ngày càng phát triển để đáp ứng với những nhu cầu đang gia tăng. 

Năng lượng luôn là yếu tố thiết yếu cho sự phát triển, bởi muốn chạy hay vận hành các máy móc, hệ thống, chúng ta cần năng lượng. Tuy nhiên, theo dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trầm trọng. Việt Nam cũng đang đứng trước thách thức về nguy cơ thiếu hụt năng lượng trong vòng một thập kỷ tới, chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng. 

Bên cạnh đó, nhu cầu về di chuyển và vận chuyển hàng hoá cũng thúc đẩy sự phát triển của vận tải và công nghệ trong lĩnh vực này. Xe điện, xe lai điện (xe hybrid) xuất hiện bên cạnh các dòng xe truyền thống. 

Vấn đề về chuyển dịch sang năng lượng sạch, vật liệu mới, phát triển công nghệ mới trong máy móc, robot, thiết bị thông minh, ô tô, hệ thống cơ khí... để hướng tới phát triển bền vững đều là những đề tài nóng được trao đổi trong hội thảo lần này.

Hợp nhất giữa Hội thảo vùng lần thứ 14 về Công nghệ năng lượng và Hội thảo vùng lần thứ 13 về Công nghệ chế tạo cơ khí, RCTEMME2021 được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ thông tin và công bố những công trình nghiên cứu khoa học.

Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hội thảo được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến để bảo đảm tương tác giữa những người tham dự đến từ nhiều quốc gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ