Kon Tum liên tiếp xảy ra động đất: Tiến hành khảo sát để xác định nguyên nhân

GD&TĐ - Những ngày qua, trên địa bàn huyện Kon Plông (Kon Tum) xảy ra hàng chục trận động đất. Động đất liên tiếp xảy ra làm cho nhà cửa rung lắc khiến người dân không khỏi bất an.

Xã Đăk Tăng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Xã Đăk Tăng là một trong những khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.

Liên quan đến việc liên tiếp xảy ra động đất ở huyện Kon Plông, ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, vào sáng ngày 19/4 tỉnh đã dự cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai cùng các Bộ, Ngành Trung Ương.

Theo ông Tháp, qua báo cáo tổng hợp thì thời gian tới các đoàn sẽ tiến hành khảo sát để xác định được nguyên nhân cụ thể.

Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh cho hay, đến thời điểm hiện tại theo Viện Vật lý địa cầu thì chưa có ảnh hưởng gì lớn bởi các trận động đất. Tuy nhiên, tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát tình hình thực tế để có phản ứng kịp thời.

Sau khi trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay xảy ra, người dân tại huyện Kon Plông vẫn chưa hết hoang mang, lo lắng.

Hơn 12 giờ 50 phút trưa 18/4, thầy Thầy Hà Minh Tuệ, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) cùng một số giáo viên trong trường bỗng thấy phòng rung lắc khoảng hơn 10 giây.

Thầy Tuệ cho biết, từ khoảng tháng 4/2021 đến nay, trên địa bàn thường xuyên xảy ra động đất, làm rung lắc các phòng học. Từ đầu năm 2022 đến nay, các trận rung lắc xảy ra ngày một nhiều hơn, có ngày 1-2 trận, có ngày 5-6 trận. Tuy nhiên, vào khoảng 12 giờ 55 phút trưa 18/4 trận động đất kéo dài lâu và rung mạnh hơn.

“Lâu nay cứ rung lắc liên tục, như một vụ nổ gì đó. Nó cứ đùng đùng rồi rào rào đi theo lượt. Còn hôm qua thì nó rung lâu hơn, đi một lúc”, thầy Tuệ nói.

Theo thầy Tuệ, qua tìm hiểu, mọi người cho rằng là do dư chấn khiến túi khí nổ nhưng cũng không biết rõ nguyên nhân cụ thể là như thế nào mà xảy ra hiện tượng trên.

“Nhà trường và phụ huynh cũng mong muốn chính quyền địa phương tìm hiểu rõ nguyên nhân vụ việc. Từ đó để giáo viên, học sinh yên tâm dạy và học”, thầy Tuệ bộc bạch.

Chị Y Long kể lại cảnh tượng nhà rung lắc trong trận động đất vào trưa 18/4.

Chị Y Long kể lại cảnh tượng nhà rung lắc trong trận động đất vào trưa 18/4.

Tương tự, tại xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) chị Y Long (29 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng nhớ lại trận động đất xảy ra vào trưa 18/4.

Vào khoảng 13 giờ kém, sau khi làm xong công việc đồng áng, chị cùng chồng về nhà nghỉ ngơi và ăn cơm trưa. Bất ngờ, vợ chồng chị nghe thấy một tiếng động lớn cùng với đó căn nhà rung lắc, bát đĩa cũng bị xê dịch.

Lo sợ, vợ chồng chị chạy ra khỏi nhà rồi lên bãi đất trống để “lánh nạn”. Khoảng gần 20 giây, mọi thứ trở lại bình thường thì anh chị mới quay về nhà và kiểm tra lại đồ dùng.

“Sau trận rung lắc, một số đồ dùng trong nhà của mình bị di chuyển và rơi xuống sàn. Mình cùng chồng dọn dẹp lại và gọi cho cô giáo để hỏi thăm tình hình 2 người con gái đang theo học bán trú. May mắn các con vẫn bình an”, chị Long tâm sự.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Phòng thủ dân sự huyện Kon Plông, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xảy ra 169 trận động đất. Tuy nhiên, chỉ tính riêng từ năm 2022 đến nay địa phương đã xuất hiện 53 trận động đất. Các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4,5 độ richter.

Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút trưa ngày 18/4, có độ lớn 4.5 độ richter được đánh giá là mạnh nhất từ trước tới nay trên địa bàn huyện. Dư chấn của trận động đất còn lan sang các địa phương lân cận như Gia Lai, Bình Định...

Không những vậy, trong tháng 1/2022, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều trận động đất. Dư chấn động đất kèm theo tiếng nổ lớn trong lòng đất và làm rung chuyển nhà cửa của người dân trên địa bàn. Qua đó, cũng gây ảnh hưởng và làm nứt một số phòng học, hành lang trường học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ